Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Chính sách tiền tệ 2012: Thách thức lớn nhất

 Nếu có ai đó đặt câu hỏi tâm điểm của chính sách tiền tệ năm 2012 nằm ở đâu, câu trả lời sẽ là thanh khoản. Gánh nặng thanh khoản tiền tệ mười năm qua đã dồn tụ lại, và chúng ta mới chỉ đi được đoạn đường một năm (năm 2011) trên suốt lộ trình giải quyết tận gốc rễ vấn đề.

Bóc ngắn cắn dài

Mới đây, khi đề cập đến giảm lãi suất - một đòi hỏi bức xúc của doanh nghiệp - Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố số liệu quan trọng: tỷ lệ cho vay trên vốn huy động của hệ thống ngân hàng quá cao. Năm 2008 tỷ lệ này là 0,95 lần; năm 2009 và 2010 là 1,01 lần; năm 2011 là 1,02 -1,03 lần. Nghĩa là hệ thống ngân hàng huy động được một đồng thì cho vay tới 1,02-1,03 đồng.

Trong khi đó, theo nguyên tắc hoạt động, huy động được một đồng, ngân hàng phải trích dự trữ bắt buộc, dự phòng thanh khoản và một số dự phòng khác. Những khoản phải trích này chiếm khoảng 10% tổng vốn huy động. Đơn giản, để đảm bảo an toàn cho bản thân và cho người gửi tiền, ngân hàng cho vay tối đa 0,9 đồng trên một đồng huy động được. Con số thống kê cho thấy một xu hướng ngược lại.

Trong bản tin về hoạt động ngân hàng tháng 12-2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến ngày 21-12-2011 là 10,9% so với cuối năm trước đó; tổng vốn huy động tăng 9,89%; tổng phương tiện thanh toán tăng 9,27%. Công ty Chứng khoán Bản Việt trích dẫn một báo cáo của NHNN cho biết con số tuyệt đối của tăng trưởng tín dụng đến cùng thời điểm trên là 2,524 triệu tỉ đồng, tổng vốn huy động 2,514 triệu tỉ đồng và tổng phương tiện thanh toán 2,87 triệu tỉ đồng. Như vậy mức tăng trưởng vốn huy động đang thấp hơn tăng trưởng tín dụng cả về tỷ lệ và con số tuyệt đối. Sự thiếu hụt này được bù đắp, dĩ nhiên, bằng sự gia tăng của tổng phương tiện thanh toán.

Nếu gánh nặng thanh khoản chỉ gói gọn ở sự lệch pha giữa huy động và cho vay, thì sự lo ngại không đến mức trầm trọng. Dấu hiệu trầm trọng là huy động vốn chủ yếu ngắn hạn, nhưng cho vay phần lớn trung, dài hạn. Trong bất cứ báo cáo tài chính quí hoặc năm nào của các ngân hàng niêm yết, người ta dễ dàng tìm thấy những trang nói về rủi ro thanh khoản, theo đó tiền gửi đa số có kỳ hạn dưới một tháng và từ 1-3 tháng; còn cho vay phần lớn lại từ 3-6 tháng trở lên. Quy định chỉ được sử dụng tối đa 30% vốn huy động ngắn hạn cho vay trung-dài hạn đã bị các ngân hàng bỏ qua từ lâu. Như thừa nhận của Thống đốc NHNN, có ngân hàng dùng 60-70%, thậm chí 100% vốn huy động để cho vay trung-dài hạn. Thế nên khoan nói đến đòi hỏi của nền kinh tế, nhu cầu vốn của ngân hàng để đảm bảo thanh khoản cho chính ngân hàng đã rất lớn rồi.

