Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Bảo vệ tốt thị trường trong nước

Sức tiêu thụ trong nước chậm, nhiều DN thép tìm đến con đường xuất khẩu nhiều gian nan và thường xuyên phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông ĐỖ DUY THÁI, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt.

PHÓNG VIÊN: - Ông có đánh giá gì trước việc các sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam liên tục vướng vào các vụ kiện phòng vệ thương mại khi xuất khẩu?

Ông ĐỖ DUY THÁI: - Kể từ năm 1994 đến năm 2013, sản phẩm thép xuất khẩu Việt Nam bị kiện 15 vụ trong số 52 vụ việc bị điều tra chống bán phá giá bởi 15 nước trên thế giới. Tính riêng trong 3 năm (2011-2013), nước ta đã phải ứng phó với 8 vụ điều tra chống bán phá giá sản phẩm về thép tại một số thị trường như Hoa Kỳ, Australia, Canada, Indonesia, Hàn Quốc…

Và con số này vẫn chưa dừng lại. Mới đây nhất, vào những ngày cuối tháng 8, Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia (MITI) đã thông báo về việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép cuộn cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam.

Trước hết phải nhìn nhận việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước đang trở thành xu hướng chung của hầu hết quốc gia trong khu vực và thế giới, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày càng mạnh mẽ. Ngay cả một nước tự do thương mại như Hoa Kỳ cũng liên tục sử dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp để bảo vệ sản xuất trong nước.

Chính vì thế các sản phẩm thép bị vướng vào các vụ kiện này cũng là điều bình thường. Thép là ngành công nghiệp cơ bản nên nhiều nước muốn bảo hộ sản xuất trong nước, thêm vào đó lại rất đa dạng về chủng loại sản phẩm, nên thép trở thành nhóm ngành vướng phải nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại nhất.

- Những sản phẩm Thép Việt xuất khẩu đã bao giờ vướng phải các vụ kiện phòng vệ thương mại chưa? Những thiệt hại đến với DN khi vướng phải những vụ kiện này như thế nào, thưa ông?

- Hiện nay DN chúng tôi vẫn chưa vướng phải một vụ kiện phòng vệ thương mại nào đối với sản phẩm xuất khẩu của mình. Bởi lẽ, với mỗi thị trường chúng tôi chỉ xuất một lượng nhỏ sản phẩm và không có chuyện tăng giá đột biến ở bất cứ thị trường nào.

Theo đánh giá của tôi, khi vướng vào các vụ kiện phòng vệ thương mại, dù chưa biết kết quả ra sao song DN chắc chắn sẽ có những thiệt hại về thời gian theo đuổi vụ kiện, tốn kém chi phí không nhỏ. Tất nhiên với những vụ việc này rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng để cùng phối hợp, trợ lực cho DN. Khi các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương Việt Nam tham gia đàm phán được ký kết, sản phẩm thép Việt Nam khi vào các nước có thể được hưởng mức thuế 0%.

Điều này cũng có nghĩa các nước sẽ sử dụng nhiều hơn “vũ khí” kiện phòng vệ thương mại theo xu hướng kiện theo chùm (kiện đồng thời nhiều nước) và kiện kép (kiện đồng thời chống bán phá giá và trợ cấp). Trước tình huống này, DN chúng tôi rất cần các cơ quan chức năng bảo vệ tốt thị trường trong nước. Bởi khi chưa đủ tiềm lực chống lại các vụ kiện liên tiếp ở nước ngoài, chúng ta nên quản lý tốt thị trường trong nước.

 

Nhà nước cần đưa ra những rào cản thương mại nhằm bảo vệ 
thị trường thép trong nước. Ảnh: LONG THANH

 

- Ông có thể nói rõ hơn điều này?

- Lý do khiến nhiều DN phải đẩy mạnh xuất khẩu chủ yếu do sức tiêu thụ trong nước còn yếu. Song nếu nhìn nhận cho đúng, các DN thép trong nước đang phải tham gia cuộc chơi không lành mạnh với thép Trung Quốc. Nếu chúng ta giải quyết được vấn đề thép nhập khẩu ồ ạt từ Trung Quốc, thị trường nội địa vẫn còn nhiều đất cho DN thép trong nước.

Theo thống kê, trong 7 tháng năm 2015, nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc đạt hơn 5 triệu tấn với trị giá 2,44 tỷ USD, chiếm 54,5% tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.

Đơn cử việc Trung Quốc gian lận thương mại trong sản phẩm thép cuộn xây dựng, dù DN trong nước và hiệp hội nhiều lần lên tiếng nhưng đến nay các cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn chưa giải quyết được vấn đề gây nhức nhối này. Đặc biệt, khi hội nhập ngày càng mở rộng, thép Việt Nam có khả năng xuất khẩu nhiều với mức thuế xuống tới 0%, các nước khác cũng vào Việt Nam với mức tương tự.

Trong khi DN Việt Nam liên tục vướng phải các vụ kiện phòng vệ thương mại, ở trong nước công cụ này lại chưa được sử dụng một cách hiệu quả. Số vụ kiện phòng vệ thương mại ở Việt Nam vẫn còn quá ít. Ở đây cần nhấn mạnh đến vai trò của các cơ quan chức năng, chúng ta buộc phải lựa chọn bảo vệ thị trường trong nước như các nước trong khu vực và thế giới hiện nay đang làm.

Ngoài ra, nên tạo điều kiện cho các DN sản xuất kinh doanh, không nên đưa ra những quy định gây khó cho DN, như việc buộc các DN phải ký quỹ 20% khi nhập khẩu phế liệu đã làm cho giá thành sản phẩm của DN trong nước cao lên, tức khó càng thêm khó.

- Xin cảm ơn ông.

Nguồn tin: Đầu tư tài chính

ĐỌC THÊM