Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Cơ hội đầu tư vào Công ty Gang thép Thái Nguyên

– Ngày mai, 15/05/2009, sẽ diễn ra buổi đấu giá phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO). Là công ty lớn trực thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam, sự tham gia thị trường chứng khoán của Gang thép Thái Nguyên hứa hẹn đem đến nhiều cơ hội mới cho nhà đầu tư.

Công ty Gang thép Thái Nguyên, trước đây là Khu Gang thép Thái Nguyên - “khởi nguồn” của ngành thép Việt Nam, được thành lập vào năm 1959. Trải qua hơn 50 năm phát triển, thương hiệu thép Thái Nguyên - TISCO vẫn giữ được vị thế vững vàng trên thị trường, với khoảng 13% thị phần tiêu thụ trên cả nước (trong đó tập trung chủ yếu ở miền Bắc và Trung). Sản phẩm chủ lực của TISCO là thép vằn dùng trong xây dựng, đóng góp hơn 68% tổng doanh thu của công ty.

Hoạt động kinh doanh của TISCO trong 3 năm gần đây tăng trưởng khá tốt. Trong năm 2008, doanh thu của công ty tăng 32.9% so với năm 2007, nguyên nhân chủ yếu từ việc giá thép tăng cao trong những tháng đầu năm 2008. Điều này có thể thấy rõ qua việc giảm sản lượng tiêu thụ thép cán của công ty năm 2008 (giảm 5.2% so với năm 2007). Tuy sản lượng tiêu thụ gang tăng 12.5%, nhưng đây không phải là sản phẩm chủ lực của công ty, do đó không đóng vai trò quan trọng trong tổng doanh thu.

Dù doanh thu tăng khá nhưng với những khó khăn của nền kinh tế trong năm 2008, lợi nhuận sau thuế của TISCO giảm mạnh so với năm 2007. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí lãi vay của công ty tăng đột biến so với năm 2007.

Với đặc thù hoạt động của ngành thép, TISCO thường vay nợ lớn để tài trợ cho hoạt động của mình. Điều này đã gây bất lợi cho công ty khi lãi suất cho vay tăng cao trong năm 2008. Chi phí lãi vay năm 2008 của công ty chiếm 43.8% lợi nhuận gộp, so với tỷ lệ 17.4% của năm 2007.

Dù tình hình dự báo cho năm 2009 sẽ còn nhiều khó khăn, công ty vẫn đặt kế hoạch tương đối lạc quan. Đây được xem là một động lực phấn đấu cho toàn thể ban lãnh đạo vào công nhân viên của công ty.

Lợi thế trong hoạt động

Chi phí nguyên vật liệu góp tỷ trọng lớn trong tổng chi phí sản xuất (giai đoạn 2005 – 2008 là 82.2%), do vậy việc đảm bảo nguồn nguyên vật liệu là yếu tố sống còn của công ty. Hiện nay, công suất lò luyện gang của TISCO là 210,000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào cho nhà máy sản xuất phôi thép. Đây là một lợi thế lớn của công ty trong khi giá phôi thép biến động tăng giảm bất thường thời gian qua.

Để nâng cao tính tự chủ về nguồn nguyên liệu, TISCO đã đầu tư một lò luyện gang với công suất lên đến 500,000 tấn/năm, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ quý 4/2010. Với lượng tiêu hao quặng trung bình ở Việt Nam là 1.8 kg quặng: 1 kg gang lỏng, thì trữ lượng quặng được phép khai thác của TISCO có thể đảm bảo nguồn nguyên liệu cho lò luyện gang mới này.

Đây là một lợi thế rất lớn của TISCO trong thời gian tới, khi nhu cầu thép tăng cao với đà phục hồi của kinh tế trong nước và thế giới.

Vẫn tồn tại nhiều khó khăn

Do vị trí địa lý và để hạn chế chi phí vận chuyển, nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm, TISCO tập trung phân phối sản phẩm ở miền Bắc và miền Trung. Đây cũng là khu vực có khá nhiều máy thép, do vậy sản phẩm của TISCO đối mặt với sự cạnh tranh lớn tại đây.

Một đối thủ tiềm năng lớn là Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa tại Hà Tĩnh, có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 lên đến 7.8 tỷ USD. Khởi công từ tháng 7/2008, dự kiến Khu gang thép giai đoạn 1 sẽ hoàn thành sau 4 năm với công suất khoảng 7.5 triệu tấn/năm, và là một trong những liên hợp gang thép lớn nhất Đông Nam Á. Đây sẽ là một thách thức không nhỏ đối với sản phẩm của TISCO.

