Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp tin hàng hóa trong nước tuần 20/6 - 26/6

Những thông tin đáng chú ý trên thị trường hàng hóa trong nước tuần qua.

* Trong tuần qua chứng kiến sự biến động mạnh trên thị trường vàng vật chất. Ngay trong ngày mở đầu tuần, giá vàng đã tăng vượt 28,6 triệu đồng/lượng, và thời điểm lên tới 28,77 triệu đồng/lượng, cao nhất từ đợt sốt hồi tháng 11/2009, nhưng sau đó đã nhanh chóng trượt sâu khỏi mốc này, có lúc chỉ còn 28,35 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, giá vàng trên thế giới nhanh chóng lấy lại sự cân bằng và tiếp tục duy trì đà đi lên giúp giá vàng trong nước tăng trở lại và kết thúc tuần lại vượt mức 28,6 triệu đồng/lượng. Trong đợt tăng giá vừa qua, có nhiều nhà đầu tư đã nghĩ đến mốc 29 triệu đồng/lượng.

Trong đợt tăng giá lần này, giá vàng trong nước bám rất sát biến động của giá vàng thế giới. Cũng giống như những đợt tăng giá từ đầu, người dân vẫn đẩy mạnh bán ra khi giá vàng tăng cao và “ngồi yên” khi giá giảm, sức mua vàng vất chất vẫn yếu. Trong tuần, giá vàng trong nước tiếp tục thấp hơn giá thế giới quy đổi khoảng 200.000 – 300.000 đồng lượng (chưa tính thuế và các chi phí khác).

* Theo bộ Công thương, từ giữa tháng 6/2010 đến nay, Trung Quốc bắt đầu nới lỏng chính sách nhập khẩu cao su biên mậu, do đó lượng cao su xuất khẩu sang thị trường này dần dần hồi phục. Do hình thức mậu biên vẫn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc nên việc nới lỏng có tác động rất tích cực đến xuất khẩu cao su nước ta.

Chỉ tính riêng trong tháng 6, sản lượng cao su Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 35.000 tấn so với tháng năm, ước đạt 55.000 tấn, trị giá 157 triệu USD, giảm 19,8% về lượng nhưng tăng 55,6% về giá trị so cùng kỳ năm 2009. Giá cao su vẫn đứng ở mức tương đối cao so với năm 2009, trung bình 6 tháng đầu năm đạt khoảng 2.752 USD/tấn, tăng 89% so cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc vẫn là đối tác nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 63,6% trong tổng sản lượng 231.000 tấn của 6 tháng. Các thị trường lớn như Đài Loan, Hàn Quốc, Đức, Hoa Kỳ, Malaysia chỉ có thị phần khoảng 3-5%. Thị trường châu Âu cũng chỉ chiếm khoảng 10 – 12% thị phần, chủ yếu gồm các chủng loại cao su cao cấp và chất lượng tốt để sản xuất sản phẩm cao cấp. Việc giảm nhu cầu xe và lốp xe ở châu Âu do tác động của khủng hoảng nợ, bộ Công thương nhìn nhận là không ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu cao su của Việt Nam.

* Theo tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm tháng 6 ước đạt 350 triệu USD. Tính chung, từ đầu năm tới nay đã có một lượng đá quý, kim loại quý và sản phẩm trị giá 1,343 tỉ USD được xuất khẩu. Nếu quy đổi tổng trị giá xuất khẩu của nhóm này theo vàng, thì tương đương 36 tấn. Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số doanh nghiệp như SJC, PNJ, Nhà nước vẫn chưa cho phép xuất khẩu vàng nguyên liệu, vàng xuất khẩu hiện nay đều dưới dạng nữ trang.

* Hiệp hội Kinh doanh Sản xuất Dược phẩm dự báo giá dược phẩm 6 tháng cuối năm sẽ có chiều hướng ổn định nhờ các yếu tố đầu vào như giá xăng, tỷ giá quy đổi ngoại tệ và giá nguyên liệu ổn định. Thêm vào đó, nhu cầu về dược phẩm đang giảm do các bệnh theo mùa có xu hướng giảm dần.

Nhằm bình ổn giá dược phẩm, Cục Quản lý Dược mới đây cũng đã đề nghị xem xét lại khuyến mãi dược phẩm trong khâu bán buôn. Theo đó, chỉ cho phép chiết khấu và khuyến mãi dược phẩm từ 5 - 7%, thay vì 50% như hiện nay.

Cũng liên quan đến ngành dược, mới đây, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đã chính thức bác bỏ thông tin cho rằng giá thuốc ở Việt Nam cao gấp 5-40 lần mặt bằng giá thế giới.

* Dù diện tích mía đã tăng lên so với vụ trước nhưng do ảnh hưởng nặng nề của nắng hạn, dịch bệnh và ngập mặn kéo dài nên nhiều diện tích mía giảm năng suất. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, trong niên vụ tới, nguy cơ thiếu mía giữa vụ ép đường rất dễ xảy ra.

Tại một số địa phương, nông dân phải trồng lại vì mía bị chết, vì vậy nhiều khu vực mía sẽ phải thu hoạch muộn hơn mọi năm 2-3 tháng. Như vậy, thời gian từ tháng 12 đến Tết Âm lịch 2010 các nhà máy sản xuất đường sẽ thiếu mía nguyên liệu trầm trọng. Vụ mía 2010-2011 dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 9/2010.

* Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính đến nay, năng lực sản xuất thép đã vượt gấp đôi so với quy hoạch, dư thừa khoảng 20 triệu tấn. Bởi theo quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2025, tổng công suất của các nhà máy là 20 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, số lượng dự án thép được cấp phép trên cả nước có tổng công suất lên đến 40 triệu tấn/năm.

Đáng chú ý, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, số dự án thép đăng ký lên tới 17 dự án, với công suất 3,75 triệu tấn thép luyện/năm và hơn 10 triệu tấn thép cán/năm, có 7 dự án thép nằm ngoài quy hoạch. Ngoài ra, trên cả nước còn tới 32 dự án không thuộc danh mục quy hoạch đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Để khống chế tình trạng thừa công suất, gây lãng phí và bất ổn thị trường, mới đây VSA đã có công văn gửi Chính phủ phản ánh tình trạng cấp phép bừa bãi, sai quy hoạch các dự án thép. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng lại kiến nghị lên Chính phủ và các ngành chức năng, đề nghị được bảo hộ do thép ngoại nhập khẩu đang áp đảo thép trong nước. Thống kê của VSA cho hay, trong 4 tháng đầu năm 2010 có 1,75 triệu tấn thép các loại nhập về, trong số này có cả những sản phẩm trong nước sản xuất đang dư thừa.

Trước sức ép của thép ngoại cũng như công suất đang dư thừa, những ngày qua các doanh nghiệp thép trong nước tiếp tục hạ giá thép lần thứ 5 kể từ đầu năm đến nay. Hiện thép cây và thép cuộn giao tại nhà máy của các công ty dao động quanh mức 12,54 - 13,14 triệu đồng/tấn.

* Ngày 19/6, hai công ty Đồng Nai và Đồng Phú thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã tổ chức lễ ra quân trồng cây cao su mới năm 2010 và khánh thành khu trường học và nhà ở của công nhân tại huyện Sombo, tỉnh Kratie thuộc Campuchia.

Chiến dịch ra quân trồng cây mới năm 2010 là nỗ lực lớn của các công ty thành viên VRG nhằm thực hiện mục tiêu trồng 100.000ha cây cao su tại Campuchia, bất chấp những khó khăn về thời tiết và giá xăng dầu tăng từ đầu năm.

cafef

ĐỌC THÊM