Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Bản tin thị trường tiền tệ ngày 14/3

Kim loại vàng vẫn giữ được xu hướng tăng chủ đạo sau trận động đất kinh hoàng ở Nhật Bản kèm theo sóng thần, cùng với thảm họa hạt nhân tại Fukushima diễn ra vào cuối tuần. Ngoài ra, mối quan ngại khủng hoảng nợ đang diễn ra tại Châu Âu vẫn là một trong những sự hỗ trợ lớn đối với sức tăng nhu cầu vàng như tài sản an toàn.

VAI TRÒ ĐỒNG TIỀN AN TOÀN CỦA USD SUY YẾU

Ở phiên giao dịch cuối tuần qua, các nhà đầu tư đã đón nhận các thông tin trái chiều phát đi từ Mỹ, như doanh số bán lẻ bất ngờ tăng lên 1.0% vượt kỳ vọng 0.8% của thị trường, báo cáo khảo sát ước tính niềm tin tiêu dùng lại chỉ đạt 68.2 điểm so với kỳ vọng là 77.0 điểm. Tuy nhiên, áp lực giảm giá không thực sự đến từ các báo cáo kể trên, mà từ kết quả cuộc họp các nước trong khu vực đồng tiền chung đã kết thúc với nhiều phát biểu và hứa hẹn tiến bộ trong việc đấu tranh lại cuộc khủng hoảng nợ tại đây. Điều này đã hỗ trợ đồng tiền chung tăng mạnh gây sức ép lên đồng bạc xanh. Kết thúc ngày cuối tuần chỉ số USD – Index giảm từ 77.29 điểm xuống 76.72 điểm. Tuy đã giảm mạnh ở ngày thứ Sáu, nhưng nhìn chung đồng bạc xanh đã tăng nhẹ từ 76.41 điểm lên 76.72 điểm so với một tuần trước đó.

Mặc dù đồng bạc xanh đã giảm giá trong ngày cuối tuần do chịu nhiều tác động từ ngoại vi thì thị trường chứng khoán Mỹ lại tăng điểm mạnh do các báo cáo bán lẻ đạt kết quả tăng trưởng vượt kỳ vọng. Tuy nhiên, xét cả tuần thì các chỉ số chứng khoán quan trọng tại Mỹ đều giảm mạnh, như chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 125.88 điểm (1.04%) xuống 11,984.60 điểm, chỉ số S&P 500 hạ 16.87 điểm (1.29%) xuống 1,304.28 điểm, chỉ số Nasdaq hạ 69.06 điểm (2.54%) xuống 2,7867.02 điểm.

ĐỒNG TIỀN CHUNG TĂNG MẠNH Ở PHIÊN CUỐI TUẦN SAU CUỘC HỌP EU

Trong phiên giao dịch hôm thứ Sáu, cuộc họp của các thành viên trong khối EU đã kết thúc với quyết định nới rộng mức quỹ hỗ trợ EFSF. Trước khi quyết định này được thống nhất, quỹ EFSF vẫn có tổng giá trị lên đến 440 triệu EUR tuy nhiên, các nước thành viên cần viện trợ chỉ thật sự tiếp cận được 250 triệu EUR trong quỹ này với mức lãi suất thấp; đến cuối ngày hôm thứ Sáu, con số này đã được nâng lên 440 triệu EUR. Kết hợp với quyết định này, lãnh đạo các nước hứa hẹn sẽ tiến hành gắt gao hơn những hoạt động nhằm đảm bảo sự bình ổn trong khu vực và đồng ý giảm lãi suất đối với các khoản vay của Hy Lạp. Sau khi cuộc họp kết thúc các nhà đầu tư dường như tỏ ra hài lòng với các hành động và phát biểu như trên, hỗ trợ đồng tiền chung tăng mạnh. Đóng cửa ngày chỉ số EUR – Index tăng từ 108.64 điểm lên 109.04 điểm, riêng cặp tỷ giá EUR/USD từ $1.3800 đã tăng lên $1.3900.

