Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tin đáng chú ý 27/1/2019: TQ mở cửa trái cây; Cảnh báo phế liệu nhập khẩu tăng mạnh

 Sau đây là một số thông tin đáng chú ý trong ngày:

Cảnh báo phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh
Trang vietnamplus.vn đưa tin, từ 1/1/2019, Trung Quốc sẽ bổ sung thêm 8 loại phế liệu không được phép nhập khẩu và điều này có thể khiến phế liệu sẽ dịch chuyển mạnh vào Việt Nam. Đây là những cảnh báo trong dự thảo "Quy chế phối hợp kiểm soát phế liệu nhập khẩu" vừa được Bộ Tài chính công bố.
Tổng số lượng phế liệu Việt Nam nhập khẩu năm 2018 là hơn 9,2 triệu tấn, tăng khoảng 1,3 triệu tấn so với năm 2017. Đặc biệt, riêng đối với mặt hàng phế liệu nhựa, khi Trung Quốc có chủ trương cấm nhập khẩu nhiều chủng loại nhựa có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao thì lượng phế liệu này vào Việt Nam gia tăng đột biến.
Từ tháng 7/2018 khi Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm tra thực tế, lượng phế liệu nhựa nhập khẩu về Việt Nam đã giảm rõ rệt. Theo đó, trong 6 tháng cuối năm 2018, tổng lượng phế liệu nhựa nhập khẩu về Việt Nam là 107.000 tấn, giảm mạnh so với mức 274.7000 tấn của nửa đầu năm.
Hiện nay, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trung bình mỗi tuần có hơn 2.000 container phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam, đồng thời cũng có hơn 2.000 container được cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan.
Bắt giữ hơn 500 chiếc smartphone nhập lậu
Theo ictnews.vn, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, ngày 23/1/2019, lực lượng chức năng gồm Cục Quản lý thị trường và Phòng Cảnh sát giao thông công an tỉnh Bắc Giang đã kiểm tra, phát hiện xe ô tô 12A-061.45 chở theo 555 chiếc điện thoại di động không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Cụ thể lô hàng gồm có 362 chiếc iPhone 6; 7 chiếc iPhone 7; 20 iPhone 8; 23 chiếc iPhone X; 76 chiếc iPhone XS Max.
Ngoài ra còn có 53 chiếc smartphone Samsung, 14 smartphone Sony. Toàn bộ số smartphone nói trên đều đã qua sử dụng được nhập từ nước ngoài không có vỏ hộp, không sạc và phụ kiện.
Ngày 25/9/2018, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) cũng tạm giữ lô hàng hơn 250 chiếc điện thoại iPhone XS, iPhone XS Max, trị giá hơn 6 tỷ đồng trong hành lý cá nhân của 4 nam hành khách (quốc tịch Mỹ), nhập cảnh trên các chuyến bay từ Mỹ về Việt Nam.
Cơ hội và rủi ro đối với ngành dệt may năm 2019
Theo BizLIVE, chi phí nhân công và việc phụ thuộc lớn vào xuất khẩu là những rủi ro hiện hữu đối với các doanh nghiệp dệt may trong năm 2019 này.
Báo cáo triển vọng ngành 2019 của BSC mới công bố liên quan đến ngành dệt may đã đưa ra đánh giá khả quan đối với ngành này. Cụ thể, theo BSC, nhu cầu dệt may thế giới được dự báo tăng trưởng với 3.5%/năm trong giai đoạn 2019 - 2020 hỗ trợ tăng trưởng ngành dệt may Việt Nam (trên 90% xuất khẩu). Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại EVFTA, CPTPP và chiến tranh thương mại Mỹ Trung tạo cơ hội cho dệt may Việt Nam giành thêm thị phần, đặc biệt tại Mỹ và EU.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với một số rủi ro hiện hữu về chi phí nhân công và việc phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Về chi phí nhân công, lương cơ bản 2019 được điều chỉnh tăng 7%, mức lương tối thiểu vùng cũng tăng 5% - 6% sẽ tạo áp lực chi phí lên các doanh nghiệp.
Sẽ không thiếu hàng hóa, không tăng giá đột biến dịp Tết
Theo thông tin từ vietnamplus.vn, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu, giữ ổn định thị trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị trong ngành triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu.
Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi sắp tới, với các yếu tố tích cực từ nền kinh tế cả nước đang khởi sắc, cùng với thu nhập từ lương, thưởng Tết tăng, Bộ Công Thương nhận định sức mua trên thị trường sẽ tăng khá, dự kiến mức tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước và tăng khoảng 15-20% so với các tháng thường trong năm.
Do vậy, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu, ngay từ tháng 10/2018, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 08/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Với việc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, chỉ thị của Bộ Công Thương, nguồn cung hàng hóa đã và đang được các địa phương chuẩn bị chu đáo cùng với kế hoạch triển khai nhiều chương trình phục vụ Tết, các chương trình xúc tiến thương mại dịp cuối năm của các doanh nghiệp, hàng hóa sẽ đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của người dân Việt Nam. Thị trường hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán sẽ không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường.
Trung Quốc mở cửa nhập khẩu chính ngạch 7 loại trái cây từ Việt Nam
Theo vtv.vn, Trung Quốc đã đồng ý mở cửa nhập khẩu chính ngạch nhiều mặt hàng trái cây từ Việt Nam. Đây là thị trường lớn nhất nhập khẩu trái cây của nước ta, chiếm trên 70% thị phần. Việc đi theo con đường chính ngạch như vậy sẽ giúp giá cả, đầu ra các mặt hàng trái cây nước ta ổn định và tốt hơn.
7 loại trái cây mà phía Trung Quốc dự kiến mở cửa nhập khẩu chính ngạch tới đây gồm: sầu riêng, bưởi, chanh dây, khoai lang, dừa, mãng cầu và măng cụt. Trong đó, sầu riêng là loại quả được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng nên sẽ ưu tiên mở cửa trước.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tại Đồng bằng sông Cửu Long, hiện mỗi kg sầu riêng bán tiểu ngạch chỉ giá vài chục ngàn đồng, nhưng nếu đi theo đường chính ngạch giá sẽ cao gấp 2-3 lần. Đổi lại phía Trung Quốc sẽ siết chặt hơn về vấn đề chất lượng sản phẩm. Đó là sản phẩm phải có hồ sơ ghi chép nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng các tiêu chuẩn về dịch hại, kiểm soát vùng trồng và cả nhà máy sơ chế. Muốn tận dụng tốt cơ hội này trái cây Việt Nam phải làm nhiều việc.
Sản xuất sạch, đảm bảo chất lượng cao và hướng đến hình thành chuỗi giá trị chính là yêu cầu cấp bách của ngành trái cây Việt Nam. Đây là giải pháp căn cơ để trái cây nước ta có thể xuất khẩu chính ngạch và trụ vững ở tất cả thị trường không riêng gì Trung Quốc.
Giá ô tô Hàn Quốc tăng mạnh, xe Nhật giảm sâu
Trang bizlive.vn đưa tin, cung/cầu với xe ô tô Nhật, Hàn tại Việt Nam năm nay có sự thay đổi lớn so với đầu năm 2018.
Hyundai đầu năm nay đắt khách bất ngờ. Các mẫu Kona, Tucson và Santa Fe đều được đại lý báo "cháy" hàng. Giá xe tăng mạnh, thấp nhất 15 triệu đồng với Kona và cao nhất khoảng 130 triệu đồng đối với Santa Fe thế hệ mới.
Toyota vẫn duy trì đà giảm giá tại đại lý đối với các mẫu xe lắp ráp trong nước như Vios, Corolla Altis, Innova và Camry. Giá Vios giảm cao nhất 25 triệu đồng, Innova giảm 10-30 triệu đồng, Camry cũng giảm nhiều nhất tới 30 triệu đồng, còn Corolla Altis giảm 15-20 triệu đồng. Mức giảm này có thể chênh lệch 5-10 triệu đồng tuỳ đại lý.
 
