Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

"Bó tay" với đầu tư thép tràn lan

Hơn 32 dự án thép ngoài quy hoạch vẫn bình yên kể từ khi danh sách các dự án này đã được Bộ Công Thương nêu rõ từ năm 2008. Và nửa đầu năm nay, dẫu Chính phủ đã có chỉ thị tạm dừng cấp phép các dự án thép thì ngành thép vẫn phình to với các dự án mới tiếp tục được ra đời.

Theo kết quả rà soát thực hiện Quy hoạch ngành thép tính tới 30/8/2009 do Bộ Công Thương vừa công bố, cả nước có 65 dự án thép có công suất thiết kế từ 100.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư lên tới 41.623 tỷ đồng và 19.878 triệu USD.

Nhiều nhà máy thép chỉ hoạt động 50-60% công suất thiết kế trong khi hàng chục dự án ngoài quy hoạch ồ ạt ra đời

Cung vượt cầu 1,5 lần

Bộ này ước tính, đến năm 2015, dự kiến cả nước sẽ cần khoảng 15 triệu tấn thép, đến năm 2020, con số này sẽ là 20 triệu tấn thép. Nếu tất cả 65 dự án trên đều hoạt động đúng công suất thiết kế thì cung sẽ vượt cầu khoảng 1,5 đến 1,8 lần.

Đáng điều nói là, nguyên nhân cho cung vượt cầu này, là sự ra đời ồ ạt của hàng chục dự án thép ngoài quy hoạch.

Trong số 65 dự án thép trên, chỉ có 17 dự án thép có tên trong quy hoạch. 32 dự án thép trong số 48 dự án ngoài quy hoạch khác được địa phương cấp Giấy chứng nhận đầu tư, nhưng chưa có ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tương, hoặc chưa có ý kiến thỏa thuận của Bộ Công Thương.

Trong đó, đứng đầu về số dự án thép ngoài quy hoạch, phải kể đến tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, đã cấp phép tới 7 dự án ngoài quy hoạch, chiếm 50% số lượng dự án thép có ở tỉnh này. Hải Phòng cũng có 5 dự án ngoài quy hoạch, trên tổng số 9 dự án toàn tỉnh.

Điều đó cho thấy, những cảnh báo của Hiệp hội Thép VN về tình trạng cấp phép các dự án thép tràn lan, tùy tiện trong 3 năm qua, cũng như những văn bản nhắc nhở của Bộ Công Thương về tình trạng này có vẻ như không có tác dụng với các nhà đầu tư và địa phương.

Minh chứng cho nghịch lý này là từ đầu năm đến nay, có ít nhất thêm 2 dự án thép xây dựng đã đi vào hoạt động. Tháng 4, Cty Thép Việt Đức, tại Vĩnh Phúc, từ lĩnh vực thép ống đã lấn sân sang thép xây dựng với quy mô công suất là 350.000 tấn. Hay như tại tỉnh Thái Bình, nhà máy thép đặc biệt Shengli của nhà đầu tư Trung Quốc cũng mở thêm dây chuyền thép xây dựng công suất 300.000 tấn.

Còn nếu tính từ cuối năm 2009 đến đầu năm 2010, sau khi có nhắc nhở của Bộ Công Thương, quy mô công suất thép các loại vẫn tiếp tục tăng thêm... 1 triệu tấn.

Thừa vẫn thiếu

Dẫu cho, mỗi nhà đầu tư khi quyết định bỏ vốn cho một lĩnh vực, đều phải có tính toán riêng về đầu ra, về lợi nhuận nhưng xét ở góc độ chính sách vĩ mô, tình trạng cung bỏ cách xa cầu này thật đáng lo ngại.

Ông Hoàng Văn Tòng - Phó Tổng giám đốc Cty Gang thép Thái Nguyên chia sẻ: Khi cung lớn hơn cầu thế này, giá bao giờ cũng bị ép giảm thấp nhất để cạnh tranh. Khi đó, doanh nghiệp bán hàng không có lãi, hoặc lãi ít. Như vậy, đâu chỉ doanh nghiệp có dự án đúng trong quy hoạch, mà ngay cả doanh nghiệp ngoài quy hoạch cũng bị thiệt hại. Theo ông Tòng, cần làm đúng quy hoạch và nếu cung có vượt cầu, chỉ nên là tỷ lệ 8-9%.

