Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Xây dựng thương hiệu

G7 - một thương hiệu Việt nổi tiếng - Ảnh: Ngọc Thắng

Diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, Diễn đàn thương hiệu quốc gia 2009 hôm qua 20.4 tại Hà Nội đã chọn chủ đề khá thiết thực: "Thương hiệu quốc gia trong việc thúc đẩy xuất khẩu và phát triển thị trường nội địa".
Đại diện của Hội đồng Thương hiệu quốc gia cho biết: mục tiêu chương trình nhằm xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ phong phú, chất lượng cao để thúc đẩy xuất khẩu, nhất là nâng cao tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến, có giá trị gia tăng cao; tăng cường năng lực của hệ thống phân phối và khả năng nhận biết hàng hóa lưu thông, dịch vụ trong nước nhằm phát triển bền vững thị trường nội địa, làm "hậu phương" cho công cuộc phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Duy Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty Bình Tiên, đặt vấn đề: Trong bối cảnh kinh tế chung toàn cầu và Việt Nam khó khăn, mấu chốt của vấn đề là cách điều hành, quản lý và xây dựng một hình ảnh thương hiệu như thế nào. Với Công ty Bình Tiên, thị trường trong nước vẫn là trọng điểm, là số 1, làm cơ sở, bàn đạp cho công ty, để chứng minh với các đối tác bên ngoài cái có giá trị thực chất nhất.

Thực ra một công ty có chiến lược thì đã có ý thức vừa phát triển thị trường nội địa vừa phát triển thị trường xuất khẩu, xây dựng quảng bá thương hiệu ra nước ngoài, đồng thời giữ cho tốt, phát triển tốt thị trường trong nước, hệ thống phân phối, xây dựng những sản phẩm phù hợp cho thị trường trong nước, chứ không phải đợi đến khi khủng hoảng mới nhìn ra là thị trường trong nước là quan trọng.

 
(Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, Công ty Cowan Việt Nam)

 

Dẫn kinh nghiệm phát triển thành công của mình, bà Nguyễn Thị Điền, Tổng giám đốc Công ty An Phước, kể: "Thị trường nội địa ở những thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội người tiêu dùng vẫn có tâm lý chuộng các thương hiệu ngoại. Năm 1997 dựa vào năng lực của mình công ty đã mạnh dạn mua giấy phép, chứ không phải mua nhượng quyền của Tập đoàn Pierre Cardin để khai thác thị trường Việt Nam. Sự khác biệt này thể hiện ở chỗ: giấy phép cho công ty mở rộng sự "sáng tạo bản địa" cộng hưởng với kỹ thuật cao chuẩn xác của Pierre Cardin. Từ đó, thương hiệu An Phước đã có khả năng chiếm lĩnh tâm trí tầng lớp khách hàng chuộng hàng ngoại, đồng thời với việc nâng tầm sản phẩm quốc gia, tức là các sản phẩm An Phước làm ra: dù là nhãn An Phước hay Pierre Cardin nhưng rõ ràng là made in Việt Nam".
Theo ông Võ Văn Quang, chuyên gia thương hiệu của Cowan Việt Nam, khi thị trường đang đi xuống thì đây là thời điểm doanh nghiệp có thể tập trung vào đào tạo cho chính mình. "Vì đây là thời điểm chúng ta có thời gian tỉnh táo để nhìn lại mình, việc tốt nhất chúng ta có thể làm là đào tạo đội ngũ chuyên nghiệp. Xây dựng chiến lược và đào tạo là những việc phải làm", ông Quang nói. Chuyên gia này gợi ý thêm: "Một việc nữa là thiết kế bộ mặt thương hiệu của mình. Lâu nay trong nhiều năm phát triển, chúng ta nắm bắt thị trường, phát triển rất vội vàng, luôn tiến về phía trước, nhưng bộ mặt của chúng ta chưa được thiết kế một cách chuyên nghiệp. Chúng tôi, ý muốn nói hệ thống nhận diện sản phẩm từ logo công ty tới bao bì sản phẩm, giao diện thương hiệu giữa công ty với thị trường là cái chúng ta có thể  phân tích lại chiến lược, làm lại bộ mặt, định nghĩa lại hình ảnh thương hiệu của mình”.

(Tuổi Trẻ)