Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

"Bắt mạch" tài chính của Hoa Sen từ việc hàng tồn kho giảm

 Hàng tồn kho của Tập đoàn Hoa Sen (HSG-HoSE) giảm mạnh, giúp doanh nghiệp giảm áp lực chi phí tài chính bị “chôn” trong hàng tồn. Tuy nhiên, sự gia tăng các khoản phải thu cũng là tín hiệu cảnh báo với đại gia ngành thép này.

Hàng tồn kho giảm

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I năm tài chính 2020 - 2021 (năm tài chính của Hoa Sen bắt đầu từ 1/10 năm trước đến 30/9 năm sau), Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần 9.099,6 tỷ đồng, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 572 tỷ đồng, tăng 215,8% so với quý I năm trước.

Kết quả lợi nhuận quý I tăng mạnh của Hoa Sen đã tiếp nối vào nhịp tăng trưởng mà doanh nghiệp này đạt được trong năm tài chính trước đó.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, năm 2020, Hoa Sen ghi nhận tăng thị phần tôn mạ và củng cố vị thế dẫn đầu thị trường, chiếm 34%; thị phần ống thép của doanh nghiệp này đứng vị trí thứ hai, với 17%.

Với bức tranh kinh doanh hiện tại, Hoa Sen đã đặt mục tiêu sản lượng 1,8 triệu tấn cho năm tài chính 2020 - 2021, tăng 11%; doanh thu 33.000 tỷ đồng, tăng 20%; lợi nhuận sau thuế 1.500 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.

Trải qua quý đầu tiên của năm tài chính, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này có vẻ thuận buồm xuôi gió, với sự tăng tốc của lợi nhuận như trên.

Các con số tài chính của Hoa Sen cũng cho thấy, một trong những chỉ số đáng quan tâm là sự giảm mạnh hàng tồn kho. Số liệu hàng tồn kho tại thời điểm cuối quý I ghi nhận con số 4.775,4 tỷ đồng, giảm 13,5% so với đầu năm.

Động thái trên cho thấy, Hoa Sen vẫn tiếp tục điều tiết hàng tồn kho theo chiều hướng giảm dần, qua đó tiết giảm dần chi phí tài chính cho hàng tồn kho. Công ty này cho biết, bằng cách siết chặt định mức tồn kho hợp lý trong từng công đoạn sản xuất - kinh doanh, hàng tồn kho của Hoa Sen đã liên tục được kéo giảm trong 10 quý liên tiếp, kể từ quý II niên độ tài chính 2017 - 2018. Nhờ đó, Công ty đã giảm được 8.868 tỷ đồng dư nợ vay ngân hàng từ mức 17.054 tỷ đồng tại thời điểm ngày 30/9/2017, xuống còn 8.186 tỷ đồng vào ngày 30/9/2020.

“Hiệu ứng phụ” từ các khoản phải thu

Việc tăng tốc bán hàng của Hoa Sen thời gian qua là yếu tố chính giúp doanh nghiệp này đẩy mạnh doanh thu, qua đó đem về lợi nhuận cao trong cả năm tài chính trước và quý I năm nay. Tuy nhiên, “hiệu ứng phụ” của nhịp độ bán hàng tăng cao cũng bộc lộ phần nào qua việc tăng các khoản phải thu khách hàng và điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải vất vả hơn trong việc kiểm soát rủi ro thu nợ.

Với hoạt động xuất khẩu, doanh nghiệp này hoạt động gần như không nghỉ trong dịp Tết Tân Sửu vừa qua. Công ty vẫn triển khai thực hiện các lô hàng tôn mạ có giá trị lớn xuất khẩu đi Mỹ, Mexico, châu Âu, Đông Nam Á… từ các cụm cảng Phú Mỹ, Quy Nhơn, Nghi Sơn.

Ông Nguyễn Minh Phúc, Giám đốc Nhà máy Hoa Sen Nghệ An cho biết, do đặc thù công việc, nên trong thời gian mọi người nghỉ Tết, một số bộ phận, đặc biệt là các bộ phận sản xuất, cung ứng vẫn bố trí nhân sự làm việc để công tác sản xuất, xuất nhập hàng hóa trong Tết được thông suốt.

Với động thái này, Hoa Sen liên tiếp ghi nhận nhiều kỷ lục mới trong lĩnh vực xuất khẩu tôn mạ, sản lượng xuất khẩu của Tập đoàn đã vượt mốc 100.000 tấn/tháng.

Trong khi đó, ở thị trường trong nước, doanh nghiệp thép này đang đẩy mạnh phát triển chuỗi Siêu thị phân phối vật liệu xây dựng và nội thất Hoa Sen Home, với kế hoạch trong 3 - 5 năm tới sẽ nâng chuỗi siêu thị này lên 1.200 siêu thị trên toàn quốc.

Việc đẩy mạnh các hoạt động bán hàng đã được thể hiện bằng các con số doanh thu và lợi nhuận của Công ty trong thời gian gần đây, nhưng hoạt động bán hàng bước vào giai đoạn sôi động cũng có thể khiến công nợ gia tăng.

Số liệu tài chính của Hoa Sen cho thấy, các khoản phải thu ngắn hạn đang có chiều hướng tăng mạnh, đạt giá trị 2.795 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý I năm tài chính, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Lý do chính làm tăng phải thu ngắn hạn là diễn biến tăng nhanh của các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng, với mức tăng đạt tới 36,3%, giá trị tuyệt đối lên tới 2.423,8 tỷ đồng.

Hiện tại, Hoa Sen vẫn đang kiểm soát khá tốt rủi ro thu hồi công nợ khách hàng, thể hiện ở các khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi không tăng trong vòng 1 năm qua (vẫn giữa ở mức 25,7 tỷ đồng). Tuy nhiên, giá trị các khoản phải thu ngắn hạn tăng lên cũng đồng nghĩa với việc Công ty sẽ phải vất vả hơn nhiều trong việc kiểm soát các khoản nợ. Đặc biệt, khi các khoản nợ dần đến hạn, nếu không đốc thúc thu nợ kịp thời thì sẽ rất dễ gia tăng rủi ro.

 

Trong năm tài chính 2019 - 2020 (từ ngày 1/10/2019 đến ngày 30/9/2020), Hoa Sen đạt sản lượng 1.622.682 tấn, vượt 8% kế hoạch, tăng trưởng 9% so với cùng kỳ. Doanh thu trong năm tài chính này đạt 27.531 tỷ đồng, hoàn thành 98% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.153 tỷ đồng, bằng 288% kế hoạch và tăng 219% so với cùng kỳ.

Nguồn tin: Đầu tư

ĐỌC THÊM