Theo ông Phạm Chí Cường - chủ tịch Hiệp hội Thép VN nếu tính đến năm 2009, tổng công suất thép xây dựng cả nước đã là 7,83 triệu tấn. Nhưng tiêu thụ và sản xuất thép xây dựng cả năm 2009 chỉ có 4,1 triệu tấn. Điều này có nghĩa là, nhiều nhà máy thép chỉ hoạt động 50-60% công suất thiết kế. Đây sẽ là sự lãng phí lớn tiền vốn của nhà đầu tư.

Tương tự, năm 2009, thép cán nguội có tổng công suất là 2,5 triệu tấn nhưng sản xuất chỉ đạt 481 ngàn tấn và tiêu thụ chỉ đạt 396 ngàn tấn. So với công suất thiết kế, sản xuất và tiêu thụ chỉ bằng 1/5, các nhà máy thép cán nguội của VN chỉ chạy một phần rất nhỏ so với năng lực sản xuất.

Mặc dù, cung vượt xa cầu là thế, nhưng 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp VN vẫn phải tốn thêm 2,751 tỷ USD để nhập 4,047 triệu tấn sắt thép các loại. Con số này tăng 1,4% về lượng và tăng tới 29% về giá trị kim ngạch. Riêng năm 2009, ngành thép cũng phải nhập 12.331.598 tấn với tổng trị giá 6,348 tỷ USD.

Bởi lẽ, VN vẫn chưa sản xuất được các loại thép như thép dẹt cán nóng, thép chế tạo, thép hợp kim, thép chất lượng... và còn phải chịu cạnh tranh về giá với các loại thép cuộn giá rẻ từ thị trường Asean vào.

Chất lượng dự án: đầu voi đuôi chuột

Đóng góp cho tình trạng cung vượt cầu này, không chỉ là là “lỗi” của các địa phương cấp phép, mà ngay bộ quản lý chuyên ngành là Bộ Công Thương, cũng nới tay. Bởi lẽ, số dự án thép nằm ngoài quy hoạch, được Bộ Công Thương xin bổ sung, có ý kiến thỏa thuận, cũng tương đương số dự án thép trong quy hoạch: 16/17 dự án.

Chưa hết, có những dự án thép “tỷ đô”, tuy nằm trong quy hoạch nhưng lại yếu kém, ì ạch về tiến độ cam kết. Trong khi, người cầm trịch để quyết định số phận các dự án này là chính quyền địa phương lại nhùng nhằng, không xử lý. Đặc biệt là dự án thép của nhà đầu tư nước ngoài.

Ví dụ điển hình nhất là sự nhùng nhằng của dự án thép Cà Ná tại Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư là 9,8 tỷ USD. Từ nhiều tháng nay, chủ đầu tư Lion Group, Malaysia đã “biến mất” khỏi VN, chính quyền tỉnh cũng khó liên hệ, Tập đoàn Vinasshin đã rút chân khỏi dự án này.

Từ năm 2009, UBND tỉnh này cũng đã từng tuyên bố sẽ rút giấy phép dự án này nếu nhà đầu tư vẫn tiếp tục chậm tiến độ khởi công. Tuy nhiên, đến giờ phút này, chính quyền tỉnh vẫn lấn cấn chưa “quyết” được.

Dự án thép của Tập đoàn Tata tại Hà Tĩnh, tổng vốn dự kiến khoảng 5 tỷ USD, vào VN từ năm 2007 nhưng đến nay, tỉnh Hà Tĩnh vẫn loay hoay trong việc cấp đất cho nhà đầu tư này. Dự án thép Essar đã được TCty Thép VN mua lại, nhưng hiện vẫn chậm tiến độ 2 năm vì chưa tìm được nguồn vốn.

Bộ Công Thương cũng thừa nhận, đây là 3 dự án lớn, nhưng sẽ khó khăn trong triển khai. Tuy nhiên, xử lý tình trạng loạn đầu tư thép này nằm ở việc, các địa phương có mạnh tay rút giấy phép các dự án thép ngoài quy hoạch, chậm tiến độ, yếu kém hay không?

DDDN

ĐỌC THÊM