Qua 50 năm hoạt động, công nghệ luyện quặng của TISCO đã trở nên lạc hậu. Điều đó tuy có thể giúp công ty có một phần lợi thế về chi phí khấu hao thấp, nhưng nó sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động, thể hiện qua mức tiêu hao nguyên vật liệu trong quá trình sản xuất.

Theo quy định, quặng sắt khai thác ở Thái Nguyên không được phép xuất khẩu mà chỉ dùng cho sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, doanh thu khác chiếm tỷ lệ rất thấp trong tổng doanh thu của công ty, nên có thể nói việc tiêu thụ quặng sắt ngoài sản xuất là rất hạn chế. Do vậy, hầu hết quặng sắt khai thác đều được sử dụng cho việc luyện gang của công ty. Trong  2 năm 2007 và 2008, tỷ lệ tiêu hao quặng của TISCO tăng mạnh, vượt qua mức trung bình của cả nước (tỷ lệ tiêu hao ở mức 1.71 – 1.82 tấn quặng/tấn sản phẩm). Tỷ lệ tiêu hao than cốc cũng tăng dần. Điều này buộc TISCO phải tính đến các phương án đổi mới công nghệ để khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu quặng, cũng như tạo tiền đề để tăng trưởng trong dài hạn.

Lợi nhuận gộp của công ty chỉ ở mức 6-8%, đây là mức thấp, đặc biệt với việc TISCO có thể chủ động đến gần 50% nguồn nguyên liệu đầu vào giá rẻ. Điều này một phần do công nghệ sản xuất của công ty đã khá cũ, do vậy hiệu suất hoạt động chưa cao.

Triển vọng đầu tư

Theo dự báo của Hiệp hội Thép thế giới (WSA), nhu cầu thép sẽ giảm 14.9% trong năm 2009, sau khi đã giảm 1.4% trong năm 2008. Tuy nhiên, nhu cầu này sẽ ổn định vào những tháng cuối năm 2009 và dần phục hồi trong năm 2010. Trong đó, tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương (ngoại trừ Trung Quốc), nhu cầu sẽ giảm khoảng 13.1%. Đây sẽ là một thách thức đặt ra với sự tăng trưởng của các doanh nghiệp sản xuất thép trong khu vực nói chung và tại Việt Nam nói riêng.

Sản lượng sản xuất phôi thép trên thế giới cũng giảm mạnh trong thời gian qua do tác động của cuộc suy thoái toàn cầu và những dự báo thu hẹp nhu cầu đối với sản phẩm này.

Nguồn cung giảm theo nhu cầu sẽ là một động lực giúp giá thép ổn định trong thời gian tới.

Thời gian gần đây, với những tín hiệu tích cực từ sự phục hồi của kinh tế thế giới, giá phôi thép thế giới tăng nhẹ và kéo giá thép nội địa tăng theo. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, lượng thép tiêu thụ trong tháng 4 tăng mạnh so với 3 tháng trước đó (theo thống kê đến ngày 29/4, thép tiêu thụ lên đến gần 360,000 tấn, tăng khoảng 4,000 tấn so với tháng 3 và tăng hơn 100,000 tấn so với hai tháng đầu năm). Do vậy, nếu không có những biến động bất thường theo chiều hướng tiêu cực, triển vọng giá thép trong thời gian tới tương đối lạc quan.

Với những lợi thế lớn, đặc biệt là về nguồn nguyên liệu quặng sắt, cùng với sự hỗ trợ từ Tổng công ty Thép Việt Nam, TISCO có nền tảng vững vàng để mở rộng hoạt động của mình. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay đã giảm và sẽ ổn định trong thời gian tới, nên hoạt động kinh doanh của TISCO trong năm 2009 sẽ khả quan hơn. Vấn đề quan trọng là công ty cần đầu tư cải tiến công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động, để phát huy tối đa những lợi thế sẵn có.

Theo kế hoạch kinh doanh của công ty trong năm 2009, thì với mức giá đấu khởi điểm 10,100 đồng/CP, giá của TISCO đang nằm ở mức hợp lý so với một số doanh nghiệp niêm yết cùng ngành như CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và CTCP Thép Việt Ý (VIS).

 (Vietstock)

ĐỌC THÊM