Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tránh "đội lốt" xuất xứ

 Trong giai đoạn 2000 - 2016, số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trung bình chỉ khoảng một vụ/năm, thì hiện nay, tần suất các vụ kiện liên quan vấn đề này gia tăng rất nhanh.

Theo thống kê mới đây của Cục PVTM (Bộ Công thương), số lượng các vụ việc PVTM với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam năm 2019 mới ghi nhận 16 vụ việc, nhưng chỉ chín tháng năm nay đã ghi nhận tới 32 vụ, gấp hai lần. Tính đến hết tháng 9-2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra gần 200 vụ PVTM, kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ USD. Hiện, Việt Nam cũng đang là một trong bốn nước bị áp dụng nhiều biện pháp PVTM nhất thế giới. Trong đó, ngành thép là một trong những ngành có tần suất dày đặc, phải hứng chịu các vụ kiện liên quan PVTM (62 vụ từ năm 2014 trở lại đây).

Bình quân mỗi tháng có một vụ việc điều tra liên quan chống bán phá giá với ngành thép đến từ nhiều thị trường lớn như Mỹ, Thái-lan, Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa,... Không chỉ thép, nhiều mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, giày dép,… cũng bị đưa vào diện áp dụng các biện pháp PVTM.

Nguyên nhân của tình trạng này do Việt Nam là một trong những lựa chọn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi quyết định dịch chuyển sản xuất nhằm hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà nước ta có nhiều ưu đãi khi vào giai đoạn thực thi. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận năng lực sản xuất mới, xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh đã khiến các nước đối tác nhập khẩu nghi ngờ hàng hóa chưa đáp ứng điều kiện "chuyển đổi đáng kể" tại Việt Nam hoặc bị nghi ngờ về năng lực sản xuất cho nên dễ bị theo dõi, bổ sung điều tra các sản phẩm ở nhiều ngành hàng. Bên cạnh đó, một trong những yếu tố dẫn đến sự nghi ngờ của đối tác về hàng hóa Việt Nam chủ yếu là gia công, hoàn thiện và phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài. Ðiều này khiến các nước đối tác nghi ngờ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị bên thứ ba đội lốt, nhằm hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi đã được ký cho Việt Nam.

Chính vì vậy, để giảm nguy cơ hàng hóa Việt Nam bị áp dụng các biện pháp PVTM, Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ vấn đề xuất xứ, xử lý triệt để việc lẩn tránh xuất xứ hàng hóa, không để ảnh hưởng các doanh nghiệp, ngành hàng, cũng như của nền kinh tế Việt Nam. Về phía doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần chủ động tìm hiểu cơ chế, quy định, thủ tục điều tra của các nước, nắm bắt thông tin, nâng cao năng lực ứng phó trong "vòng xoáy" PVTM, hướng đến xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và đa phương hóa thị trường xuất khẩu.

Việc này nhằm phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu khối lượng lớn vào một thị trường vì có thể tạo cơ sở cho các nước khởi kiện hay áp dụng biện pháp PVTM trong trường hợp xuất khẩu gia tăng đột biến. Ðặc biệt, không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa; chủ động phối hợp cơ quan chức năng để điều tra, ngăn chặn hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại về kinh tế, góp phần phát triển bền vững ngành sản xuất trong nước.

Nguồn tin: Nhân dân

ĐỌC THÊM