Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ảm đạm ngành thép

- Thực trạng giá thép dù đã giảm rất nhiều nhưng tiêu thụ vẫn rất chậm. Hiệp hội Thép tiếp tục kiến nghị Chính phủ tăng thuế nhập khẩu thép để cứu ngành sản xuất trong nước…

Hai năm liên tiếp 2007 - 2008, ngành thép thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn của nước ngoài với những dự án lên tới hàng tỷ USD như dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê ở Hà Tĩnh, dự án thép Cà Ná ở Ninh Thuận... Tuy nhiên, hiện ngành thép rơi vào tình trạng khó khăn chồng chất.

Dự án lớn: không phải cứ nhiều tiền là được

Trước hết, cũng cần ghi nhận sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án lớn về thép mà nếu thành công, có thể thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của ngành thép. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là chúng ta đã lựa chọn đúng nhà đầu tư hay chưa?

Theo khảo sát của các chuyên gia ngành thép trong nước và quốc tế, những tập đoàn đầu tư vào ngành thép ở nước ta thực tế không phải là những nhà luyện kim có uy tín và kinh nghiệm trên thế giới, thậm chí có tập đoàn không chứng minh được năng lực tài chính hùng mạnh. Theo phân tích của các chuyên gia luyện kim, để có thể hoàn thành các dự án luyện thép quy mô cỡ liên hợp thì không phải chỉ nhiều tiền là được. Các nhà đầu tư cần xác định được công nghệ phải đầu tư, phương án đầu tư, giải pháp quản lý hiệu quả và cả sự an toàn về môi trường trong quá trình sản xuất.

Với những yêu cầu như vậy, các tập đoàn luyện kim có uy tín có thể giải quyết một cách nhanh chóng, hiệu quả, còn doanh nghiệp không chuyên nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Đó là chưa kể, việc đầu tư những khu liên hợp thép nhiều triệu USD có phần đi ngược lại xu thế chung của thế giới đang ít dần những dự án đầu tư mới khu liên hợp thép quy mô lớn, có giá trị đầu tư từ 15 triệu USD trở lên.

Cũng có những ý kiến cho rằng, thu hút được đầu tư với số vốn lớn là tốt, còn hiệu quả đầu tư ra sao nhà đầu tư tự chịu. Nhưng cách nghĩ “đánh trống bỏ dùi” này không thể coi là tốt, vì nếu đầu tư không thành công, chính quyền và nhân dân địa phương, đặc biệt là môi trường sinh thái đất nước, sẽ chịu thiệt hại nặng nề. Chưa biết hiệu quả đầu tư sẽ ra sao, nhưng trước mắt, sự xuất hiện của 2 dự án lớn đầu tư khu liên hợp thép đang tạo nên một sức ép rất lớn đối với các doanh nghiệp trong nước.

Theo Hiệp hội Thép, hiện nước ta đang phải nhập khẩu 3,5 triệu tấn thép tấm/năm. Dự tính đến năm 2010, nước ta sẽ cần khoảng 10 triệu tấn thép các loại, tới 2015 là 15 triệu tấn và tới 2020 là 20 triệu tấn/năm. Nhu cầu này đủ điều kiện cho việc sản xuất thép quy mô cỡ liên hiệp, nhưng việc bùng nổ đầu tư các dự án thép cũng đang báo hiệu sự dư thừa công suất lớn. Theo tính toán, với 4 dự án lớn nhất hiện nay thì đến 2015 sản xuất thép đã có công suất trên 15 triệu tấn, đấy là chưa kể công suất thép cả nước hiện tại có 6 triệu tấn.

Cứu đến bao giờ?

Trong khi đó, năm nay thị trường thép cũng bộc lộ những diễn biến bất thường. Từ thực tế ngành thép thêm một lần nữa khẳng định: các ngành công nghiệp của ta đều hoạt động manh mún, tự phát, thiếu hẳn quy hoạch. Điều này có thể thấy rõ qua công tác dự báo thị trường của các doanh nghiệp thép đi chệch hướng ngay từ đầu năm nên mới có chuyện phôi thép nhập ồ ạt rồi phải xuất khẩu lỗ. Tiếp đó là tình trạng sốt giá thép đột biến do các doanh nghiệp không kiểm soát được mạng lưới phân phối của mình. Còn bây giờ là thực trạng giá thép dù đã giảm rất nhiều nhưng tiêu thụ vẫn rất chậm, và Hiệp hội Thép tiếp tục kiến nghị Chính phủ tăng thuế nhập khẩu thép để cứu ngành sản xuất trong nước…

Cứu sản xuất trong nước là điều nên làm, nhưng liệu ngành thép đã làm được phần việc hỗ trợ Chính phủ bình ổn giá trong những tháng đầu năm chưa, khi thép nằm trong diện mặt hàng bình ổn giá, mà giá bán có thời điểm lên tới 21.000 đồng/kg, trong khi giá xuất xưởng của doanh nghiệp chỉ 17.000 - 18.000 đồng/kg? Đó là chưa kể, từ lâu nay, mỗi khi có biến động trên thị trường, các doanh nghiệp thép lại làm đơn kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn bằng tăng thuế, còn khi buôn bán thuận lợi thì các doanh nghiệp lại thả nổi cho nhà kinh doanh quyết định giá thép. Vậy mới có chuyện, giá công bố 17.000 đồng/kg nhưng giá thực tế người tiêu dùng phải mua là 21.000 đồng/kg.

Nước ta đã hội nhập kinh tế quốc tế, liệu những cách “cầu cứu” thụ động kiểu “quý tử” như vậy có còn phù hợp không? Và bầu sữa ngân sách và cách quản lý bao cấp của Nhà nước có còn phù hợp trong cơ chế thị trường?

Ở thời điểm hiện tại, ngành thép đang đứng trong một thị trường ảm đạm. Sự ảm đạm ấy không hẳn chỉ diễn ra với riêng ngành thép, mà còn do ảnh hưởng chung của giảm phát toàn bộ nền kinh tế. Nhưng đây cũng là một dịp để sàng lọc, thẩm tra năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thép, khi bước tới một thị trường ngày càng rộng mở và nhiều thách thức./.
 
(VOV)

ĐỌC THÊM