Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Cuộc đua của thép Nam Kim

 Bám sát nền tảng kinh doanh cốt lõi với chiến lược linh hoạt, Nam Kim đang tăng tốc rất nhanh, thách thức vị thế của Hoa Sen, người dẫn đầu trong lĩnh vực tôn mạ hiện nay.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), hiện Nam Kim đang đứng thứ 2 trên thị trường tôn mạ, với 15% thị phần, chỉ đứng sau “vua tôn” Hoa Sen với 32% thị phần.

Bứt phá

Đến cuối năm 2017, Nam Kim sẽ đưa vào nhà máy sản xuất thứ 3 để tăng tổng công suất lên hơn 1 triệu tấn tôn mạ/năm, qua đó thu hẹp khoảng cách với Hoa Sen. Điều này hoàn toàn có cơ sở nếu nhìn cả một chặng đường dài từ lúc Nam Kim gia nhập thị trường đến nay.

Bước vào sân chơi ngành tôn mạ, năm 2002, Nam Kim bị che khuất bởi những “cái bóng” quá lớn, như Hoa Sen, Phương Nam, Đông Á. Tuy nhiên, chỉ mất không đầy 9 năm, Nam Kim đã lọt vào nhóm 10 công ty lớn và giai đoạn từ năm 2013-2016 đã có những bước tiến rất nhanh để vươn lên vị trí thứ 2 trên thị trường.

Theo ông Phạm Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Nam Kim, sự tăng trưởng nhanh của Nam Kim có được nhờ vào đầu tư mở rộng, nâng cao công suất của các nhà máy để gia tăng quy mô. Nếu như năm đầu gia nhập thị trường với công suất 50.000 tấn thì đến năm 2012, Nam Kim đã nâng công suất lên tới hơn 400.000 tấn và chính nhờ quy mô lớn mà công ty có thể bứt phá nhanh.

Trong ngành thép, năng lực sản xuất càng lớn càng giúp giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, từ đó gia tăng lợi thế cạnh tranh. Giai đoạn 2013-2015, tổng tài sản, doanh thu và lợi nhuận của Nam Kim đều gia tăng đáng kể. Tuy nhiên đây chỉ là một phần của câu chuyện.

Theo ông Khổng Phan Đức, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBankSc), sự tăng trưởng của Nam Kim dựa trên nền tảng đầu tư bài bản trong chiến lược kinh doanh ngành thép.

Trước hết, Nam Kim đã xây dựng được chuỗi sản xuất hợp lý. Trong ngành tôn mạ, quy trình sản xuất bắt đầu từ nguyên liệu thép cuộn cán nóng (HRC) chạy ra nguyên liệu thép cuộn cán nguội (CRC) rồi mới ra thành phẩm tôn. Việt Nam chưa sản xuất được HRC và Nam Kim cũng mới chỉ thiết kế dây chuyền từ CRC, nhưng cũng giúp tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, tiết giảm tối đa chi phí và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Tiếp theo là Nam Kim đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, tập trung vào các sản phẩm có biên lợi nhuận cao và có khả năng xuất khẩu. Và cuối cùng, Nam Kim tập trung vào xây dựng hệ thống phân phối mạnh, có khả năng làm chủ thị trường, có vị thế trong việc quyết định giá bán.

Quay trở lại cuộc đua, theo các chuyên gia, Nam Kim hoàn toàn có khả năng thu hẹp khoảng cách với ông lớn Hoa Sen trên thị trường tôn mạ, bằng cách dựa trên nền tảng đúng đắn trong các chiến lược kinh doanh đã định hình theo cách các công ty lớn trong ngành thép đã thực hiện và chứng minh trên thực tế. Vấn đề còn lại là Nam Kim tiếp tục gia tăng quy mô lớn tiệm cận với Hoa Sen, vì trong ngành tôn mạ, hầu như không có sự khác biệt về sản phẩm, cạnh tranh chủ yếu nằm ở giá và hệ thống phân phối.

