Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Cuộc chiến tiền tệ vô tiền khoáng hậu

Chiến lược "đồng NDT yếu" trong một thời gian dài đã góp phần đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới. Còn Mỹ bị nhập siêu hơn 800 tỉ USD...

Nhiều thập kỷ qua, Mỹ luôn là nước giàu nhất thế giới và đồng USD được xem là đồng tiền mạnh mặc nhiên trở thành đồng tiền chung trong giao dịch thương mại quốc tế. Thế nhưng thời thế đã thay đổi, Trung Quốc sau 30 năm cải cách kinh tế đã trở thành công xưởng của thế giới.

Hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc có sức cạnh tranh "hút hồn" người tiêu dùng trên khắp thế giới đã đem về cho nước này những khoản thặng dư mậu dịch khổng lồ - chừng 2.400 tỷ USD - và buộc Mỹ trở thành con nợ của họ, do Bắc Kinh nắm giữ hơn 1.000 tỷ trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ. 

Ngay từ những năm đầu của thế kỷ XXI, cùng với sự tăng trưởng thần kỳ của kinh tế Trung Quốc, đồng NDT luôn chịu sức ép phải tăng giá từ Mỹ và phương Tây. Theo nhiều phân tích, đồng NDT có thể định giá thấp từ 25 tới 40% so với USD là đòn bẩy hỗ trợ cho làn sóng xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc ra khắp thế giới...

Chiến lược "đồng NDT yếu" trong một thời gian dài đã góp phần đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới. Còn Mỹ bị nhập siêu hơn 800 tỉ USD, khiến Quốc hội Mỹ dưới thời Tổng thống Bush đã yêu cầu Bắc Kinh phải tăng tỉ giá đồng NDT.

Cuộc chiến tỷ giá Mỹ-Trung Quốc

Nhằm dung hòa lợi ích, ngày 21/7/2005, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, sau gần 1 thập kỷ cố định tỷ giá đồng NDT với đồng USD trong một khung dao động rất hẹp là 8,26 - 8,28 USD/NDT kể từ năm 1996, đã chuyển sang cơ chế tỷ giá mới linh hoạt hơn. Kể từ tháng 7-2005 đến đầu năm 2008, Trung Quốc cũng đã nâng tỷ giá đồng tiền của mình lên 20% so với đồng USD.

Nhưng đồng USD lại mất giá và cuộc suy thoái kinh tế thế giới năm 2008 đã khiến Bắc Kinh tiếp tục neo đồng NDT vào đồng tiền Mỹ với tỉ giá thấp để dùng xuất khẩu làm động lực tăng trưởng. Đến nay, vấn đề này đã trở nên trầm trọng hơn vì nó trở thành rào cản đặc biệt gây khó khăn cho nước Mỹ đang cần đẩy mạnh xuất khẩu và hạn chế nhập siêu.

Cho nên, các cơ quan quyền lực của Mỹ đều muốn ngăn ngừa khả năng cạnh tranh của Trung Quốc bằng hối suất thấp, nhằm tạo điều kiện để hàng hóa của Mỹ bung ra khắp thế giới. Nếu không cân bằng được lợi ích của nhau, chính sách đồng NDT yếu có thể khơi ngòi cho một cuộc khủng hoảng tiền tệ trên thế giới.

Ngày 17/3/2010, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã lên tiếng ủng hộ Mỹ trong việc kêu gọi Trung Quốc xem xét nâng giá trị NDT. Bởi theo đánh giá của IMF, chính sách thương mại của Trung Quốc có bất lợi cho các nền kinh tế khác. Chỉ riêng việc giữ giá NDT ở mức thấp cũng đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động xuất khẩu của các nền kinh tế đang phát triển khác, chứ không chỉ riêng với Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Tại hội nghị thượng đỉnh Âu - Á mới đây, Chủ tịch EU và Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhấn mạnh với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo rằng châu Âu mong muốn Bắc Kinh phải ấn định một tỉ giá chuyển đổi NDT tương xứng với đồng euro để tránh hạn chế xuất khẩu của châu Âu và từ đó tăng trưởng của châu Âu không bị ảnh hưởng.

Tuy vậy, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo khẳng định đồng NDT không được định giá thấp và phản đối chuyện các nước dùng những biện pháp ép buộc nhằm nâng giá đồng tiền.

Phát biểu tại diễn đàn kinh tế ở Brussels, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho rằng, Trung Quốc đã làm rất nhiều để giúp cân bằng lại kinh tế toàn cầu. Nhờ chính sách tài khóa và tiền tệ của nước này, nhu cầu nội địa của Trung Quốc vươn lên đóng góp 12% GDP trong năm nay trong khi xuất khẩu chỉ đóng góp 4% tăng trưởng GDP.

Để kết luận, ông nói: Nếu đáp ứng yêu cầu năng tỷ giá đồng NDT như các nước đòi hỏi "nhiều công ty xuất khẩu của chúng tôi sẽ bắt buộc phải đóng cửa. Lao động nhập cư sẽ phải trở về quê. Và nếu Trung Quốc bị rối loạn kinh tế và xã hội, đó có thể sẽ là thảm họa của toàn thế giới"...

Nhằm tránh một cuộc chiến tiền tệ đang được thổi phồng lên, chắc chắn Trung Quốc sẽ lại để đồng NDT tăng giá vào đầu năm sau như hứa hẹn của Thủ tướng Ôn Gia Bảo, vì trong dài hạn, đồng NDT mạnh cũng có những lợi ích đối với Bắc Kinh. Nó sẽ giúp Trung Quốc hưởng lợi từ việc chuyển trọng tâm từ đầu tư, xuất khẩu sang tiêu dùng.

Tuy vậy, theo dự báo vào năm 2011, khả năng xuất khẩu Trung Quốc sẽ tăng trưởng trở lại và GDP cũng tăng so với cùng kỳ của năm nay - đạt  mức gần 10%.

Khi đó, cuộc chiến về việc nâng giá đồng NDT không những nguội đi mà có khi còn nóng hơn hiện nay, bởi các bên tham chiến sẽ đua nhau làm yếu đồng tiền của mình và xem tỷ giá đồng tiền thấp như liệu pháp duy nhất nhằm vực dậy kinh tế nước họ

Nguồn: Cand