Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Chính sách thuế với ngành thép hợp lý hơn

  Bộ Tài chính quyết định điều chỉnh thuế xuất khẩu đối với mặt hàng sắt, thép từ 20% xuống 10%. Tuy nhiên ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, sự điều chỉnh đó mới giảm bớt khó khăn cho DN, nhưng để thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển, thì mức thuế suất 10% vẫn còn quá cao.

Ông Phạm Chí Cường
 
 
 
 

Ông cho rằng thuế xuất khẩu thép nên quay về mức 2% là hợp lý?

Do lượng thép tiêu thụ trong nước những tháng gần đây đã giảm mạnh, đặc biệt là tháng 8 vừa qua, lượng thép tiêu thụ chỉ còn bằng khoảng 1/3 lượng tiêu thụ bình quân 7 tháng đầu năm, tình trạng ứ đọng nguyên liệu thép và thép thành phẩm đã lớn hơn mức bình thường khiến nhiều DN sản xuất thép gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Tính đến thời điểm này, nguyên liệu thép và thép thành phẩm còn tồn kho khoảng 1 triệu tấn, trị giá gần 1 tỷ USD.
Trong bối cảnh thị trường trong nước tiêu thụ chậm, xuất khẩu khó khăn do thuế cao, để duy trì sản xuất, nhiều DN đã phải đi “vay nóng”.

Để xử lý bài toán này, không còn cách nào khác ngoài việc phải thúc đẩy xuất khẩu?

Nhằm kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP và áp dụng một loạt giải pháp như cắt giảm đầu tư công, kiểm soát chặt chẽ các công trình đầu tư, đình chỉ những công trình chưa thực sự cấp thiết hoặc hiệu quả thấp… Cùng với việc hệ thống ngân hàng siết chặt cho vay tín dụng, nâng lãi suất cho vay lên mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây khiến nhiều công trình, dự án phải đình hoãn, hoặc kéo dài đã tác động trực tiếp đến tình hình tiêu thụ trong nước, nên nếu không đẩy mạnh xuất khẩu sẽ khiến nhiều DN sản xuất thép có thể bị phá sản.

Nhưng đẩy mạnh xuất khẩu, sẽ dẫn tới nguy cơ thiếu thép, thưa ông?

Từ trước đến nay Việt Nam chưa bao giờ tham gia vào thị trường xuất khẩu thép, nhưng năm nay Việt Nam đã tham gia vào thị trường này. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu gần 392.000 tấn phôi thép và trên 880.000 tấn thép tấm lá các loại. Để tạo điều kiện cho DN, tôi nghĩ rằng Bộ Tài chính cần phải xây dựng chính sách thuế uyển chuyển và phù hợp với thị trường hơn. Trước việc tiêu thụ trong nước chậm trong khi thị trường thế giới đang được giá, nhiều DN đã thực hiện tái xuất khẩu thép nguyên liệu.

Điều này đã làm cho các cơ quan quản lý nhà nước lo ngại rằng ngành thép sẽ thiếu nguyên liệu trong những tháng cuối năm, nên vào tháng 6/2008, Bộ Tài chính đã nâng mức thuế xuất khẩu từ 2% lên 10%, sau đó vào tháng 8/2008 lại tiếp tục nâng lên 20% và gần đây lại giảm xuống 10%. Nhìn vào tần suất điều chỉnh như vậy, có thể nghĩ Bộ Tài chính khá kịp thời trong việc ban hành chính sách thuế, nhưng phân tích kỹ tôi cho rằng, việc điều chỉnh vẫn chưa theo kịp với diễn biến thị trường.

Cụ thể của sự chưa kịp thời đó là gì?

Để thực hiện kiềm chế lạm phát, các DN sản xuất thép đã quyết định không tăng giá bán thành phẩm suốt từ tháng 3 đến tháng 6/2008, nhưng tình hình tiêu thụ cũng không khả quan hơn, trong khi giá phôi thép và sản phẩm thép trên thị trường thế giới tăng vọt, có những lúc tăng gần gấp đôi so với đầu năm.

Đúng ra thì không nên nâng thuế xuất khẩu để tạo điều kiện cho DN quay nhanh vòng vốn, giải quyết khó khăn về tài chính, thì Bộ Tài chính lại nâng thuế xuất khẩu. Kết quả là xuất khẩu thép vừa mới bắt đầu, đã bị chặn đứng bởi chính sách thuế.

Theo ông, trong tương lai sự tham gia của Việt Nam vào thị trường xuất khẩu thép thế giới sẽ ở mức độ nào?

Trước năm 2000, Việt Nam phải nhập khẩu trên 80% lượng phôi thép, bây giờ chỉ còn phải nhập khẩu khoảng 50%. Vào năm 2010, Việt Nam sẽ đáp ứng 100% nhu cầu phôi thép cho các nhà máy sản xuất. Lượng thép nguyên liệu và thép thành phẩm của Việt Nam sẽ tăng nhanh sau năm 2010 khi hàng loạt dự án có vốn đầu tư nước ngoài có công suất 5 - 10 triệu tấn sản phẩm/năm đi vào hoat động. Khi đó, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia xuất khẩu thép và phôi thép lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, để phát triển ngành công nghiệp này, tôi nghĩ ngoài việc phải tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường thì cần phải có chính sách thuế hợp lý và uyển chuyển hơn.
(Đầu Tư)

ĐỌC THÊM