Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Chuyện mới về 'Thiên hạ đệ nhất thôn': Thoát khỏi những xưởng thép

Thời điểm thịnh nhất, ngành thép mang vể gần một nửa lợi nhuận của cả làng. Cả làng sống lại không khí “nhà nhà làm thép” của phong trào “đại dược tiến” hay “đại nhảy vọt” dưới thời Chủ tịch Mao Trạch Đông./ Làng siêu giàu sẽ bớt giàu?

Trong quá trình chuyển đổi để bảo toàn sự giàu có của làng, những người lãnh đạo Tập đoàn Hoa Tây (tỉnh Giang Tây, Trung Quốc) xác định cần phải nhanh chóng thoát khỏi những xưởng cán thép. Việc cụ thể nhất là phá bỏ một nhà máy điện ở phía nam thôn, thay vào đó là một trung tâm văn hóa mới.

Ở phía kia của làng, hàng loạt nhà máy thép vốn được xây dựng từ những năm 80 và 90 của thế kỷ trước nay đã ngừng sản xuất. Tường bao của những nhà máy này đã được người ta dùng sơn viết lên chữ “phá bỏ”.

Ở một số nhà máy, hoạt động luyện thép vẫn diễn ra nhưng sản lượng đã giảm chỉ còn 1/3 so với công suất thiết kế, có nghĩa là gần như không có lợi nhuận. Lý do chính khiến người ta duy trì một số xưởng thép là để giữ công ăn việc làm cho một số người.

Nhiều công nhân ở đây là công dân của “làng Hoa Tây mở rộng”, bao gồm 13 làng lân cận, được sáp nhập vào làng Hoa Tây từ năm 2001. Tuy nhiên, người dân “làng Hoa Tây mở rộng” không có những đặc quyền đặc lợi tương đương dân Hoa Tây “xịn”, ví dụ như các đãi ngộ theo phong cách “xã hội chủ nghĩa” như phân nhà, cấp ô tô, con cái được học tập miễn phí, chữa bệnh không mất tiền…

“Thiên hạ đệ nhất thôn” đi tới thịnh vượng nhờ những xưởng thép, nhà máy sản xuất sợi tổng hợp phục vụ ngành dệt may và cả nhà máy điện. Hoa Tây đã cất cánh cùng với tiến trình công nghiệp hóa diễn ra khắp Trung Quốc.

Trong 20 năm đầu kể từ khi Trung Quốc mở cửa và đổi mới, luyện thép là ngành công nghiệp quan trọng nhất ở Hoa Tây. Thời điểm thịnh nhất, ngành thép mang vể gần một nửa lợi nhuận của cả làng. Cả làng sống lại không khí “nhà nhà làm thép” của phong trào “đại dược tiến” hay “đại nhảy vọt” dưới thời Chủ tịch Mao Trạch Đông. Khác trước ở chỗ thép nay mang lại sự thịnh vượng rất rõ ràng cho làng Hoa Tây.

Sự suy giảm ngành thép bắt đầu vào năm 2011, nhưng đã có những báo hiệu sớm từ năm 2003 khi Ngô Hiệp Ân thay cha làm Bí thư thôn kiêm Chủ tịch tập đoàn “làng Hoa Tây”. Ở thời điểm đó, Hoa Tây đã ngừng mở rộng các xưởng thép và chỉ đầu tư phát triển công nghệ, kỹ thuật để nâng cao chất lượng. Tính ra, làng đã đầu tư 102 triệu USD (gần 2.300 tỷ đồng) vào công nghệ thép mới, xây dựng các nhà máy điện, nhà máy sợi hóa học và nhà máy dệt kể từ năm 2003.

“Toàn ngành thép hiện vẫn đang suy giảm và 2016 được xem là năm tồi tệ nhất”, giám đốc công ty thép Hoa Tây họ Dương nói. Đến thời điểm này, công ty chỉ sản xuất dây thép, đinh vít, bu-lông và xuất khẩu mọi sản phẩm để tránh đụng độ trên thị trường trong nước vốn đã bão hòa. Tuy vậy lợi nhuận của ngành thép của Hoa Tây vẫn sụt dần đều trong những năm gần đây và năm 2015 chỉ đủ hòa vốn.

Tôn Bân, Tổng Giám đốc Khách sạn Hoa Tây Long Tây từng làm trong ngành thép 9 năm với vai trò giám đốc kinh doanh. Ông nói làng Hoa Tây đã chuyển đổi cơ cấu kinh tế thành công nhờ nhanh chóng và đúng lúc thoát khỏi ngành thép.

