Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tình hình giá thép thế giới và những ảnh hưởng đến Việt Nam

Mặc dù mặt bằng chung các loại thép đang giảm, nhưng theo báo cáo, sản lượng thép thô Trung Quốc đạt kỷ lục trong tháng 8 là 52 triệu tấn, tăng 2% so với tháng trước và 21% so với cùng kì năm ngoái. Trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 8, Trung Quốc đã sản xuất được 396 triệu tấn thép thô, theo báo cáo của Hiệp hội thép Trung Quốc.

Trung Quốc nhu cầu tiếp tục tăng

Hầu hết các nhà kinh doanh đều cho biết họ không mấy ngạc nhiên với sản lượng sản xuất ở mức cao như vậy vì đa số các nhà máy đều đã chạy hết công suất trong tháng 8 để đáp ứng đủ các đơn hàng đặt trong tháng 7. Mặc dù giá có giảm mạnh trong tháng 8 do cung vượt cầu, tuy nhiên các nhà máy vẫn không ra quyết định cắt giảm sản lượng của tháng 9.

Steel Business Briefing (SBB) cho biết các nhà máy đã lên chỉ tiêu sản lượng sản xuất trong năm nay. Việc cắt giảm sản lượng chỉ là lựa chọn cuối cùng ngay cả khi họ bị lỗ vốn. Hiện nay giá HRC đã tăng nhẹ. Một vài thương nhân cho rằng người tiêu dùng cuối cùng nhận thấy giá đã gần chạm đáy nên sẵn lòng mua với mức giá giao ngay.

Tuy nhiên, các nhà kinh doanh cũng tin rằng giá tăng chỉ là tạm thời và sẽ tiếp tục bất ổn cho đến khi lượng hàng trữ giảm xuống. Hiện tại, HRC Q235 khổ 5.5mm tại thị trường Thượng Hải có giá chào là 3.580NDT/tấn (526$/tấn) đã gồm VAT, tăng 50 NDT/tấn so với tuần trước.

Ngày 9/9, giá thép tròn và thép thanh của Trung Quốc tăng nhẹ, giá thép tròn phi 18-25mm ở Thượng Hải tăng thêm 4-7$/tấn lên mức 502-509$/tấn. Nguyên nhân tăng giá được cho là do nhu cầu tăng từ các dự án xây dựng trong nước.

Sản lượng sản xuất thép của Trung Quốc trong năm 2008 đạt 660 triệu tấn, trong khi nhu cầu trung bình chỉ ở mức 490 triệu tấn (Tin từ Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin Trung Quốc MIIT). Do đó MIIT đã ban hành những ràng buộc khắt khe hơn đối với các dự án mở rộng sản xuất trong vòng 3 năm tới.

Mỹ và Châu Âu tăng sản xuất đáp ứng nhu cầu thế giới

Theo Steel Business Briefing (SBB), các nhà sản xuất thép USA đang gia tăng sản xuất gần mức cao nhất tính theo tuần trong vòng 3 tháng qua. Theo thống kê của Viện Sắt thép Mỹ (AISI), các nhà sản xuất thép trong nước đã sản xuất ở mức 56.2% công suất trong tuần kết thúc ngày 5/9, tăng 2.4% so với tuần trước đó, đánh dấu tuần thứ 11 liên tiếp những nhà máy này gia tăng công suất sản xuất.

Tình hình thép trong nước đã có sự cân đối

Bước vào mùa mưa song nhu cầu tiêu thụ thép khá cao, sản xuất thép duy trì ổn định, tháng 8, sản lượng thép tròn ước đạt khoảng 372,2 nghìn tấn, tăng 1,1% so với tháng 7 nhưng tăng 27,8% so với tháng 8/2008, tính chung 8 tháng ước đạt 2.998,3 nghìn tấn, tăng 18,3% so với cùng kỳ.

