Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Bội chi ngân sách 8%? Không dễ tăng, không dễ chi!

Một trong những vấn đề lớn mà Quốc hội sẽ phải xem xét trong kỳ họp dự kiến khai mạc vào tháng 5 tới là xem xét, phê chuẩn đề nghị của Chính phủ về việc cho giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2009 xuống còn 5%; tăng bội chi ngân sách lên 8%, giảm chi tiêu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) xuống còn 6% so với các chỉ tiêu mà Quốc hội đã thông qua tại kỳ họp trước lần lượt là 6,5%, 5% và 16%). Trong nhiều năm gần đây, chưa có kỳ họp nào Quốc hội phải xem xét điều chỉnh các chỉ số quan trọng với mức tăng, giảm chóng mặt như vậy. Điều đó cũng đã nói lên tình hình kinh tế đã thay đổi nhanh đến thế nào kể từ kỳ họp cuối năm trước. Lúc đó, không phải vị đại biểu Quốc hội nào cũng cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới sẽ có tác động rất mạnh đến kinh tế Việt Nam trong năm 2009.

Việc điều chỉnh chắc sẽ được thực hiện bởi ai cũng thấy rằng, đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội xây dựng cuối năm trước đã trở nên rất khó khăn và có thể nói, đến nay không còn khả năng thực hiện. Nhưng với những mức điều chỉnh như trên, chắc chắn sẽ tạo ra nhiều tranh cãi. Chỉ tiêu tăng trưởng GDP chắc sẽ phải giảm vì mục tiêu tăng 6,5% đã không gần thực tế, chỉ số CPI ai cũng thấy sẽ không thể còn cao tới mức 16%, có thể đưa về một con số do suy giảm kinh tế. Nhưng mức bội chi ngân sách lên tới 8% thì chắc rằng, ở Quốc hội, không phải đại biểu nào cũng dễ dàng đồng tình với đề nghị từ phía Chính phủ.

Trong các cuộc họp của ủy ban Tài chính – ngân sách và ủy ban Kinh tế của Quốc hội diễn ra trong các ngày 7.5 và 8.5, một số thành viên trong hai uỷ ban đồng ý rằng, do nguồn thu ngân sách giảm mạnh (vì kế hoạch ngân sách xây dựng trên dự kiến giá dầu xuất khẩu là 70 USD/thùng, nay chỉ còn trung bình trên 40 USD/thùng, do việc giãn, hoãn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế VAT…), do yêu cầu tăng chi để chống suy giảm kinh tế, kích cầu… nên chắc chắn phải tăng bội chi. Nhưng mức bội chi lên tới 8% thì có nhiều ý kiến bày tỏ sự lo lắng. Tại phiên họp toàn thể của ủy ban Kinh tế ngày hôm qua, phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng đã nói rằng, nếu không tăng bội chi thì sẽ khó cho duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Nhưng ông tỏ ý băn khoăn: “Có nên tăng đến mức 8% không hay chỉ 6 – 6,5%? Với đại biểu Quốc hội, có lẽ một mức bội chi 5 – 6% sẽ dễ chịu hơn”.

Có một số thành viên trong ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tăng bội chi có thể chấp nhận trong ngắn hạn vì nguồn kinh phí cho tăng chi chủ yếu huy động từ trong nước. Cũng trong dịp này, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phát hành thêm 20.000 tỉ đồng trái phiếu. Cộng với các nguồn kinh phí khác như tiền phát hành trái phiếu năm 2008 chưa tiêu hết chuyển qua, vốn ngân sách cho xây dựng cơ bản năm 2008 được kéo dài sang năm nay… tổng nguồn vốn cho phần 3% tăng thêm của bội chi ngân sách sẽ vào khoảng 64.000 tỉ đồng. Nhưng vấn đề là ở chỗ, nếu đa số đại biểu Quốc hội đồng ý thì Chính phủ cũng có tiêu hết số tiền đó không? Như phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nói, không phải cứ cho phép bội chi 8% là phải bày (việc) ra để chi cho hết. Khả năng giải ngân nguồn vốn của nhiều bộ, ngành cũng chỉ đến mức bội chi 5 – 6%. Điều này đã được thực tế chứng minh là cả thời kỳ 2003 – 2008, giải ngân nguồn vốn trái phiếu Chính phủ chỉ đạt 54% (con số Chính phủ công bố). Hơn nữa, các đợt phát hành trái phiếu Chính phủ gần đây cũng không thành công. Như vậy, dù Quốc hội cho phép nâng bội chi đến 8%, không dễ gì có đủ tiền cho bội chi và cũng không dễ gì để chi cho hết tiền.

Nhiều người khác tỏ ý lo ngại hơn về hậu quả của tình trạng kéo dài bội chi ở mức cao. Ông Nguyễn Bá Thanh, uỷ viên uỷ ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội cho rằng, bội chi chỉ nên tới 6%, nếu không tính kỹ, sẽ phải trả giá đắt cho bội chi. Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm và tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên ủy ban Kinh tế cùng nói rằng, nếu việc chi tiêu, đầu tư không đúng địa chỉ, kém hiệu quả, không cân đối được tiền – hàng thì nguy cơ tái lạm phát sẽ rất cao.

Cho dù thứ trưởng bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cố gắng trấn an các thành viên hai uỷ ban rằng, cho dù tăng bội chi, nền tài chính quốc gia vẫn đảm bảo an toàn vì tiền tăng thêm chủ yếu là trong nước, có khoản chi ra như giãn thuế có khả năng sớm thu hồi để trả nợ vay, tỷ lệ nợ vay vẫn trong ngưỡng an toàn (dưới khoảng 40 – 50% GDP theo thông lệ quốc tế)… Nhưng không dễ gì giảm nỗi lo cho đại biểu Quốc hội kỳ họp tới. Bởi vì, ngoài những vấn đề trên, lâu nay tỷ lệ bội chi ở ta còn có điểm chưa theo thông lệ quốc tế. Ấy là các nước người ta tính cả các khoản vay trong và ngoài nước, các khoản Chính phủ vay về rồi cho doanh nghiệp vay lại… vào bội chi ngân sách. Còn ở Việt Nam, có những khoản huy động vốn, trả nợ chưa được đưa vào tính mức bội chi. Cho nên, nếu tính đủ, không biết bội chi còn cao đến mức nào, chứ không dừng ở con số 8%.

(SGTT)

ĐỌC THÊM