Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Cơ hội nào cho Hoa Sen trong niên độ 2018-2019?

 Tái cấu trúc, đổi mới mô hình tăng trưởng… đang là những hướng đi của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen trong “cuộc chiến” giành thị phần và tiếp tục tăng trưởng doanh thu trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Mở rộng nhưng... xuống dốc

Tính đến cuối năm 2018, tổng số chi nhánh/cửa hàng bán lẻ của Tập đoàn Hoa Sen trên cả nước là 491 chi nhánh/cửa hàng, tăng mạnh từ con số 371 của cuối năm 2017 và 250 của cuối năm 2016. Ngoài ra, sản phẩm của DN cũng được phân phối đến 75 quốc gia và vùng lãnh thổ. Để làm được mạng lưới rộng khắp này, Hoa Sen đã rất tích cực đầu tư xây dựng các nhà máy mới, hiện DN này đã đưa vào hoạt động 11 nhà máy trên toàn quốc.

Tuy vậy, báo cáo thường niên năm 2018 về kết quả kinh doanh trong niên độ tài chính 2017-2018 của Hoa Sen đã nhận định, tình hình kinh tế - xã hội, thị trường năm 2018 có nhiều biến động đột ngột, nên những bất ổn, khó khăn đã đến nhanh và tác động mạnh tới DN hơn so với dự kiến. Vì thế, tuy doanh thu thuần trong niên độ tài chính 2017-2018 đạt hơn 34.400 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch và tăng trưởng 32% so với cùng kỳ, mức cao nhất trong 5 năm liền trước, nhưng lợi nhuận sau thuế của Hoa Sen chỉ đạt hơn 409 tỷ đồng, chỉ đạt 30% so với kế hoạch, giảm khoảng 1/3 so với mức trên 1.300 tỷ đồng của năm trước, mức thấp nhất kể từ năm 2014. Kết quả này cũng đã góp phần khiến giá cổ phiếu HSG của “vua tôn” lao dốc mạnh, lên tới hơn 70%, từ mức khoảng 24.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm 2018, dần tụt xuống giao dịch dưới mệnh giá, thậm chí nhiều thời điểm xuống chỉ còn trên dưới 6.000 đồng/cổ phiếu.

Nói về nguyên nhân của sự sụt giảm này, Tập đoàn Hoa Sen cho biết là do giá nguyên liệu trong năm 2018 diễn biến phức tạp, khó lường làm tăng giá vốn của DN; xung đột thương mại, rào cản thương mại, biến động tỷ giá làm giảm biên độ lợi nhuận từ xuất khẩu; sự mất cân đối cung cầu và việc nhập khẩu ồ ạt thép Trung Quốc chất lượng thấp, giá rẻ tại thị trường nội địa khiến cạnh tranh khốc liệt trong khi DN không thể tăng giá để đảm bảo lợi nhuận. Ngoài ra, nhiều nhóm chi phí của Hoa Sen bị tăng lên đã “ăn mòn” lợi nhuận như: Chi phí tài chính tăng do dư nợ tăng, lãi suất tăng; trong đó, dư nợ ngắn hạn tăng khiến giá trị hàng tồn kho lớn. Đặc biệt, chi phí bán hàng và chi phí quản lý DN của Hoa Sen tăng mạnh, nguyên nhân chính ở việc mở rộng quy mô sản xuất và hệ thống phân phối.

Vì thế, với lý do tái cấu trúc hệ thống theo mô hình chi nhánh tỉnh nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động, ngày đầu tháng 3, Hoa Sen đã thông báo chấm dứt hoạt động của 10 chi nhánh. Trước đó, vào cuối tháng 1/2019, DN này cũng thông báo đóng cửa 21 chi nhánh. Có nghĩa là, tham vọng mở rộng sản xuất, kinh doanh của DN đã bị những “ngoại lực” tác động, quay trở lại góp phần trở thành nguyên nhân tiêu cực cho kết quả kinh doanh của Hoa Sen.

Nhượng đất để thoát lỗ

Trong niên độ tài chính 2018-2019, HĐQT Hoa Sen đã đặt ra chỉ tiêu, kế hoạch doanh thu giảm 9% so với kết quả đạt được niên độ trước, nhưng lợi nhuận sau thuế được nâng lên 500 tỷ đồng, tăng 22% so với kết quả niên độ 2017-2018. Đây có thể được xem là thử thách lớn cho Hoa Sen khi khó khăn vẫn còn đó, các cuộc xung đột thương mại vẫn leo thang, bảo hộ sản xuất, phòng vệ thương mại, tỷ giá ngoại tệ vẫn tiếp tục là những biến số khó lường. Do vậy, không ít những lo ngại đặt ra về việc liệu Hoa Sen có “vỡ kế hoạch” lần nữa?

Điều dễ nhận thấy là ngay trong quý I của niên độ tài chính 2018-2019, Hoa Sen đã cắt giảm được hơn 2.400 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tiết giảm được hơn 46% so với cùng kỳ niên độ trước. Tuy nhiên, doanh thu thuần sụt giảm đã khiến Hoa Sen lỗ thuần hơn 116 tỷ đồng. Thế nhưng, một nguồn “thu nhập khác” đã cứu cánh khi ghi nhận đến hơn 122 tỷ đồng từ việc thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và hơn 95 tỷ đồng từ các khoản khác. Một vài thông tin có thể liên quan đến nguồn thu này là vào tháng 11/2018, HĐQT Hoa Sen đã công bố thông tin chuyển nhượng 2 thửa đất tại TP.HCM. Bên cạnh đó, báo cáo tài chính quý I/2019 của DN này cũng có khoản ghi về việc thanh lý, nhượng bán gần 58 tỷ đồng quyền sử dụng đất.

Từ những khó khăn nêu trên, từ đầu niên độ 2018-2019, HĐQT Hoa Sen đã quyết định tái cấu trúc hệ thống phân phối, tinh gọn bộ máy, tinh gọn nhân sự. Chính vì thế, đầu tháng 3 vừa qua, cùng với những thông báo chấm dứt hoạt động của các chi nhánh, Hoa Sen đã ra thông báo nhận chuyển nhượng thêm khoảng 60 chi nhánh trực thuộc Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen tại các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, nâng tổng số chi nhánh nhận chuyển nhượng lên khoảng 161 chi nhánh, đã bao gồm 101 Chi nhánh tiếp nhận trong năm 2018. Dự kiến thời gian hoàn thành nhận chuyển nhượng là trong tháng 3 này. Ngoài ra, Hoa Sen còn cho biết sẽ cân nhắc tiếp tục nhận chuyển nhượng thêm các chi nhánh thuộc Đầu tư Hoa Sen để phát triển hệ thống phân phối lên 500-600 chi nhánh, tại từng thời điểm thích hợp.

Không những thế, trong những năm qua, Hoa Sen cũng đã đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu. Trong niên độ tài chính 2017-2018, Hoa Sen đã xuất khẩu được 648.000 tấn sản phẩm, tăng 10% so với niên độ trước; đồng thời, DN cũng tập trung mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, Hoa Sen cũng đang đầu tư các nhà máy sản xuất tại các vị trí chiến lược, gần các cảng biển quốc tế nhằm tạo thuận lợi trong việc sản xuất, cung ứng và xuất khẩu hàng hóa. Nhờ những kết quả này, từ khoảng tháng 2/2019, cùng với sự tăng điểm mạnh của thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu HSG cũng đang được đà tăng khoảng 40%.

Nguồn tin: Hải quan

ĐỌC THÊM