Gót chân Achilles còn đó

Nguyên nhân dẫn đến gánh nặng thanh khoản, không thể phủ định, trước hết là ở ngân hàng! Ngân hàng đã và đang tiếp tục bóc ngắn cắn dài. Tuy nhiên, đằng sau việc “ăn hết cả của để dành” chẳng đặng đừng ấy, ngân hàng đã hành động theo nhu cầu của nền kinh tế. Một chu kỳ sản xuất của doanh nghiệp, thông thường kéo dài cả năm, nhanh cũng phải 3-6 tháng. Người vay không thể vay tiền một kỳ hạn ngắn hơn, nhưng người gửi tiền, với đường cong lãi suất thẳng tắp hiện hành, hầu hết gửi một tháng. Lãi suất như nhau, gửi kỳ hạn càng ngắn, càng có lợi. Ngân hàng ở giữa, phải chiều cả người đi vay và người gửi tiền, mới có đất sống. Hiện tượng đầu vào ngắn hạn, đầu ra dài hạn là vì thế.

Nhiều năm trước, thanh khoản đã là chuyện nhức nhối của ngân hàng. Song nó bị che lấp, giống như gót chân Achilles, bởi hạn mức tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán cao. Cho đến cuối năm 2010, tổng phương tiện thanh toán vẫn tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước đó. Tiền vẫn được “bơm” vào nền kinh tế cho đến khi lạm phát hiển hiện.

Đó là thời điểm hoàng tử Paris xuất hiện. Khi chàng giương cung và mũi tên lao đi, xuyên qua gót chân Achilles, thanh khoản không chỉ nhức nhối, nó trở thành vấn đề sống còn của ngân hàng. Mức tăng tổng phương tiện thanh toán tụt giảm từ 26,7% xuống 9,27%, tức còn hơn một phần ba. Các ngân hàng bắt đầu thu nợ nhiều hơn cho vay, các kỳ hạn vay dài thay bằng kỳ hạn vay ngắn. Cho vay là hoạt động mang lại tỷ suất lợi nhuận cao nhất của ngân hàng, được thay thế bằng đòi nợ và tăng cường huy động. Bên bờ của sự tồn vong, người ta phải nghĩ đến sự tồn tại trước đã. Các ngân hàng thiếu thanh khoản được sáp nhập. SCB - Tín Nghĩa - Đệ Nhất không phải trường hợp cuối cùng. Một hợp đồng tư vấn sáp nhập với mức phí trị giá nửa triệu đô la Mỹ vừa được ký giữa một công ty chứng khoán và một ngân hàng. Ba ngân hàng nhỏ khác nữa đang trong quá trình đàm phán để “về chung một nhà”.

Chưa vội nâng ly!

Năm nay tiếp tục là năm tháo gỡ gánh nặng thanh khoản, và từ đó mở đường cho việc giảm lãi suất. Lãi suất có giảm không? Giảm bao nhiêu? Ở thời điểm nào? Tất cả phụ thuộc nhiều vào thanh khoản.

Cùng lúc đó, NHNN còn một nhiệm vụ quan trọng không kém: ổn định giá trị đồng nội tệ, kiểm soát lạm phát!
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trong một buổi làm việc với ngành ngân hàng “kiểm soát được lạm phát hay không là nằm trong tay các đồng chí. Tiền đưa ra hút về là thuộc các đồng chí”. Thống đốc Nguyễn Văn Bình chỉ rõ: “Lạm phát năm 2011 là 18% thì phần do chính sách tiền tệ hay tài khóa dưới góc độ tiền tệ chiếm khoảng 12%. Còn 6% do các yếu tố khác” (nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 12-1-2012).

Tổng đầu tư công, theo Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, năm 2012 không tăng so với năm ngoái, ở mức 180.000 tỉ đồng từ ngân sách và 45.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ. Trong khi đó, mức tăng tổng phương tiện thanh toán được dự kiến 14-16%. Căn cứ tổng phương tiện thanh toán tháng 12-2011 là 2,87 triệu tỉ đồng, con số tăng tuyệt đối ước 400.000 - 460.000 tỉ đồng.

