Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường tài chính thế giới tuần qua (22.2-26.2)

Thị trường chứng khoán Châu Á tuần qua liên tục có những diễn biến trái chiều do những thông tin không mấy khả quan đến từ Mỹ và các nước trong khu vực.

Thị trường Trung Quốc tuần qua tăng điểm, dẫn đầu là khối ngành bất động sản và ngân hàng. Bộ quản lý đất công của Trung Quốc vừa công bố sẽ tiếp tục cho các công ty kinh doanh bất động sản của nước này vay tiền. Điều này làm gia tăng thêm hy vọng của các doanh nghiệp về lượng tiền lưu thông trên thi trường.

Tuần qua, ngân hàng Trung Ương Nhật Bản tuyên bố sẽ chấm dứt các biện pháp kích thích kinh tế sau khi nền kinh tế nước này đã có một số dấu hiệu hồi phục. Đồng Yên tiếp tục tăng giá cũng khiến cho sản xuất và xuất khẩu của Nhật đi xuống.

So với phiên đầu tuần, chỉ số NIKKEI 225 đã giảm 226.07 điểm, tương đương 2.18%, xuống còn 10,126.03 điểm. Chỉ số Hang Seng giảm 14.30 điểm, tương đương 0.069%, xuống còn 20,608.70 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 69.36 điểm, tương đương 2.33%, lên mức 3,051.94 điểm. Chỉ số Kospi giảm 34.32 điểm, tương đương 2.11%, xuống còn 1,594.58 điểm. Chỉ số S&P/ASX 200 giảm 50.30 điểm, tương đương 1.07%, xuống còn 4,668 điểm.

Thị trường chứng khoán Châu Âu chỉ có hai phiên giảm điểm trong tuần qua do công bố về niềm tin tiêu dùng và thị trường nhà đất gây thất vọng của Mỹ. Tuy nhiên, thị trường đã nhanh chóng lấy lại đà tăng điểm vào cuối tuần sau khi dự báo về doanh số bán nhà đã qua sử dụng và GDP của Mỹ cao vượt dự đoán của các chuyên gia.

Chỉ số FTSE 100 tăng 2.45 điểm, tương đương 0.045%, lên mức 5,354.52 điểm. Chỉ số CAC 40 giảm 47.9 điểm, tương đương 1.28%, xuống còn 3,708.80 điểm. Chỉ số DAX giảm 89.98 điểm, tương đương 1.58%, xuống còn 5,598.46 điểm.

Thị trường chứng khoán Mỹ đầu tuần liên tục giảm điểm tiếp do chỉ số niềm tin tiêu dùng trong tháng 1/2010 chạm mức 47 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009. Điều này làm dấy lên những lo ngại về đà hồi phục kinh tế sẽ diễn ra chậm chạp hơn.

Số lượng đơn xin thất nghiệp lần đầu tăng lên mức 496,000 đơn, cao hơn mức 474,000 đơn trước đó. Số lượng đơn hàng bền cũng tăng khoảng 3%.

Tuy nhiên, thị trường đã tăng điểm trở lại vào cuối tuần sau khi công bố GDP của Mỹ trong quý 4/2009 đạt 5.9%, cao hơn mức 5.7% của quý trước đó.

Doanh số bán nhà đã qua sử dụng giảm xuống còn 5.05 triệu căn trong tháng 1, thấp hơn 5.44 triệu căn của tháng trước đó. Niềm tin tiêu dùng trong tháng 2 đạt 73.6 điểm, thấp hơn mức 73.7 điểm của tháng trước đó.

So với đầu tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 58.12 điểm, tương đương 0.56%, xuống còn 10,325.26 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 3.77 điểm, tương đương 0.17%, xuống còn 2,238.26 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3.52 điểm, tương đương 0.32%, xuống còn 1,104.49 điểm.

Đồng USD trải qua một tuần giao dịch không thành công. Chỉ số USD Index không giữ được đà tăng mạnh của tuần trước đó và liên tục giằng co ở ngưỡng 80 điểm. Đồng USD tăng mạnh nhất trong hôm thứ ba với 80.936 điểm, nhưng đã tụt xuống mức 80.306 điểm trong ngày giao dịch cuối tuần. Đồng USD đi xuống chủ yếu đến từ tuyên bố tái khẳng định của FED về việc duy trì mức lãi suất thấp như hiện tại.

Đồng EURO cho đến nay vẫn còn phải chịu sức ép từ khủng hoảng nợ của khu vực kinh tế Châu Âu, mà điển hình là Hi Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Vì vậy, đồng tiền này có thời điểm đã giảm sâu xuống mức 1.3452 USD/EURO, nhưng đến ngày thứ sáu khi đồng USD giảm sâu, các nhà đầu tư có xu hướng quay trở lại đồng EURO và YÊN Nhật, vì thế đồng EURO đã phục hồi nhẹ lên mức 1.355 USD/EURO.

Trong khi đó, đồng YÊN Nhật đã tăng khá mạnh so với đồng bạc xanh. Hôm thứ hai đầu tuần, đồng YÊN Nhật được giao dịch ở mức 91.25 JPY/USD nhưng đã tăng lên đến 88.85 JPY/USD trong ngày giao dịch cuối tuần sau khi đồng USD rớt giá liên tục đã thúc đẩy các nhà đầu tư bán tháo đồng tiền này ra và tìm đến các đồng tiền mạnh khác như đồng YÊN .

Thị trường vàng khá biến động trong tuần qua với việc sụt giảm liên tiếp trong 3 ngày đầu tuần, nhưng lại phục hồi trong hai ngày giao dịch cuối tuần. Những dấu hiệu về việc FED có thể sẽ rút lại các chương trình kích cầu kinh tế và xu hướng thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu chống lại lạm phát cùng với những lo ngại về vấn đề nợ xấu ở Châu Âu cũng đã ảnh hưởng đến sự sụt giảm mạnh của thị trường kim loại quý hiếm.

Giá vàng giao ngay đầu ngày thứ hai giao dịch đã chạm mức 1,130.65 USD/ounce, nhưng sau đó đã sụt giảm xuống mức 1,100 USD/ounce trong ngày thứ tư và có lúc đã chạm mức 1,089.45 USD/ounce. Nhưng trong những ngày cuối tuần, vàng được hỗ trợ bởi sự suy yếu của đồng bạc xanh và đã phục hồi lên mức 1,120 USD/ounce cùng ngày.

Thị trường dầu có một tuần giao dịch không mấy ổn định. Giá dầu dao động giằng co ở ngưỡng 78-80 USD/thùng. Những thông tin kinh tế vĩ mô trên thị trường Mỹ đã ít nhiều tác động lên giá dầu. Trong hai ngày đầu tuần, đồng USD Mỹ tăng mạnh đã đẩy giá dầu giảm từ mức 80 đến 78 USD/thùng. Đến ngày thứ tư, thị trường đón nhận thông tin FED giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp, đồng USD giảm điểm mạnh và giá dầu đã phục hồi đến ngưỡng 80 USD/thùng. Nhưng giá dầu giảm trở lại trong ngày thứ năm về mức 78 USD/thùng khi bản báo cáo về dầu tồn kho cao hơn mức dự đoán trong tuần. Đến ngày thứ sáu, đồng USD giảm sâu và được hỗ trợ từ điều chỉnh tăng GDP quý 4 của Mỹ đã giúp cho các nhà đầu tư hồi phục lại niềm tin và đẩy giá dầu phục hồi lên mức 80 USD/thùng.

Sacom

ĐỌC THÊM