Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Việt Nam có trở thành nước đứng đầu Đông Nam Á?

 
Đã không có câu trả lời dứt khóat cho câu hỏi được nhiều người quan tâm: “Liệu Việt Nam có trở thành quốc gia đứng đầu Đông Nam Á?” Đây là đề tài thảo luận được đặt ra tại hội nghị quốc tế của Asia Society, một tổ chức phi chính phủ nghiên cứu về châu Á hàng đầu có trụ sở chính tại Mỹ. Hội nghị này diễn ra tại TP.HCM tuần vừa qua.
Có những lý do chính đáng để đặt ra câu hỏi trên. Việt Nam đã đi những bước dài sau 20 năm đổi mới. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người đã đạt mức trên 1.000 đô la Mỹ. Việt Nam đã trở thành thành viên WTO và nắm ghế thành viên không thường trực hội đồng bảo an Liên hiệp quốc. Trong khi những nước Đông Nam Á khác như Malaysia, Thái Lan đối mặt với những cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế riêng của họ, Việt Nam dường như vẫn đang trong đà phát triển kinh tế khiến láng giềng tò mò về khả năng xác lập vị thế mới của chúng ta. Không chỉ cộng đồng quốc tế, chính những công dân Việt Nam cũng muốn biết mình đang chọn hướng đi nào.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế mà hầu hết những diễn giả có tên tuổi đều cho rằng “chưa biết đáy ở đâu,” thì bức tranh Việt Nam được chính phủ trình bày này được nhiều người nhận xét rằng nhiều lạc quan và “màu hồng.” Nếu chỉ nghe phần trình bày mở đầu của ông thứ trưởng bộ Kế họach đầu tư Cao Viết Sinh và phó chủ tịch Asia Society, ông Ronnie C. Chan, thì có thể nói Việt Nam sẽ vượt lên khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay không trầy sướt. Ông Ronnie Chan, một ông trùm bất động sản ở Hong Kông, ca ngợi việc Việt Nam thu hút hơn 60 tỉ USD vốn đầu tư nước ngòai trong năm 2008. Có lẽ không ai giải thích cho ông Chan rằng đây chỉ là số vốn cam kết trên giấy phép đầu tư. Ông cũng tán dương khả năng kiềm chế lạm phát của chính phủ cũng như các biện pháp “kích cầu” như miễn thuế, ưu đãi lãi suất… mà ông Sinh trình bày trước đó. Chỉ vào khán phòng chật kín người trong phiên khai mạc hội nghị, ông Chan nói: “Các nhà đầu tư nên bỏ tiền xây dựng khách sạn với phòng hội nghị lớn hơn!”. Người viết bài này muốn hỏi kỹ thêm ông Chan về lời khuyên này, nhưng ông đã bay khỏi Việt Nam ngay sau phiên khai mạc. Phòng họp sau đó cũng có rất nhiều chỗ trống.
Trong khi nhiều ý kiến, kể cả từ Trung Quốc và Ấn Độ, cho rằng châu Á sẽ trỗi dậy từ cuộc khủng hoảng này, nhà nghiên cứu Phạm Chi Lan kéo thực tế trở lại khi chỉ ra rằng Việt Nam cũng như Đông Nam Á vẫn rất dễ tổn thương với tình trạng phát triển không đồng đều, hệ thống quản trị nhà nước có vấn đề và sự lệ thuộc vào xuất khẩu.
Cũng vì sự phát triển không đồng đều của Đông Nam Á, có rất nhiều mối quan tâm đến câu hỏi về vị trí của Việt Nam, diễn ra ở phiên họp cuối cùng. Bà Virginia Foote, chủ tịch của Việt Nam Partners LLC, một nhân vật có vai trò quan trọng trong những bước đầu tiên bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ, cho rằng với vị trí hiện tại là một thành viên WTO, “cái khung nhà Việt Nam đã được xây dựng, nhưng vào trong nhà thì vẫn là một đống lộn xộn”. Bà Đàm Bích Thuỷ, tổng giám đốc ngân hàng