Nguyên nhân giảm giá là bởi nguồn cung năm nay khá nhiều, các mẫu xe lắp ráp vẫn còn lượng hàng lớn trong kho. Mặc dù nhu cầu khách hàng tăng, nguồn cung còn tăng nhanh hơn khiến xe không bán hết.
Riêng xe nhập không giảm giá. Rush và Avanza được bán không kèm gói phụ kiện như ban đầu. Với Fortuner, "hàng hot" vẫn bị kèm gói phụ kiện với các bản V cao cấp. Bản G của Fortuner được bán đúng giá.
Honda giảm giá cho các mẫu City và Jazz. Mức giảm cao nhất dành cho Jazz, dao động 30-35 triệu đồng. Ngược lại, City có nguồn cung hạn chế. Tuy nhiên, mẫu xe này vẫn nhận được ưu đãi 10-15 triệu đồng quy đổi thành dạng phụ kiện khi có xe về.
Sẽ xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm quốc gia
Theo vietnamplus.vn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” với mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
Đề án nhằm hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.
Giai đoạn đến năm 2030 hoàn thiện Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia, bảo đảm nhu cầu trao đổi, khai thác thông tin của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế; hoàn thiện hệ thống quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa trong nước và quốc tế.
Để đạt được những mục tiêu trên, Đề án đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp như hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thống nhất trong cả nước; nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc; thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc; thiết lập, xây dựng, vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
Nguồn tin: Vinanet

ĐỌC THÊM