Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Chuyện lãi lỗ của ngân hàng

Bên cạnh những NH công bố vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2011 dù chỉ mới 9 tháng, cũng có NH công bố sụt giảm lợi so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí lỗ. Câu chuyện lãi lỗ trong kinh doanh NH theo các chuyên gia vẫn khó lường và muôn hình vạn trạng.

Lỗ từ đầu tư chứng khoán

Cuối tuần qua, ABBank công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng năm 2011. Theo đó, trong quý III, thu nhập lãi thuần của NH đạt hơn 456 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối lỗ lần lượt 25,4 tỷ đồng và gần 2 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ, cả 2 chỉ tiêu này đều lãi.

Chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 178,38 tỷ đồng và 240,63 tỷ đồng, tăng 38% và 590% so với cùng kỳ. Tính trong quý III, ABBank đạt 21,88 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, sau khi trừ các chi phí thuế lỗ hơn 18 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lợi nhuận sau thuế đạt hơn 140 tỷ đồng).

Nhưng tính chung 9 tháng, ABBank vẫn đạt hơn 252,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay đây là NH đầu tiên thông báo lỗ trong quý III. Trước đó, nhiều NHTM lớn khác dù công bố tổng lợi nhuận cả ngàn tỷ đồng, nhưng các hoạt động kinh doanh ngoại hối, đầu tư chứng khoán, góp vốn mua cổ phần… tiếp tục lỗ từ 50 tỷ đồng đến trên 300 tỷ đồng.

Đặc biệt, đối với những NH có công ty chứng khoán vốn tự doanh chứng khoán, khoản lỗ với mảng đầu tư chứng khoán càng lớn.

Chủ tịch HĐQT NH cổ phần lớn S. thừa nhận hoạt động NH S. năm nay dù bị siết tín dụng nhưng vẫn đạt kết quả kinh doanh rất khả quan và dự kiến cả năm sẽ vượt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra đầu năm.

Nhưng hiện tại NH đang đau đầu xử lý khoản lỗ từ công ty chứng khoán trực thuộc trên 350 tỷ đồng, buộc công ty phải tốn chi phí trích lập dự phòng lớn và phải mất nhiều công sức, nhân lực để cải tổ lại hoạt động của công ty chứng khoán.

Theo vị này, ở mảng kinh doanh chứng khoán NH chỉ có thể trích lập dự phòng và kỳ vọng TTCK đỡ hơn để có thể gỡ gạc lại chút đỉnh chứ khó mong hoàn lại vốn. Thực tế, năm nay tiếp tục là một năm nhận “trái đắng” của các NH về khoản kinh doanh đầu tư tài chính, chứng khoán.

Nhiều NH hiện đều có các thành viên trực thuộc là công ty chứng khoán, công ty bất động sản. Khó khăn nổi bật ở hai lĩnh vực này trong năm nay dự kiến sẽ phản ánh bất lợi vào kết quả lợi nhuận hợp nhất, cũng như ở khó khăn khi thực hiện chỉ tiêu chung cả năm.

Do vậy, lợi nhuận công bố hiện tại của một số các ngân hàng chưa thể phản ảnh hết thực chất kết quả lợi nhuận cả năm, đó là chưa kể nhiều NHTM còn lợi dụng hạch toán lỗ kinh doanh ngoại tệ, chứng khoán để lách lãi suất huy động vượt trần trước đây.

Chỉ có NH biết?

Cũng tuần qua, NH TN. công bố lợi nhuận 9 tháng năm 2011 đạt gần 580 tỷ đồng, trong khi kế hoạch lợi nhuận đầu năm đề ra 550 tỷ đồng. Thoạt nhìn kết quả vượt chỉ tiêu lợi nhuận này có thể thấy đây là một năm “được mùa” làm ăn của NH này.

Trong khi, thực tế trên thị trường liên NH đây là một trong số những NH đang khất nợ lớn với các NHTM lớn, luôn ở tình trạng căng thẳng thanh khoản và uy tín vay vốn trên thị trường này gần như không còn. Nhiều NHTM cho biết nếu NHTM này hỏi mượn trên thị trường liên NH các NHTM đều buộc yêu cầu có tài sản thế chấp. Đó là lý do vì sao đi ngang qua các điểm giao dịch của NH này ở TPHCM người dân có thể dễ dàng nhìn thấy bảng lãi suất huy động ngoại tệ EUR, AUD lên tới 3,5-4,2%/năm. Đây cũng là NH đầu tiên mở cuộc đua về lãi suất huy động vàng vừa qua.

Theo một chuyên gia NH, nhìn những con số hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận công bố có vẻ lớn về giá trị tuyệt đối, nhưng chưa hẳn đã là cân đối với dòng vốn điều lệ tăng cao của các NH liên tục thời gian qua. Chưa kể năm 2011 lãi suất cho vay cao ngất ngưởng, lợi nhuận cho vay trên sổ sách cũng tăng theo lãi suất, nhưng thực tế các NHTM đang tiềm ẩn những rủi ro lớn về tín dụng. Nguy cơ nợ xấu gia tăng theo lợi nhuận luôn hiện hữu ở hệ thống NHTM.

Tuy nhiên, có một thực tế các NHTM vẫn phải báo cáo lợi nhuận cao cũng bởi sức ép từ giá trị cổ phiếu NH thời gian qua đã xuống mức thấp do TTCK suy giảm. Nếu báo cáo lợi nhuận không tốt càng khiến giá trị cổ phiếu đi xuống, kéo theo đó là giá trị của các ngân hàng. Còn thực tế lợi nhuận NH thực sự cao hay thấp, lời hay lỗ chỉ có NH biết.

Nguồn tin: Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính