Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng quan NK phôi thép, tấm cuộn, thép xây dựng và thị trường thép VN tuần 46

§  Giá thép thế giới tăng nhẹ trong tháng 12

     Thị trường thép thế giới khép lại tháng 11 với 2 tuần đầu tăng giá, giảm giá nhẹ ở tuần thứ 3 và ổn định trong tuần thứ 4. Kết thúc tháng, thị trường thép tăng giá khoảng 5% so với cuối tháng 10.

     Sang tháng 12, Thổ Nhĩ Kỳ nước nhập khẩu nhiều nhất phế liệu và phôi, sẽ quay trở lại sau kỳ nghỉ lễ Kurban. Điều này sẽ khiến cho thị trường thép thế giới tăng nhẹ trong 3 tuần đầu nhưng đến tuần cuối tháng 12, thị trường sẽ chững lại do đa số các nước nghỉ lễ Noel và Tết.

     Thực tế, trong tuần qua, một số nhà cung cấp đã tăng giá bán đối với các loại thép và nguyên liệu. Cụ thể, các nhà sản xuất thép Hàn Quốc, Thái Lan và Đài Loan đã nâng giá xuất khẩu cơ bản sản phẩm thép dầm hình chữ H bản rộng giao tháng 12 sang Singapore với giá 720 USD/tấn CFR, tăng 20 USD/tấn so với 2 tuần trước. Trung Quốc nâng giá chào bán thép cuộn trơn vào Đông Nam Á lên 650 – 660 USD/tấn CFR, tăng 20 – 25 USD/tấn. Tại Nhật Bản, Tokyo Steel cũng nâng giá thép xây dựng thêm 2.000 Yên (24 USD/tấn) lên 52.000-54.000 Yên/tấn (620-645 USD/tấn) đối với thép thanh vằn và 68.000-70.000 Yên/tấn (812-836 USD/tấn) đối với thép cuộn trơn.

Tham khảo giá sắt thép tại một số thị trường tuần cuối tháng 11/2010

     Tại Việt Nam, giá thép xây dựng vào trung tuần tháng 11 đã tăng thêm 300 nghìn đồng/tấn lên 14,5-14,87 triệu đồng/tấn (giá tại nhà máy, chưa gồm VAT). Như vậy, trong tháng 11 vừa qua, giá thép xây dựng tại Việt Nam đã tăng 2 lần với tổng mức tăng là 500 nghìn đồng/tấn (tương đương 3,5%). Mức tăng giá này chủ yếu do tỷ giá USD/VNĐ tăng 3% trong tháng 11 vừa qua.

     Lượng thép tiêu thụ trong tháng 11 ước đạt 480 nghìn tấn, tăng khoảng 10% so với tháng trước và là mức cao nhất trong 8 tháng qua. Tính chung 11 tháng đầu năm, tiêu thụ thép xây dựng tại Việt Nam đạt khoảng 4,13 triệu tấn, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2009. Dự báo, tiêu thụ thép trong tháng 12 sẽ tiếp tục đạt cao do các đơn vị đẩy mạnh tiến độ thi công các dự án trước khi nghỉ Tết Nguyên Đán. Tiêu thụ thép cả năm sẽ đạt trên 4,5 triệu tấn, ngang với mức dự báo hồi đầu năm.

     Đến cuối tháng 11, tồn kho thép còn khoảng 280 nghìn tấn và 560 nghìn tấn phôi, đảm bảo cung cấp cho tháng 12. Do đó, giá thép trong tháng 12 sẽ phụ thuộc vào tỷ giá USD/VNĐ và giá phôi thế giới.

§  Nhập khẩu thép vào Việt Nam tăng mạnh trong tháng 11

     Trong tháng 10/2010, lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh 20,56% so với tháng trước và tăng 13,87% so với cùng kỳ năm 2009, đạt 1,004 triệu tấn. Đây là mức cao nhất trong vòng 1 năm qua.

     10 tháng đầu năm nay, nhập khẩu thép vào Việt Nam đạt 7,225 triệu tấn, giảm 10,27% so với cùng kỳ năm 2009.

Diễn biến lượng và giá thép nhập khẩu của Việt Nam năm 2008-2010

            Về thị trường cung cấp:

     Trong số các thị trường cung cấp thép chính cho Việt Nam, lượng thép nhập khẩu từ hàn Quốc trong tháng 10 vừa qua tăng rất mạnh 75,55% so với tháng 9/2010 và tăng 157,12% so với cùng kỳ năm 2009, đạt 236,99 nghìn tấn. Với mức tăng mạnh này, Hàn Quốc lần đầu tiên trở thành nước cung cấp thép lớn nhất cho Việt Nam. Như vậy, trong 3 năm trở lại đây, doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng nhập khẩu thép từ Hàn Quốc nhiều hơn. Năm 2008, lượng thép nhập khẩu từ thị trường này chỉ đạt 681,1 nghìn tấn (chiếm tỷ trọng 8,24%), năm 2009 đạt 1,082 triệu tấn (chiếm tỷ trọng 11,1%) và 10 tháng đầu năm 2010, lượng nhập khẩu từ thị trường này đạt 1,277 triệu tấn (chiếm tỷ trọng 17,68%).

     Trong tháng 10/2010, nhập khẩu thép từ Trung Quốc đạt 194,66 nghìn tấn, tăng 27,7% so với tháng 9/2010, tăng 20,32% so với cùng kỳ năm 2009. Tính chung 10 tháng đầu năm nay, lượng nhập khẩu từ thị trường này đạt 1,846 triệu tấn, tăng 85,23% so với 10 tháng đầu năm 2009.

     Lượng thép nhập khẩu từ thị trường cung cấp lớn thứ 2 là Nhật Bản đạt 208,41 nghìn tấn trong tháng 10/2010, tăng 4,51% so với tháng trước và tăng 50,76% so với cùng kỳ năm 2009. 10 tháng đầu năm nay, nhập khẩu từ thị trường Nhật Bản đạt 1,37 triệu tấn, tăng 16,58% so với cùng kỳ năm 2009.

     Trái với 3 thị trường trên, nhập khẩu từ một số thị trường giảm như Nga, Đài Loan, Thái Lan.

Tham khảo thị trường cung cấp thép cho Việt Nam tháng 10 và 10 tháng năm 2010



    Trong tháng 10/2010, nhập khẩu 2 chủng loại chính là thép cuộn cán nóng và phôi thép đều tăng. Trong đó, lượng thép cuộn cán nóng tăng tới 49,18% so với tháng 9/2010 và tăng 48,1% so với cùng kỳ năm 2009. Lượng phôi thép nhập khẩu tăng tương ứng 11,07% và 39,45% lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2009 đến nay với 255,33 nghìn tấn.

     Sau khi giảm mạnh trong tháng 9, lượng thép tấm cán nóng nhập khẩu trong tháng 10 vừa qua tăng rất mạnh 648,86% lên 68,2 nghìn tấn nhưng vẫn giảm 36,71% so với cùng kỳ năm 2010. 10 tháng đầu năm nay, nhập khẩu loại thép này đạt 418,67 nghìn tấn, giảm gần 60% so với 10 tháng đầu năm 2010.

     Cũng giống như thép tấm cán nóng, nhập khẩu thép hình trong tháng 10/2010 tăng 289,84% so với tháng 9/2010 nhưng giảm 46,5% so với củng kỳ năm 2009, đạt 12,65 nghìn tấn.

     Ngược lại, lượng thép không gỉ, thép thanh, thép cuộn cán nguội, thép ống và thép tấm cán nguội giảm so với tháng 9/2010.

Chủng loại thép nhập khẩu trong tháng 10 và 10 tháng năm 2010

§  Về nhập khẩu thép và phôi thép từ 16 đến 26/11/2010

     Lượng phôi thép nhập khẩu trong tuần này đạt hơn 11 nghìn tấn. Giá nhập khẩu trung bình tăng nhẹ 1% so với tuần trước lên mức 582 USD/tấn. Toàn bộ số phôi thép này được nhập khẩu từ Nhật Bản.

     Thép cuộn cán nóng là chủng loại được nhập khẩu về nhiều nhất trong tuần, đạt 29,6 nghìn tấn nhưng giảm 38% so với tuần trước. Giá nhập khẩu chủng loại này tăng 0,8% lên mức 621 USD/tấn, giá thép cuộn cán nguội cũng tăng 10,6% so với tuần trước, đạt mức 772 USD/tấn.

     Đơn giá nhập khẩu thép tấm cán nóng giảm 12,8% so với tuần trước đo, xuống mức 591 USD/tấn. Thị trường cung cấp chủng loại này chủ yếu từ Nhật Bản, Hàn Qốc, Trung Quốc.

Tham khảo một số lô hàng thép và phôi thép nhập khẩu trong tuần đến 26/11/2010