Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Xử lý nguy cơ lệch cán cân cung – cầu thép

Với 32 dự án thép nằm ngoài quy hoạch, nguy cơ mất cân đối cung – cầu về thép càng lộ rõ, đòi hỏi các cơ quan chức năng quyết liệt xử lý hơn nữa.

 

Nếu các dự án thực hiện theo đúng công suất thiết kế thì nguồn cung sẽ gấp đôi nhu cầu tiêu thụ-Ảnh Chinhphu.vn

Theo kết quả đánh giá, rà soát việc thực hiện quy hoạch ngành thép của Bộ Công Thương (BCT), hiện có 74 dự án sản xuất gang, thép thành phẩm có công suất thiết kế từ 100.000 tấn/năm trở lên. Ngoài ra, còn một số nhà máy sản xuất thép do Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) quản lý.  

 

Nguy cơ cung vượt gần gấp đôi cầu

Kể từ khi có Quy hoạch thép đến nay, tổng số dự án có công suất thiết kế từ 100.000 tấn/năm trở lên là 65 dự án; trong đó có 58 dự án trong nước, liên doanh và 7 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 41.623 tỷ đồng VN và 19.878 triệu USD.

Tính đến năm 2009, ngành thép đã đáp ứng khoảng 54% nhu cầu về phôi thép vuông, 40% thép cán nguội, 100% thép cán xây dựng, góp phần đảm bảo bình ổn nhu cầu sản xuất và tiêu thụ.

Dự kiến, đến năm 2015 nước ta cần khoảng 15 triệu tấn thép, tới 2020 là 20 triệu tấn. Nếu các dự án thực hiện theo đúng công suất thiết kế (35,29 triệu tấn/năm) thì cung sẽ vượt cầu khoảng 1,5-1,8 lần (đặc biệt là thép tấm, lá).

Hiện nay, 3 dự án sản xuất thép tấm cán nóng có trong quy hoạch (gồm Dự án Nhà máy thép liên hợp Hà Tĩnh; Dự án Khu liên hợp Cà Ná – Ninh Thuận và Dự án Nhà máy thép tấm cán nóng Bà Rịa – Vũng Tàu) nhưng khả năng tiếp tục triển khai đang gặp rất nhiều khó khăn. Trường hợp 3 dự án này không tiếp tục triển khai được thì sản lượng thép đạt khoảng 26 triệu tấn/năm. Như vậy, cung vẫn vượt 1,2-1,3 lần so với cầu.

Cần xử lý dứt điểm

Theo  báo cáo rà soát của các địa phương do BCT yêu cầu, tính đến 30/8/2009, có 65 dự án sản xuất gang, thép có công suất từ 100.000 tấn/năm trở lên đã đi vào sản xuất, đang triển khai đầu tư hoặc chuẩn bị đầu tư.

Trong đó, 17 dự án đã có trong quy hoạch, 16 dự án đã có ý kiến thoả thuận của BCT (trong đó có 6 dự án lớn đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư); 32 dự án đã được các địa phương cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa có ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ hoặc ý kiến thoả thuận của BCT.

Thời gian qua, BCT đã tiến hành tổng hợp kết quả rà soát các dự án sản xuất thép trên địa bàn cả nước. BCT đã ban hành văn bản số 8017/BCT-CNNg quy định về đầu tư các dự án sản xuất thép, thực hiện công tác bình ổn giá thép, kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận đầu tư của một số dự án đầu tư tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Theo đó, đối với các dự án chưa có trong quy hoạch, chủ đầu tư phải báo cáo BCT để xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung vào quy hoạch trước khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình

Thực tế thời gian qua, UBND các địa phương, Ban Quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp đã có nhiều hoạt động phối hợp với BCT trong việc quản lý và cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án sản xuất thép.

Tuy nhiên, đến nay việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư các dự án không triển khai hoặc không có khả năng thực hiện theo tiến độ đã cam kết và không có lý do chính đáng, chưa được giải quyết dứt điểm theo quy định của Luật Đầu tư. Mặt khác, công tác rà soát các dự án thép tại địa phương còn chậm và chưa báo cáo đầy đủ các nội dung.

BCT khẳng định, việc các địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án chưa có trong Quy hoạch ngành (với quy mô từ 300 tỷ đồng trở lên) mà không lấy ý kiến thoả thuận BCT và ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (đối với các dự án có quy mô từ 1.500 tỷ đồng trở lên) là vi phạm quy định về đầu tư và cần phải được chấn chỉnh.

Được biết, để xử lý dứt điểm tình trạng cấp phép ngoài quy hoạch, BCT đang xây dựng Đề án “Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối mặt hàng thép giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2025”. Theo kế hoạch, Đề án này sẽ được hoàn thành vào tháng 9/2010.

Đồng thời, BCT sẽ tiếp tục đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, Ban Quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp tăng cường phối hợp trong việc quản lý các dự án đầu tư sản xuất thép, góp phần phát triển ngành công nghiệp thép Việt Nam.

 (Chinhphu.vn)  

ĐỌC THÊM