Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Công cụ phòng vệ thương mại 10 năm ‘ngủ đông’

 Hội nhập kinh tế sâu rộng mang lại nhiều lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu song, cùng với đó, lượng nhập khẩu hàng hóa từ các đối tác FTA cũng tăng liên tục.

Việc được hưởng các ưu đãi về thuế quan cũng đặt các doanh nghiệp xuất khẩu đối diện với các vụ điều tra về phòng vệ thương mại lớn, từ đó có thể dẫn đến nguy cơ mất thị trường.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm rõ thông tin và chủ động với các biện pháp bảo hộ sản xuất tại thị trường xuất khẩu.


Các doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm rõ thông tin và chủ động với các biện pháp bảo hộ sản xuất tại thị trường xuất khẩu.

Hội nhập và những thách thức cạnh tranh

Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với nhiều FTA thế hệ mới. Việc mở cửa mạnh thị trường nội địa cho hàng hóa từ các nước đối tác càng giúp thị trường Việt Nam sôi động và cạnh tranh hơn. Khi lượng nhập khẩu hàng hóa từ các đối tác FTA tăng liên tục, nhưng thuế quan ưu đãi lại được cắt giảm nhanh và mạnh đã dẫn đến hàng hóa xuất khẩu là đối tượng của ngày càng nhiều các vụ điều tra phòng vệ thương mại trên thế giới.

Đặc biệt, khi mức thuế đối với hàng nhập khẩu của nước ta đã về thấp, có loại về 0% đã khiến sức ép cạnh tranh giữa các ngành sản xuất nội địa và hàng nhập khẩu gia tăng. Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong bối cảnh đó, việc chủ động nghiên cứu các biện pháp hợp pháp như phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước là việc làm cần thiết.

Việt Nam đã ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đây là cơ hội để hàng hóa xuất khẩu đến được nhiều thị trường trên thế giới, trong đó phải kể đến thị trường EU với 500 triệu dân. Song ở chiều ngược lại, hàng hóa của các nước có cam kết các FTA với chúng ta cũng dễ dàng thâm nhập sâu vào thị trường trong nước. Điều này đang gây ra sức ép cạnh tranh rất lớn giữa các sản phẩm trong nước với sản phẩm ngoại nhập. Từ bối cảnh này, giới chuyên gia cho rằng, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đã cho những kết quả tích cực.

Theo số liệu từ Bộ Công thương, hiện chúng ta đang điều tra 20 vụ án phòng vệ thương mại để bảo vệ các ngành sản xuất khác nhau. «Các biện pháp phòng vệ thương mại đã áp dụng góp phần bảo vệ các ngành, trong đó chiếm gần 6% tổng GDP năm 2019, bảo vệ cho khoảng 150 nghìn việc làm, phát triển các ngành sản xuất nguyên liệu cơ bản để đóng góp vào sự phát triển nói chung» - đại diện Bộ Công thương đánh giá.

Ngoài ra, theo Bộ Công thương, Bộ này cũng đang điều tra, xem xét áp dụng phòng vệ thương mại đối với một số ngành hàng ảnh hưởng đến 1,5 triệu việc làm và đời sống nông dân của hàng chục vạn nông dân, đó là sự việc liên quan đến đường mía nhập khẩu.

10 năm “ngủ đông”

Nói về câu chuyện này, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, trên thực tế, việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước là yếu tố tất yếu mà bất kỳ quốc gia nào khi hội nhập cũng phải sử dụng. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, việc đưa các công cụ này vào để bảo vệ các DN trong nước mới được đưa ra khoảng 3 năm trở lại đây.

Theo bà Giang, các quy định pháp luật của chúng ta liên quan đến phòng vệ thương mại được ban hành từ năm 2003 song phải đến năm 2013 Việt Nam mới thực hiện một vụ việc đầu tiên là điều tra chống bán phá giá với thép không rỉ, có nghĩa rằng, chúng ta có đến 10 năm “ngủ đông” với các biện pháp phòng vệ thương mại. Và phải đến 3 năm gần đây (từ năm 2018), khi mà chúng ta bắt đầu hội nhập sâu vào ASEAN và hiện nay là CPTPP, EVFTA thì các vụ kiện phòng vệ thương mại mới được đẩy mạnh lên, nhiều hơn hẳn so với hơn chục năm về trước.

Ở chiều ngược lại, biện pháp tự vệ cũng được nhiều quốc gia áp dụng trong giai trong bối cảnh hàng hóa sản xuất trong nước không thể cạnh tranh được với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. «Mặc dù hàng hóa nước ngoài không phá giá, không được trợ cấp nhưng việc nhập khẩu quá nhiều khiến việc sản xuất, xuất khẩu của các DN trong nước gặp khó khăn. Biện pháp tự vệ lúc đó được coi như chiếc phao cứu sinh giúp các nước có thể áp dụng để tạm thời khắc phục hậu quả của việc nhập khẩu quá nhiều» - bà Giang cho biết.

Chính bởi vậy, theo khuyến cáo của Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, khi đã bước chân vào thương trường, đặc biệt là thị trường quốc tế, DN phải hiểu biết, nắm bắt được những quy định, quy chuẩn cũng như những thông tin cụ thể liên quan đến ngành nghề, sản phẩm mình kinh doanh, sản xuất, luôn phải chủ động trước các biện pháp phòng vệ thương mại mà sản phẩm của DN mình có thể đối diện để có những giải pháp đối phó kịp thời.

“Nếu không chủ động, nguy cơ đánh mất thị trường trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay là khó tránh” - đại diện Cục Phòng vệ thương mại lưu ý.

Nguồn tin: Đại đoàn kết

ĐỌC THÊM