Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Bảo vệ quyền lợi NLĐ tại Cty CP luyện thép Gia Sàng: Chính phủ vào cuộc!

 Báo Lao Động đã có các bài báo: “Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng chưa ưu tiên giải quyết quyền lợi cho NLĐ”, “Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng cần một cái kết có hậu”, “Ưu tiên trả các khoản nợ cho NLĐ” và “Tổng LĐLĐVN: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ NLĐ ở Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng”. Và mới đây, Văn phòng Chính phủ chính thức có công văn hỏa tốc truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình gửi các ngành chức năng yêu cầu xử lý vấn đề này.

Quyền lợi của người lao động chưa được quan tâm

Cty Cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng (GSS) tiền thân là Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng Thái Nguyên trực thuộc Cty Gang thép Thái Nguyên được cổ phần hóa năm 2007 với tổng số lao động khi đó khoảng trên 1.000 người. Do quá trình sản xuất kinh doanh bị thua lỗ, có nguy cơ phá sản nên quyền lợi của người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tháng 6.2016, ban lãnh đạo GSS đã phối hợp với các cơ quan hữu quan đưa ra nhiều giải pháp phục hồi sản xuất. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh Thái Nguyên, GSS đã có nhà đầu tư để khôi phục sản xuất là Cty Cổ phần thương mại Thái Hưng và đã có nguồn tài chính khoảng 57 tỉ đồng từ việc bán đấu giá tài sản. Tuy nhiên, quyền lợi của NLĐ tại đây có nguy cơ không được xem xét, giải quyết vì GSS đang nợ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - chi nhánh Thái Nguyên với khoản nợ gốc và lãi lên tới gần 57 tỉ đồng.

Trước tình huống nêu trên, thực hiện văn bản của UBND Thái Nguyên về việc tham mưu trả lời đơn của đại diện tập thể NLĐ tại GSS và Báo Lao Động, ngày 29.8.2016, Sở LĐTBXH tỉnh Thái Nguyên đã chủ trì buổi làm việc với tập thể NLĐ tại GSS với sự tham gia của các ngành chức năng. Tại buổi làm việc, đại diện Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - chi nhánh Thái Nguyên đã cam kết cắt giảm lãi suất để cho GSS giải quyết quyền lợi của NLĐ.

Cụ thể, ngân hàng sẽ thu hồi 38 tỉ đồng (gồm nợ gốc là trên 33 tỉ đồng và 5 tỉ tiền lãi). Số 17 tỉ đồng tiền lãi còn lại, trước mắt sẽ để lại khoản tiền lãi hơn 9 tỉ đồng (thuộc thẩm quyền) để giải quyết ngay cho quyền lợi NLĐ; khoản tiền lãi hơn 8 tỉ đồng còn lại đang chờ cấp trên phê duyệt và sẽ trao lại cho GSS khi có ý kiến của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam.

Tuy nhiên, với tình hình của GSS trong thời điểm hiện tại, khoản tiền còn lại sau khi chi trả khoản nợ cho phía Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam là quá ít ỏi so với khoản nợ hơn 41 tỉ đồng của NLĐ trong Cty. Chính vì lẽ đó, NLĐ trong Cty lại tiếp tục kêu cứu tới các cấp có thẩm quyền với mong muốn trước mắt chi trả phần nợ gốc 33 tỉ cho phía ngân hàng, tạm thời khoanh lãi để thanh toán sau; khoanh nợ BHXH để Cty có thêm tiền chi trả khoản nợ cho NLĐ.

Chính Phủ đã lên tiếng

Đứng trước tình hình quyền lợi của người lao động bị xem nhẹ, Công đoàn Công Thương Việt Nam (có công văn số 55 ngày 23.02.2017), Tổng LĐLĐVN (có công văn số 257 trình Thủ tướng Chính phủ vào ngày 3.3.2017), UBND tỉnh Thái Nguyên (có công văn 508 ngày 17.02.2017) đều mong muốn giải quyết quyền lợi chính đáng của NLĐ ở GSS theo hướng: “Chỉ chi trả phần nợ gốc cho ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Thái Nguyên”.
Tại cuộc họp liên ngành ngày 22.3.2017, đại diện của LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị cơ quan BHXH tỉnh tìm ra giải pháp khác có lợi cho NLĐ chứ không phải trừ lùi như quan điểm của BHXH hiện nay, bởi điều này sẽ gây thiệt thòi cho NLĐ mới tham gia BHXH; đồng thời đề nghị phía Ngân hàng TMCP Công thương - chi nhánh Thái Nguyên và cơ quan Thi hành án xem xét để nhanh chóng giải tỏa khoản tiền đang nằm trong tài khoản phong tỏa của cơ quan thi hành án càng sớm càng tốt.

Sau khi nhận được văn bản số 233/GSS ngày 14.4.2017 gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị hỗ trợ Cty trong việc giải quyết quyền lợi cho NLĐ. Bằng công văn số 4953, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo gửi Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ LĐTB&XH, BHXH Việt Nam, UBND tỉnh Thái Nguyên và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, trong đó yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, báo cáo kết quả thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 5129 ngày 6.7.2015 và số 354 ngày 15.01.2015 của Văn phòng Chính phủ và đề xuất việc giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10.6.2017. Báo Lao Động sẽ theo dõi và tiếp tục đưa tin về việc bảo vệ quyền lợi của NLĐ tại GSS.

Nguồn tin: Lao động

ĐỌC THÊM