Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Chữa trị nội thương

 
Chữa trị nội thương
Báo cáo kinh tế Việt Nam 2008 đã điểm lại những vấn đề nội tại của nền kinh tế trong năm 2008 và những năm trước đó và đề xuất những thay đổi cách nhìn, cách làm cần thiết để cải cách, vượt qua khủng hoảng. Tổng kết lại vấn đề Sài Gòn Tiếp Thị đã phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, giám đốc CEPR, chủ biên của báo cáo

Cần bồi dưỡng để khu vực tư nhân ngày càng mạnh lên và năng động. Trong ảnh là một phân xưởng trong nhà máy lắp ráp ô tô Trường Hải. Ảnh: Lê Quang Nhật

Chọn lựa chính sách trọng cung
Báo cáo chỉ ra rằng suy giảm kinh tế trong năm 2008 là do Việt Nam bước vào giai đoạn thu hẹp của chu kỳ kinh tế 2006 – 2008 và những bất ổn về mặt cơ cấu bên trong nền kinh tế.  Các phân tích trong báo cáo có ý nghĩa như thế nào?
Báo cáo phân định rõ nguyên nhân để chúng ta thấy rõ hơn công cụ chính sách thích hợp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và duy trì ổn định vĩ mô. Nhiều năm qua, chúng ta lạm dụng các chính sách kích thích ngắn hạn để duy trì tăng trưởng trung hạn. Cần phải thay đổi quan điểm, các chính sách ngắn hạn (tiền tệ, tài khoá) chỉ dùng để bình ổn kinh tế, còn duy trì tăng trưởng cần tới các chính sách dài hạn hơn, như tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường theo đúng nghĩa của nó, cải cách hành chính và pháp lý để phục vụ doanh nghiệp, giảm thiểu khu vực kinh tế quốc doanh hoặc ít nhất phải thực hiện ngân sách cứng rắn để họ bình đẳng trong thị trường, và đối mặt với sự chọn lọc tự nhiên, bồi dưỡng để khu vực tư nhân ngày càng mạnh lên và năng động. Thuật ngữ kinh tế gọi đó là các chính sách trọng cung.
Cát cứ thông tin gây khó cho toàn hệ thống
Những bất hợp lý trong điều hành chính sách vĩ mô trong năm qua chủ yếu nằm ở đâu và do đâu?
Nằm ở chính sách tiền tệ! Và nguyên do, chủ yếu từ năng lực kết hợp hoạch định các gói chính sách tổng thể cả ngắn và dài hạn.
Có sự cát cứ rõ ràng trong thông tin giữa các bộ ngành chức năng. Và điều này gây khó cho tổng thể toàn hệ thống. Thêm nữa, phải thẳng thắn thừa nhận rằng chúng ta đang chơi những cuộc chơi rất mới, và có sự lúng túng thực sự trong năng lực ra chính sách. Nhiều biện pháp từng thành công trong lịch sử đã không đem lại hiệu quả như trước, vì đơn giản là môi trường đã hoàn toàn thay đổi. Cần có sự cải thiện mạnh mẽ về khả năng nhận định về nền kinh tế và ứng phó chính sách của các cơ quan chính phủ. Chúng ta cần con người và một hệ thống thông tin tốt.
Với hệ thống thông tin tốt và bình đẳng, vai trò của giới kinh tế học trong việc khắc phục vấn đề này sẽ như thế nào?
Khi được tiếp cận đủ thông tin cần thiết, họ có thể đóng góp rất nhiều vào quá trình lập và ra chính sách kinh tế. Tuy nhiên, như trên đã nói, cho tới nay, các thông tin chính xác và cần thiết nhiều khi không được hoàn toàn công khai, hoặc bị tản mác giữa các bộ ngành. Điều này gây khó khăn trong việc tổng hợp thông tin để xử lý. Tôi nghĩ không phải chỉ giới chuyên gia mới gặp khó khăn này, mà ngay cả các cấp quản lý cao nhất cũng vậy. Kết quả là chất lượng ra chính sách không thể cao, và nhiều khi mất đi tính kịp thời.
Thêm vào đó, thông tin về nền kinh tế một khi được công khai và cập nhật chính xác, nhanh và đầy đủ hơn, sẽ là điều kiện tốt để dịch vụ tư vấn chính sách phát triển. Ở các nước phát triển, nhiều chính sách quan trọng được chính phủ thuê các tổ chức nghiên cứu tư nhân hoặc bán tư nhân nghiên cứu và đánh giá. Ở Việt Nam, hệ thống tư vấn chính sách đa số vẫn do nhà nước bao cấp hoàn toàn. Điều này triệt tiêu sự cạnh tranh về ý tưởng, tư tưởng và phát kiến trong chính sách. Không có cạnh tranh, thì sẽ chậm phát triển.
FDI: đang bỏ qua định hướng
Một trong những bất ổn về cơ cấu mà giới kinh tế nói nhiều trong thời gian qua là sự thiếu hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước. Thế nhưng, báo cáo đặt vấn đề cần nhận thức lại cả hiệu quả và vai trò của khu vực đầu tư nước ngoài (FDI). Trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm, liệu có còn các chọn lựa để khắc phục những vấn đề này?
Khuynh hướng gần đây cho thấy FDI cũng đang mất cân đối trầm trọng, chủ yếu hướng vào khu vực bất động sản không phải hạ tầng. Ngay cả khi tách bạch thật rõ FDI với FII (vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài), thì cũng không thể bảo đảm toàn bộ FDI chỉ thuần tuý chảy vào khu vực sản xuất, có một phần dưới hình thức này khác chảy vào các thị trường tài sản, hoặc hỗ trợ cho dòng vốn chảy vào các thị trường này mạnh hơn. Điều ấy làm khuếch đại những thăng trầm trên các thị trường tài sản.
Vì thế, qua kinh nghiệm của năm 2008, chúng tôi nghĩ cần chú trọng quản lý FDI trong điều kiện dòng vốn này trở nên dồi dào.
FDI đang chững lại, đó là cơ hội tốt rút ra bài học từ sự tăng ồ ạt của năm 2008. Cần lưu ý đưa ra các biện pháp khuyến khích hay kiềm chế FDI theo từng lĩnh vực trong nền kinh tế, để phát huy tối đa lợi ích phát triển của FDI, thay vì để dòng vốn này góp phần làm nền kinh tế chao đảo.
Kích cầu dựa vào những đâu
Chính sách thu hút sự quan tâm trong năm 2009 này là chính sách kích cầu.  Lựa chọn nào khả dĩ trong điều kiện như vậy?
Việc theo đuổi những gói kích cầu lớn có ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách, gây thâm hụt lớn. Có thể chấp nhận điều này như thời kỳ khẩn cấp để cứu vãn nền kinh tế, nhưng thực tế khả năng tài trợ cho thâm hụt là vấn đề quan trọng. Nguồn tài trợ chủ yếu từ vay nợ (phát hành trái phiếu chính phủ), nhưng không phải muốn phát hành tuỳ ý, vì thị trường có thể không chấp nhận, trừ khi tăng lãi suất huy động. Như thế mâu thuẫn với chính sách tiền tệ mở rộng, muốn duy trì lãi suất thấp để giúp nền kinh tế hồi phục.
Có thể tăng cường kích cầu như hướng  tiêu dùng và đầu tư vào nội địa. Điều này đòi hỏi nhiều biện pháp đồng bộ mà hiện nay chúng ta còn chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhưng có lẽ vẫn nên chú trọng triển khai dần.
(SGTT) 

ĐỌC THÊM