Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp tin hàng hóa trong nước tuần 11/7 - 17/7

Những tin tức đáng chú ý trên thị trường hàng hóa trong nước tuần qua.
 

* Sau nhiều lần giảm giá thép với tổng mức giảm lên tới 3 triệu đồng/tấn, trong nửa đầu tháng 7, các doanh nghiệp thép đã hai lần thông báo tăng giá trở lại.

Trong tuần qua, thông báo của các doanh nghiệp kinh doanh thép, công ty vừa đồng loạt tăng giá mặt hàng này với mức cao nhất là 400.000 đồng/tấn. Đây là đợt tăng giá thứ hai trong tháng 7 với tổng mức tăng 600.000-700.000 đồng.

Hiện giá một số mặt hàng thép cây và thép cuộn đang dao động trong mức từ 13,55-13,91 triệu đồng/tấn. Lý do tăng giá thép xây dựng lần này được các công ty kinh doanh trong nước giải thích là do giá nguyên liệu đầu vào đang trên đà tăng mạnh.

* 6 tháng đầu năm, tổng lượng xi măng tiêu thụ đạt 23,3 triệu tấn, tăng 8,4% so với cùng kỳ. Những theo Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (đơn vị đang nắm khoảng 40% thị phần xi măng), lượng xi măng của Tổng công ty tiêu thụ 6 tháng qua tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2009 nhưng mới đạt 45% kế hoạch.

Nguyên nhân là do nguồn cung toàn xã hội tăng khoảng 10 triệu tấn, dẫn đến cung lớn hơn cầu, làm cho thị phần của Tổng công ty sụt giảm. Mặt khác, trong quý II-2010, giá sắt, gạch xây dựng tăng mạnh làm cho nhiều công trình giãn tiến độ thi công, nhu cầu xây dựng chững lại nên việc tiêu thụ xi măng giảm.

* Đúng như dự báo từ vài tháng trước, giá đường trên thị trường bắt đầu tăng tốc do nhu cầu tiêu thụ cao dịp Tết Trung thu và ngành mía đường thế giới mất mùa. Hiện tại, giá một số loại đường trên thị trường đang được bán với giá từ 17.000-24.000 đồng/kg, tăng từ 2.000-3.000 đồng/kg so với nửa tháng trước. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, trong niên vụ tới, nguy cơ thiếu mía giữa vụ để ép đường rất dễ xảy ra.

Mặc dù diện tích mía đã tăng lên so với vụ trước nhưng do ảnh hưởng nặng nề của nắng hạn, dịch bệnh và ngập mặn kéo dài nên nhiều nơi mía giảm năng suất. Tại một số địa phương, nông dân phải trồng lại vì mía bị chết, vì vậy nhiều khu vực mía sẽ phải thu hoạch muộn hơn mọi năm 2-3 tháng. Như vậy, các nhà máy ép đường cũng đứng trước nguy cơ thiếu mía cho chế biến.

Trong khi đó, tình hình sản xuất đường trên thế giới cũng không mấy khả quan khi nhiều nước sản xuất lớn phải chuyển sang nhập khẩu do mất mùa.

* Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc tháng /.2010 ước đạt trên 30 triệu USD, bằng 263% tháng 5. Các chủng loại được xuất khẩu nhiều là tôm, mực đông lạnh và các loại cá nước ngọt (cá bống, cá tra, cá basa). Hiện nay nhu cầu nhập khẩu hàng ngày về các sản phẩm hải sản của các đối tác Trung Quốc vào khoảng 120 tấn/tuần nhưng đáp ứng của các nhà xuất khẩu Việt Nam chỉ 70 – 85 tấn.

* Theo Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Đắk Lắk, việc triển khai cho vay mua tạm trữ cà phê hỗ trợ lãi suất 6%/năm, tính đến ngày 9/7đã giải ngân được 400,37 tỉ đồng. Toàn bộ số vốn trên được rót cho năm doanh nghiệp trên địa bàn, hiện đã mua tạm trữ 17.000 tấn cà phê. Tuy nhiên, hiện tại lượng cà phê trong dân đã gần hết nên không còn cà phê để mua.

* Theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, giá mua tiêu đen ở một vài địa phương đã lên đến 80.000 đồng/kg, cao nhất trong vòng 4 năm trở lại. Dự báo giá tiêu sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới khi lượng hồ tiêu của Việt Nam, quốc gia xuất khẩu tiêu lớn nhất thế giới, không còn nhiều.

Hiện nay giá tiêu đen loại tốt thu mua từ nhà vườn có nơi lên đến 80.000 đồng/kg, tiêu trắng trên 100.000 đồng/kg, cao nhất trong 4 năm qua. Nguyên nhân khiến giá hồ tiêu tăng mạnh là do cây tiêu chịu ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh, bị mất mùa ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Brazil là những nước chiếm đến 80% sản lượng hồ tiêu toàn cầu.

cafef

ĐỌC THÊM