Với mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay ở mức 9%, bằng một nửa năm ngoái, mà tổng phương tiện thanh toán dự kiến tăng gấp rưỡi là khá rộng rãi. Tuy nhiên, dự kiến và thực tế có khoảng cách. Nhìn lại năm 2011 dự kiến tổng phương tiện thanh toán tăng 16% (sau khi đã có chính sách thắt chặt tiền tệ - NV), thực hiện 9,27%, chúng tôi phỏng đoán tổng phương tiện thanh toán năm nay tăng không quá 10%.

Mức tăng trưởng vốn huy động của ngành ngân hàng đang thấp hơn tăng trưởng tín dụng cả về tỷ lệ và con số tuyệt đối. Sự thiếu hụt này được bù đắp, dĩ nhiên, bằng sự gia tăng của tổng phương tiện thanh toán.

Sẽ là vội vàng nếu sớm nâng ly vì trước mắt còn nhiều thách thức đối với ngành ngân hàng. Cuối tháng 8-2011, NHNN đã tái cấp vốn lại hàng chục ngàn tỉ đồng cho một số ngân hàng lớn. Số tiền này sẽ đáo hạn vào cuối tháng 2 tới đây. Cho dù NHNN có tái cấp vốn lại, hay gia hạn thêm lần nữa cho số tiền đang tái cấp vốn này, thì đó cũng không phải thời điểm để cùng lúc đẩy tăng tổng phương tiện thanh toán. Mặt khác, như thống đốc tuyên bố, 5-8 ngân hàng sẽ sáp nhập trong những tháng đầu năm, thanh khoản sẽ phải xử lý để hỗ trợ các ngân hàng đó.

Một thách thức không nhỏ là nguồn tiền nào để tái cơ cấu ngân hàng - trọng tâm của vấn đề thanh khoản? Có thể thấy là hệ thống ngân hàng chưa trích đủ dự phòng rủi ro cho toàn bộ nợ xấu (con số tuyệt đối theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia là 85.000 tỉ đồng, tương đương 4,2 tỉ đô la Mỹ). Tại nhiều ngân hàng, mức trích lập chưa được bằng 30% nợ xấu. Mới đây lần đầu tiên người đứng đầu ngành ngân hàng đề cập đến vai trò của người gửi tiền trong lộ trình tái cơ cấu. Đó là điểm mới, nhưng cụ thể ra sao, mới đến mức nào thì chưa rõ ràng. Ông nhấn mạnh: “Các ngân hàng quốc doanh và cổ phần lành mạnh là lực lượng chủ lực, với sự hỗ trợ thích hợp của Nhà nước về cơ chế, chính sách, nguồn lực. Nhưng điều đó không đồng nghĩa Nhà nước bao cấp toàn bộ. Tổn thất và chi phí trong quá trình xử lý yếu kém cần phải được chia sẻ hợp lý giữa các bên có liên quan (nhà nước, chủ sở hữu, nhà đầu tư và người gửi tiền) theo quy định pháp luật”. (Nguồn: Lao Động ngày 20-1-2012).

Và trên hết, một cách nhìn mới về thanh khoản đang được cơ quan quản lý áp dụng. Trước đây, ngân hàng nào khó khăn thanh khoản là được tái cấp vốn ngay. Thị trường mở tăng cường giao dịch. Nay thì khác. Thanh khoản thiếu ở chỗ nào, chỗ đó lập tức được khoanh vùng và tiền chỉ được đưa vào đó lúc thiết yếu. Đây là nguy cơ sát sườn đối với các ngân hàng yếu kém, bù lại nó giúp giảm thiểu rủi ro hệ thống. Nó đồng thời cảnh báo các ngân hàng phải tự cơ cấu lại nợ, đầu vào, đầu ra trước khi xin NHNN “cứu trợ”.

Nguồn tin: Thời báo Kinh Tế Sài Gòn