Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ai quyết định đầu ra cho thép?

“Năng lực sản xuất thép cuối năm nay dư thừa 30% nhu cầu thì thị phần của doanh nghiệp sẽ ra sao à? Chúng tôi sẽ lấy của các doanh nghiệp khác, nếu họ không tích cực đầu tư vào sản xuất và lơ là việc xây dựng hệ thống phân phối chu đáo”, lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất thép ngoài hệ thống Tổng công ty Thép Việt Nam (VN Steel) tự tin nói trong một cuộc trò chuyện gần đây với TBKTSG.

Doanh nghiệp của ông cũng như một số doanh nghiệp sản xuất thép lớn khác một mặt vừa quyết định đầu tư, mở rộng thêm một nhà máy luyện phôi và hai nhà máy cán thép khác, một mặt luôn tích cực đầu tư vào hệ thống phân phối để duy trì và tìm lối ra cho thị trường khi các nhà máy mới bắt đầu đi vào sản xuất trong vài năm tới.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho rằng việc giành giật nhau thị trường trong nước sẽ diễn ra quyết liệt trong thời gian tới, khi mà ngay từ cuối năm nay, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp đã có thể đạt mức 7,1 triệu tấn, gần gấp đôi năng lực hiện có, trong khi nhu cầu tiêu thụ của thị trường chỉ chừng 4,6 triệu tấn (tính về thép xây dựng) các loại.

Đến năm 2011, công suất của các nhà máy thép ở Việt Nam có thể cán mức 11 triệu tấn, tăng 56% so với công suất cuối năm 2009 trong khi nhu cầu dự tính mỗi năm chỉ có thể tăng thêm trung bình 15%. Việc trông chờ vào xuất khẩu cũng khó khả thi vì tính đến hết tháng 8, chỉ có 2,4% tổng lượng thép tiêu thụ được dành cho xuất khẩu.

Vị trí đặt quảng cáo

Vậy lời giải cho thị trường trong nước sẽ được nhiều doanh nghiệp dự tính thế nào? Theo ý ông Cường, chỉ có thể khuyến cáo chứ không ngăn cấm trực tiếp việc các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất thép, bất kể công suất đến cuối năm đã dư thừa 30% và những năm tới, khả năng dư thừa thép xây dựng là rất đáng lo ngại.

Ông ước tính rằng các doanh nghiệp sẽ căn cứ vào nhu cầu thị trường từng thời điểm, từng giai đoạn để đẩy mạnh hay cắt giảm công suất và tất yếu sẽ có kết quả là doanh nghiệp nào thương hiệu mạnh, làm tốt khâu phân phối, tiêu thụ thì vẫn bán được hàng và việc mở rộng công suất vẫn khả thi. Ngược lại, những doanh nghiệp nhỏ, yếu thì có thể lâm vào cảnh sản xuất gián đoạn như đã từng xảy ra cùng thời điểm này năm ngoái và thậm chí có doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản, theo quy luật đào thải của thị trường.

Lãnh đạo một doanh nghiệp thép có thị phần dẫn đầu ở miền Bắc nói với TBKTSG rằng việc công suất dư thừa so với nhu cầu, ở một khía cạnh nào đó là sự phát triển đương nhiên, nó chứng tỏ sức lớn mạnh của ngành thép, hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào nước ngoài. “Nếu cung thấp hơn cầu hoặc nguồn cung không chủ động được thì giá thép sẽ biến động rất lớn, giá cao, ảnh hưởng đến thị trường”.

Theo ông, việc nguồn cung dư thừa không phải là lỗi của các doanh nghiệp bởi thực tế, phải xem xét ở khía cạnh doanh nghiệp, cung nhiều thì giải bài toán kinh doanh sẽ mỗi ngày một khó khăn hơn. Song đã tham gia thương trường, họ buộc phải chấp nhận và tính toán.

Nhưng không phải vì thế mà các cơ quan quản lý hoàn toàn có thể đứng ngoài cuộc xem các doanh nghiệp cạnh tranh hoặc đưa ra vài khuyến cáo hay các mệnh lệnh mang tính hành chính, trong khi thị trường hầu như quyết định yếu tố sống còn của ngành này.

Vẫn theo vị lãnh đạo doanh nghiệp thép phía Bắc, thực tế đã đến lúc cơ quan quản lý phải xem xét việc dư thừa trong ngành thép ở nhóm các mặt hàng nào, chứ không thể nói thừa thép chung chung. Bởi ngoại trừ nhóm mặt hàng thép xây dựng thông thường đã đứng trước thực tế dư thừa và thép cuộn cán nguội dự báo cũng có thể dư thừa trong vài năm tới thì các mặt hàng khác như thép cuộn cán nóng, thép chế tạo, thép hình mà Việt Nam phải nhập khẩu 100% từ nước ngoài vẫn còn phải nhập khẩu lâu dài.

Lý do các doanh nghiệp vẫn không chọn để đầu tư do thị trường rất nhỏ, vốn đầu tư lại lớn và đòi hỏi công nghệ rất cao, tính ra lợi nhuận không thể nhanh và nhiều như thị trường thép xây dựng.

Có hai cái khó hiện nay mà các doanh nghiệp thép thấy bị động, khiến họ không thể tính toán hết bài toán kinh doanh của mình cho tương lai là việc thiếu thông tin và thiếu sự kiểm soát chặt của Nhà nước trong việc cấp và kiểm tra doanh nghiệp thực hiện đúng giấy phép đầu tư hay không.

Hai yếu tố này, nếu không được xử lý tốt sẽ dẫn thị trường đến nhiều biến động khác nhau. Ví dụ, do quản lý phân cấp ở các địa phương, VSA đã không hề biết chuyện một công ty TNHH 100% vốn Trung Quốc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thép (đặc biệt) tại Thái Bình cho đến hai tháng trước ngày ra đời sản phẩm khi họ xin gia nhập hiệp hội.

Và thực tế, doanh nghiệp này gia nhập thị trường qua việc đầu tư sản xuất dây chuyền 600.000 tấn phôi và 700.000 tấn thép xây dựng/năm. Và cũng chẳng có văn bản nào của Nhà nước hay bộ, ngành quy định sản xuất thép đặc biệt là loại gì nên khó lòng kiểm soát đầu ra.

Hoặc các doanh nghiệp thép vẫn tiếp tục xin đầu tư vào các phân khúc thị trường như thép cán nguội, thép cuộn cán nóng, có thể đón đầu cho tương lai thuận lợi hơn phân khúc thép xây dựng thông thường. Nhưng đã có cơ quan quản lý nào tính đến việc kiểm soát chặt chẽ quá trình thực hiện đầu tư, để đầu ra thị trường đúng như nội dung cấp phép. Bởi nếu không kiểm soát được chuyện này, thì bài toán cạnh tranh đúng nghĩa trên thị trường không thể chỉ do các doanh nghiệp quyết định được.

(TBKTSG)

ĐỌC THÊM