Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Chiến tranh tiền tệ đe dọa châu Á

Các thị trường mới nổi châu Á sẽ bị vạ lây trong trường hợp bùng nổ cuộc chiến tiền tệ tổng lực giữa các siêu cường kinh tế thế giới.

Vấn đề ấy đã chi phối cuộc họp thường niên của quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) và ngân hàng Thế giới ở Washington hôm 9.10 nhưng không có sự đồng thuận khi Mỹ và Trung Quốc đang bất đồng gay gắt về các chính sách tiền tệ của Bắc Kinh.

Lo ngại một cuộc chiến tranh tiền tệ sẽ phá hỏng cả nền kinh tế thế giới đang hồi phục yếu ớt, bà Cyn Young Park, chuyên gia kinh tế cấp cao của ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nói: “Chúng ta đang ở giai đoạn mà nhiều quốc gia phải duy trì động lực hồi phục, nếu chúng ta sa vào những chính sách bảo hộ thương mại hay tài chính thì động lực hồi phục sẽ bị cản trở”.

Suy yếu vì những biến động tài chính từ 2008, Mỹ, Nhật và châu Âu đều có những biện pháp phá giá hay khống chế trị giá tiền tệ nhằm làm cho hàng xuất khẩu của nước mình có tính cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu và hàng nhập khẩu khó chen vào thị trường nội địa.

Cuộc chiến tiền tệ ngày càng mạnh mẽ hơn khi Mỹ xúc tiến chiến dịch gây áp lực buộc Trung Quốc phải cho đồng nhân dân tệ tăng giá nhanh theo đồng đôla để điều chỉnh cán cân mậu dịch đang mất thăng bằng. Trong lúc Trung Quốc vẫn cố duy trì tỷ giá tệ/USD, Nhật lại can thiệp vào thị trường tài chính bằng cách khống chế mức tăng nhanh của giá trị đồng yen.

Các nền kinh tế mới nổi châu Á đã mắc kẹt trong cuộc chiến này. Khi Trung Quốc đang khống chế chặt tỷ giá hối đoái của mình, đồng tiền ở các nước châu Á khác so với đồng đôla đã tăng giá nhanh hơn đồng nhân dân tệ, khiến hàng xuất khẩu của họ càng mất thế cạnh tranh so với hàng Trung Quốc.

Mỹ và Anh cũng bơm thêm tiền vào các hệ thống ngân hàng để kích thích tăng trưởng. Nhưng theo nhà kinh tế David Carbon của ngân hàng DBS ở Singapore, với mức tăng trưởng èo uột của Mỹ, Nhật và châu Âu, phần lớn nguồn tiền lại chảy sang các thị trường mới nổi, bao gồm châu Á, nơi sinh lãi nhiều hơn.

Viện Tài chính quốc tế ở Washington đã ước tính trong năm nay lượng tiền chảy sang các nền kinh tế mới nổi sẽ lên tới 825 tỉ USD – hay hơn 2 tỉ USD/ngày – trong khi năm trước là 581 tỉ USD. Lượng tiền khổng lồ này đã là yếu tố chính đẩy giá tiền tệ châu Á lên cao. Giá bất động sản và chứng khoán cũng tăng vọt theo nhờ lượng tiền này tiếp sức khiến nhiều người lo sợ “bong bóng” sẽ vỡ tung nếu như lượng tiền này ra đi cũng chớp nhoáng như khi nó đến.

Áp lực đè nặng lên vai các nhà hoạch định chính sách châu Á bây giờ là khống chế mức tăng giá tiền tệ của nước mình nhưng đồng thời vẫn quản lý được các tác động lạm phát đang tăng cũng như giá trị bất động sản và chứng khoán. Ngân hàng DBS cho biết tỷ giá các loại tiền tệ châu Á từ tháng 1.2010 trung bình đã tăng 6% so với đồng đôla. Tỷ giá đồng ringgit Malaysia và đồng baht Thái tăng tới 9%. Trong khi đó, đồng tệ Trung Quốc chỉ tăng có 2%.

Nguồn: Stockbiz