Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Chung quanh sự biến động bất thường của giá thép

Bắt đầu từ tháng 5, giá thép "giảm nhiệt" mạnh, thậm chí, có cửa hàng còn mạnh tay "khuyến mại", chiết khấu trên hóa đơn cho khách tới 300 nghìn đồng/tấn. Cũng từ đầu tháng 5, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) liên tục nhận được thông báo giảm giá thép của các đơn vị, bình quân từ 200 đến 500 nghìn đồng/tấn.

Ðợt giảm giá mạnh tay đầu tiên sau tám lần tăng giá đồng loạt, dồn dập chỉ trong vòng 45 ngày (từ đầu tháng 3 đến giữa tháng 4) đã khiến những người quan tâm đặt ra dấu hỏi: Phải chăng thị trường thép đã bị đầu cơ, thao túng bởi các doanh nghiệp (DN) thương mại? Có sự liên kết tăng giá giữa các đơn vị sản xuất thép để trục lợi?

Nghi vấn này hoàn toàn có cơ sở, "cơn nóng lạnh" bất thường của thép có phần nằm ngoài những yếu tố như giá phôi, giá điện, lãi suất ngân hàng tăng, tỷ giá USD lên, xuống... Khi giá phôi thép thế giới tăng nhẹ, giá bán tại nhà máy mới tăng thêm vài trăm nghìn đồng/tấn, thì giá bán lẻ trên thị trường đã tăng vọt lên hơn một triệu đồng, thậm chí nhà đầu cơ còn "găm hàng", tạo nên sự khan hiếm giả tạo, bóp méo thị trường, khiến người tiêu dùng phải chịu nhiều thiệt thòi. Ước tính của các chuyên gia trong ngành, tháng 3 vừa qua, lượng thép tồn kho của các DN thương mại lên tới gần 570 nghìn tấn. Khi giá thép thế giới bắt đầu giảm, để chốt lãi, các DN đã "xả hàng", dẫn tới nghịch lý trên thị trường: giá thép bán lẻ... thấp hơn giá giao tại nhà máy. Các nhà máy buộc phải hạ giá theo nhà đầu cơ, chấp nhận lỗ vì trước đó phải nhập phôi với giá cao. Theo VSA, tại thời điểm này, đã có 120 nghìn tấn thép xây dựng, chủ yếu là thép cuộn từ các nước ASEAN nhập khẩu vào nước ta, với mức giá 15,2 triệu đồng/tấn, rẻ hơn thép sản xuất trong nước từ 100 nghìn đến 150 nghìn đồng/tấn. Như vậy, cạnh tranh với các DN thương mại chưa xong, nhà sản xuất còn phải đối mặt với sự cạnh tranh từ thép ngoại giá luôn luôn rẻ hơn thép trong nước, dù chịu nhiều chi phí hơn. Ðiều đó cho thấy năng lực cũng như phương pháp quản lý của nhà sản xuất thép trong nước còn bộc lộ nhiều hạn chế. Dù đã chủ động tới 60% nguồn phôi sản xuất trong nước, nhưng khi giá phôi thế giới tăng, DN sản xuất thép cứ thản nhiên tăng giá để hưởng lợi. Việc tăng giá thép thời gian qua đã để lại những hệ lụy không nhỏ: Toàn xã hội oằn lưng ra gánh những chi phí không đáng có, để lợi ích rơi vào một nhóm các nhà sản xuất và kinh doanh thép. Kết luận thanh tra của Bộ Tài chính và các chuyên gia đã thống nhất nhận định: Thép tăng giá "đón đầu" giá phôi, khiến các dự án, công trình bị "đội giá" theo, làm cho ngân sách Nhà nước phải bỏ ra một khoản kinh phí không nhỏ.

Hiện tượng tăng giá vừa qua xảy ra đồng loạt ở tất cả các DN thép, tuy có nguyên nhân tăng giá phôi thế giới, nhưng phôi mới tăng giá chưa đầy 20%, giá thép thị trường đã vọt tăng tới hơn 40%. Các nhà sản xuất chỉ chăm chăm vào quyền lợi của mình mà quên mất trách nhiệm bình ổn giá trước cộng đồng. Trong khi đó, với vai trò của mình, VSA hầu như không có động thái nào trước việc thép tăng giá, ngoại trừ một vài cảnh báo chẳng khác vẩy vài giọt nước vào "lò luyện thép" đang đỏ lửa. Trong khi đó, mỗi khi bị sức ép từ thép nhập khẩu, hàng loạt kiến nghị của VSA lại được gửi tới Chính phủ nhằm dựng hàng rào kỹ thuật hạn chế hoặc cấm nhập thép.

Ðiều cốt lõi để ngành thép tăng trưởng bền vững chính là tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành, chứ không phải hạn chế nhập khẩu thép, tạo sân chơi thiếu sòng phẳng. Rõ ràng, trong khâu quản lý thép đang rất lỏng lẻo, để giá tăng liên tục và ở mức cao, tạo tâm lý bất ổn trong xã hội, khiến thị trường bị đầu cơ thao túng. Tình trạng này rất cần được các cơ quan quản lý chấn chỉnh kịp thời.

ND

ĐỌC THÊM