VAI TRÒ TÀI SẢN AN TOÀN HỖ TRỢ VÀNG TĂNG MẠNH

Vàng tăng giá mạnh trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần sau khi đạt đến hỗ trợ 1415 USD/oz. Liên tiếp những tin tức bất ổn trên khắp thế giới đẩy vàng tăng mạnh với vai trò là tài sản an toàn trong phiên giao dịch New York cuối tuần và trong sáng nay. Làn sóng biểu tình tại Lybia chưa có dấu hiệu lắng dịu, tình hình biểu tình tại Arap Saudi vẫn đang “nóng lên”, trong khi đó Nhật Bản phải chịu đựng thảm họa lớn nhất trong lịch sử vừa động đất, sóng thần và nổ lò phản ứng hạt nhân liên tiếp.

DỰ BÁO THỊ TRƯỜNG HÔM NAY

Sau khi ngân hàng trung ương Châu Âu có quyết định duy trì lãi suất ở mức 1% trong tuần lễ đầu tháng 3, và ngân hàng trung ương Anh quốc giữ nguyên mức lãi suất ở 0.5% trong tuần trước, đến tuần lễ thứ 3 tháng này, hàng loạt các ngân hàng trung ương các quốc gia phát hành các đồng tiền có sức ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới như Đô la Mỹ, đô la Úc và đồng Franc Thụy Sĩ cũng có quyết định lãi suất với dự đoán nghiêng về quan điểm duy trì mức lãi suất lần lượt 0.25%, 4.75% và 0.25%. Với những thông tin quan trọng như trên, dự đoán thị trường tiền tệ trong tuần sẽ rất sôi động trong từng phiên với các quyết định lãi suất của đồng tiền tương ứng được đưa ra.

Phiên giao dịch hôm nay có khá nhiều thông tin thú vị tại Châu Âu như công bố sản lượng công nghiệp tháng 2, chủ tịch ngân hàng Bundesbank - ngài Weber Axel có buổi nói chuyện tại Berlin và nhiều thông tin khá thú vị khác có sức ảnh hưởng trên thị trường ngoại hối.

Tại Châu Âu, Sản lượng công nghiệp, sự thay đổi trong giá trị của sản lượng đầu ra sản xuất bởi các nhà sản xuất sẽ được công bố. Đây là chỉ báo hàng đầu đo lường sức khỏe nền kinh tế - sự tác động nhanh chóng của lĩnh vực sản xuất sẽ dẫn đến chu kỳ kinh tế tăng hoặc giảm và có mức tương quan đến các điều kiện tiêu dùng như tỷ lệ người có việc làm và mức thu nhập bình quân. Chỉ báo này được dự báo tăng lên 0.4%, so với mức 0.3% trong tháng 1 vừa qua.

Tại Canada, tỷ lệ sử dụng công nghiệp quý 4 năm 2010, được dự báo tăng lên 79.1%, chỉ báo này đo lường tỷ lệ % sử dụng nguồn của những nhà sản xuất, nhà xây dựng, những nhà hoạt động trong lĩnh vực hóa dầu. Đây là chỉ báo tiêu chuẩn đo lường tỷ lệ lạm phát – khi nhà sản xuất tiến đến mức tỷ lệ sử dụng biên khả năng sản xuất, họ sẽ phản ứng bằng cách tăng giá hàng sản xuất được, và mức chỉ phí cao hơn thường được đẩy cho người tiêu dùng.

Tuần lễ trước chứng kiến sự thăng trầm khá nhiều của vàng khi kim loại này thiết lập đỉnh cao mới qua mọi thời đại với mức giao dịch $1,444.70/ounce và sau đó nhanh chóng giảm mạnh về mức tiệm cận $1,402/oz vào thời điểm cuối tuần trước khi đóng cửa ở mức $1,417/oz (thấp hơn mức $1,431/oz lập được vào năm 2010).

Tuần lễ này, kim loại vàng vẫn giữ được xu hướng tăng chủ đạo sau trận động đất kinh hoàng ở Nhật Bản kèm theo sóng thần, cùng với thảm họa hạt nhân tại Fukushima diễn ra vào cuối tuần. Ngoài ra, mối quan ngại khủng hoảng nợ đang diễn ra tại Châu Âu vẫn là một trong những sự hỗ trợ lớn đối với sức tăng nhu cầu vàng như tài sản an toàn.

Nguồn: Giavang.net