Riêng các doanh nghiệp sản xuất phôi thép đang gặp khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu (thép phế, gang, cốc) do các ngân hàng đảm bảo ngoại tệ chỉ ưu tiên cho vay ngoại tệ để nhập khẩu phôi, thép thành phẩm. Tuy nhiên, giá phôi sản xuất trong nước rẻ hơn từ 40 - 100 USD/tấn so với giá thế giới nên các doanh nghiệp trong ngành đã tận dụng thời cơ này đẩy mạnh sản xuất phôi, ước đạt 379.3 nghìn tấn, rút gần khoảng cách bằng 98.8% so với cùng kỳ.

Thị trường thép khá sôi động sau đợt tăng giá mới, Tổng công ty Thép Việt Nam vừa nâng giá bán ở khu vực miền Nam thêm 100 - 250 nghìn đồng/tấn so với giữa tháng 7, giá thép đứng ở mức 12 triệu đồng/tấn (đã có thuế VAT). Như vậy, tính từ tháng 5, thị trường thép đã 6 lần biến động do giá nguyên liệu thép nhập khẩu dần nhích lên trong nhiều tháng qua. Giá phôi và thép phế đều tăng từ 10 - 30 USD/tấn. Giá chào phôi thép tăng lên 490 - 500 USD/tấn, thép phế cũng lên tới 335 - 340 USD/tấn. Giá xăng và giá điện tăng là nguyên nhân đẩy giá thép xây dựng liên tục tăng. Vì vậy, cần phải theo sát diễn biến giá cả để có những phân tích định lượng trên quyết định đầu tư vào những cổ phiếu ngành này. Việc tăng giá của các nhà sản xuất thép trong nước tính đến thời điểm hiện tại, do nhu cầu thị trường xây dựng hồi phục, đồng thời bù đắp thâm hụt lợi nhuận cho những tháng cuối năm 2008 và đầu năm 2009.

Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, từ năm 2010, ngành thép Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt ngay chính trên sân nhà.

Ngành thép Việt Nam sẽ không còn được hưởng các ưu đãi cao về chính sách thuế do thực hiện đầy đủ các cam kết hội nhập WTO kể từ năm 2010 trở đi.

Bên cạnh đó, nhiều dự án thép mới đi vào sản xuất trong năm 2010 sẽ tăng thêm sự mất cân đối giữa nguồn cung và mức tiêu thụ của thị trường, dẫn tới sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường tiêu thụ các sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, ống thép hàn, tôn mạ kim loại…

Đặc biệt, sản phẩm thép Việt Nam sẽ tiếp tục phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt về giá bán do chi phí sản xuất phôi thép ở Việt Nam cao gần gấp 2 lần so với thế giới, trong khi năm 2010 được dự báo là năm mà giá cả các nguyên nhiên liệu đầu vào như quặng, than, dầu, điện sẽ tiếp tục tăng.

Theo dự báo của Hiệp hội Thép Việt Nam, năm 2010, sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng và các sản phẩm thép khác sẽ tăng 10-12% so với năm nay. Tuy nhiên, cung ứng phôi thép cho sản xuất thép xây dựng trong nước chỉ đáp ứng khoảng 60%.

Như vậy, những tháng cuối năm, ngành thép vẫn có khả năng duy trì được tốc độ tăng trưởng. Giá thép sẽ không còn những đợt tăng/giảm giá đột biến mạnh vì ngành thép thế giới đã rút kinh nghiệm từ bài học cuối năm 2008 nên sẽ điều chỉnh sản lượng và giá phù hợp với tình hình cung cầu thế giới. bước qua năm 2010, ngành thép gặp cùng một lúc hai khó khăn. Tuy nhiên, tiến độ các dự án thường  không đúng và các doanh nghiệp mới khi thâm nhập thị trường sẽ vẫn còn khó khăn do đặc trưng của ngành phụ thuộc nhiều vào hệ thống phân phối. Do đó bước sang năm 2010 thì tình hình ngành thép sẽ ổn định hơn.

(Vietstock)

ĐỌC THÊM