Kể từ năm 2008, khi lợi nhuận ngành thép bắt đầu sụt giảm, Hoa Tây đóng cửa 9 xí nghiệp thép. Nhiều giám đốc ngành thép phải chuyển qua làm các ngành khác như khách sạn hay vận tải biển.

Phát triển nghề mới

Trong số những ngành nghề mới ở Hoa Tây, lĩnh vực tài chính mang lại lợi nhuận cao nhất. Công ty Hoa Tây niêm yết trên sàn chứng khoán chủ yếu buôn bán sợi tổng hợp và dịch vụ kho bãi vận tải biển. Công ty là cổ đông của bốn ngân hàng và một số công ty chứng khoán.

Báo cáo tài chính của công ty cho thấy, nhờ vào sự bùng nổ thị trường chứng khoán, trong nửa đầu năm 2015, các chi nhánh tài chính mang lại 43,98 triệu nhân dân tệ, chiếm 53% lợi nhuận của công ty Hoa Tây, tăng tới 403,63% so với năm trước đó.

Làng Hoa Tây đã thoát dần khỏi những xưởng luyện thép (Ảnh: New York Times)

Tuy nhiên, khi thị trường chứng khoán chảo đảo kể từ giữa năm 2015, giá cổ phiếu của công ty Hoa Tây đã giảm từ 21,66 nhân dân tệ còn 7,82 nhân dân tệ. Nhưng nhìn chung, bộ phận tài chính trong năm ngoái vẫn đem về lợi nhuận.

Bao Lệ Quân, Phó Tổng giám đốc của Tập đoàn Hoa Tây nói lợi nhuận cao từ lĩnh vực tài chính là kết quả các quyết định của Bí thư Ngô Hiệp Ân hơn một thập kỷ trước.

“Bí thư Ngô yêu cầu tôi mua lại mọi nhánh tài chính mà chúng tôi tham gia, còn công ty nào không mua được thì chúng tôi giữ chân cổ đông”, Bao nói.

Kể từ đó, Hoa Tây đã mua cổ phần 5 ngân hàng và hai công ty chứng khoán, mua đứt một số công ty dịch vụ tài chính. Khi toàn Trung Quốc cố gắng chuyển đổi từ các ngành công nghiệp nặng sang các ngành dịch vụ và công nghiệp phụ trợ vài năm trước đây, làng Hoa Tây đã đi trước một bước. “

Năm 2004 khi tôi bắt đầu đầu tư vào ngân hàng, rất ít người có nhận thức về việc đó. Khi ngân hàng chào bán cổ phần và khi một số công ty phát hành cổ phiếu ngân hàng, tôi mua tất”, Bí thư Ngô Hiệp Ân nói với Tuần báo Phương Nam.

Chỉ đến năm 2005, người ta mới nhận ra cơ hội và thi nhau mua cổ phần ngân hàng. Bên cạnh tài chính, vận tải biển là một ngành quan trọng khác, một nguồn thu chính của Tập đoàn thôn Hoa Tây.

Dân làng Hoa Tây bắt đầu “bập” vào ngành vận tải biển thông qua công việc ngành thép nhưng cũng khá tình cờ: để luyện thép, họ mua lại những con tàu cũ với giá 200USD/tấn. Tuy nhiên, một con tàu hàng tải trọng 180.000 tấn giá tới 150 triệu USD (thời điểm 2007), ngoài tầm với của làng.

Thời cơ đến khi khủng hoảng tài chính nổ ra năm 2008, giá thép giảm mạnh và tàu bè được bán với giá có khi chỉ bằng 1/3, 1/4 giá cũ. Công ty Hoa Tây mua lại các con tàu cũ để tháo dỡ, tái chế thép nhưng thấy nhiều tàu vẫn có thể hoạt động được. Thay vì tháo dỡ, họ nâng cấp tàu và đưa vào hoạt động đồng thời thành lập công ty vận tải biển.

Tính đến nay, công ty vận tải biển Hoa Tây, đăng ký tại Hong Kong năm 2010, đang vận hành 13 con tàu cả cũ và mới và hai tàu chuyên cấp đông. Tập đoàn Hoa Tây nay còn mở chi nhánh ở Hong Kong, Malaysia và Mozambique.

Và cho dù không còn gắn bó nhiều với ngành thép từng một thời oanh liệt, sự thịnh vượng của “Thiên hạ đệ nhất thôn” vẫn không mất đi.

Nguồn tin: Nông nghiệp

ĐỌC THÊM