Đầu tư mạnh cho công nghệ và nâng công suất nhà máy, năng lực quản trị sẽ tác động đến giá. Đây là những yếu tố Nam Kim đang thực thi. Việc xây dựng hệ thống phân phối giữa Hoa Sen và Nam Kim có sự khác biệt. Trong khi Hoa Sen xây dựng hệ thống phân phối bán trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng, vốn đòi hỏi nguồn nhân lực lớn kéo theo gia tăng về mặt chi phí quản lý và bán hàng thì Nam Kim tiếp cận thông qua hệ thống các nhà bán sỉ, các nhà máy cán tôn nhỏ bán lẻ. Đây là cách tận dụng nguồn lực sẵn có của các nhà phân phối, nên suất đầu tư cho hệ thống phân phối sẽ thấp.

Nhìn về tương lai

Nam Kim cùng với Đông Á và Đại Thiên Lộc đã thành công trong việc khởi xướng điều tra áp thuế tự vệ với tôn mạ và tôn màu. Theo đó Bộ Công Thương đã đồng ý áp thuế chống phá giá với tôn mạ từ tháng 4/2017 và tôn màu từ tháng 6/2017, với mức thuế từ 19-38%, thời hạn 5 năm.

Thế nhưng người hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách này lại là “vua tôn” Hoa Sen! Tất nhiên các doanh nghiệp đứng ra khởi kiện đều hiểu vấn đề này, nhưng đây là điều cần thiết. Vì trong cuộc chiến cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam khó lòng có ưu thế hơn Trung Quốc. Từ năm 2015-2016, các sản phẩm tôn mạ Trung Quốc đã chiếm gần 50% thị phần Việt Nam. Sức ép từ Trung Quốc là rất lớn, nên doanh nghiệp Việt cần tận dụng chính sách thuế để có thời gian đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Không gì quá khó hiểu, Nam Kim đang chạy đua với thời gian để tăng công suất nhà máy, mở rộng quy mô, đánh chiếm thị phần nội địa. Điều này không đơn giản là cạnh tranh với Hoa Sen hay Trung Quốc mà vì trong thời gian đến sẽ có hàng loạt doanh nghiệp tên tuổi lớn gia nhập thị trường tôn như Hòa Phát, Pomina. Đặc biệt là Hòa Phát, doanh nghiệp này đã tự sản xuất được nguyên liệu thép cuộn cán nóng (HRC), nên sẽ có lợi thế cạnh tranh rất mạnh.

Do đó, tầm nhìn của Nam Kim còn hướng đến thị trường nước ngoài để tận dụng được các ưu thế về giá thành cạnh tranh và phân tán rủi ro khỏi thị trường nội địa. Theo ông Phạm Mạnh Hùng, Nam Kim đang xuất khẩu mạnh vào các thị trường Indonesia, Thái Lan, Malaysia và đến nay đã có thêm thị trường Mỹ và Mexico. Đồng thời, Nam Kim tập trung phát triển các sản phẩm tôn có hàm lượng công nghệ cao để phục vụ cho công nghiệp gia dụng vốn có biên lợi nhuận tốt hơn.

Tuy nhiên, mọi việc không hoàn toàn suôn sẻ với Nam Kim. Việc đầu tư nhà máy thứ 3, lên đến cả ngàn tỷ đồng buộc Nam Kim phải có nguồn lực tài chính, mà hiện doanh nghiệp này đang sử dụng phần lớn nguồn vốn vay ngân hàng. Nam Kim đã từng bị thua lỗ nặng khi sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư nhà máy thứ 2 trong bối cảnh thị trường nhiều biến động. Tuy nhiên lần này, Nam Kim đã hóa giải bằng cách phát hành cổ phiếu với điểm trọng yếu là mở room ngoại 100%. Với các chủ đầu tư mới dồi dào nguồn lực tài chính, Nam Kim có khả năng tạo ra cuộc đua sôi động hơn cho ngành tôn mạ Việt Nam.

Nguồn tin: Diễn đàn doanh nghiệp

ĐỌC THÊM