ANZ đưa ra những nhận xét xác đáng khi cho rằng Việt Nam có đầy đủ mọi yếu tố cần thiết để thành công, và tiềm năng là rất lớn. Nhưng cùng lúc, Việt Nam đúng trước nhiều thách thức phải thay đổi, về cơ sở hạ tầng cũng như về nền tảng tri thức, con người và xã hội (soft capital) “Chúng ta có thể đạt được một mức thành công cao hơn, và vấn đề này nằm trong tay người Việt Nam. Thời điểm khủng hoảng cũng là thời điểm tốt nhất để đưa ra quyết định và lựa chọn con đường. Chúng ta phải lựa chọn, và kể cả những lựa chọn khó khăn. Chúng ta muốn đóng vai trò gì? Và với vai trò đó, chúng ta phải mẫu mực”.
Ông Jonathan Pincus, kinh tế trưởng của chương trình Việt Nam thuộc đại học Harvard, một người cũng rất hiểu Việt Nam sau nhiều năm công tác tại UNDP, cũng nói nhiều đến “sự lựa chọn.” Sự lựa chọn ở đây là đưa ra những quyết định tiến bộ. “Cũng giống như bất kỳ hệ thống nào, có những người và nhóm lợi ích muốn chuyển động về phía trước trong khi có những người và nhóm lợi ích muốn đi thụt lùi”, ông Pincus nói. “Vấn đề là trong thời điểm khủng hoảng, việc đưa ra quyết định tiến lên phía trước thường dễ hơn”.
Lựa chọn nào cho Việt Nam? Theo ông Pincus, điều quan trọng nhất là việc đưa ra một cơ chế giúp cho người dân được tham gia vào việc đưa quyết định, tăng cường quyền công dân. Còn theo bà Foote, “điều tôi mong muốn nhất là không còn phải nghe về cái cách làm ăn kiểu Việt Nam, mà chỉ có một cách làm ăn toàn cầu mà thôi”. Tuy không đi vào chi tiết định nghĩa làm ăn kiểu Việt Nam, bà Foote cho rằng cách này làm tổn hại đến chính người Việt.
Đáng ghi chú là trong số những diễn giả của buổi thảo luận về vai trò của Việt Nam, có ông Gu Xiaosong, phó chủ tịch học viện Khoa học xã hội Guangxi, Trung Quốc, một người nói tiếng Việt như người Việt. Ông Gu nhận được nhiều câu hỏi khá thẳng thắn liên quan đến vấn đề tranh chấp biển Đông và vai trò của Việt Nam trong khu vực. Lần nào ông cũng trả lời rất bài bản rằng “quan hệ Trung Quốc với ASEAN và Việt Nam đang phát triển rất nhanh về mọi mặt. Vấn đề Nam hải (cách gọi của Trung Quốc về biển Đông) cần phải giữ đàm phán để đảm bảo hoà bình và phát triển cho khu vực này.” Ông Gu hoàn toàn tránh né bàn đến khả năng đứng đầu của Việt Nam trong khu vực.
­Bà Đàm Bích Thuỷ, người Việt duy nhất trong nhóm diễn giả, cho rằng bức tranh kinh tế thực sự của Việt Nam đang nằm đâu đó giữa bức tranh toàn màu hồng và bức tranh ảm đạm. Điểm mấu chốt nằm ở chỗ thời điểm khủng hoảng hiện nay đặt Việt Nam ở trước sự lựa chọn quan trọng về vai trò của mình trong khu vực. Một người trẻ đã đặt câu hỏi: Việt Nam muốn trở thành lãnh đạo trong lĩnh vực gì, kinh tế, chính trị hay xã hội? Câu trả lời của diễn giả: “Tôi không nghĩ chúng ta có thể đứng đầu trong một lĩnh vực mà lờ đi những lĩnh vực khác”.
Câu trả lời Việt Nam có thể trở thành nước đứng đầu ASEAN hay không dừng lại ở đó. Điều mà những người nghe rút ra là Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, nhưng cũng phải đưa ra những lựa chọn đúng đắn. Kết luận của bà Virgnia Foote là: “Việt Nam chưa phải là một nhà lãnh đạo toàn cầu. Một xã hội cởi mở hơn rất quan trọng để Việt Nam tiến đến mục tiêu đó”.
 
(SGTT)

ĐỌC THÊM