Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tiêu chí môi trường là số 1

Theo ông ĐỖ DUY THÁI, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt, Việt Nam cần đi theo con đường của các nước tiên tiến luôn đặt môi trường lên hàng đầu và không bao giờ chấp nhận trả giá. Chính vì thế cần có những biện pháp cương quyết với cả DN trong và ngoài nước trước những vấn đề liên quan đến ô nhiêm môi trường.

PHÓNG VIÊN: - Thép luôn được đánh giá là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường nặng nề, nhất là sau vụ việc của Công ty Formosa. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông ĐỖ DUY THÁI: - Trong lĩnh vực luyện thép có 2 công nghệ được sử dụng là lò cao sử dụng quặng và lò điện sử dụng thép phế liệu. Các DN sử dụng lò cao dùng quặng có đôi chút lợi thế (5-7%) so với DN sử dụng lò điện. Tuy nhiên, do ô nhiễm môi trường cao hơn nên các khoản phí môi trường phụ trội đánh trên các DN sử dụng lò cao sẽ góp phần duy trì thế cạnh tranh cân bằng của các DN sử dụng 2 loại công nghệ này. Thậm chí, ở một số nước có tiêu chuẩn môi trường cao và việc kiểm soát xả thải gắt gao, DN sử dụng công nghệ lò cao thường bị đánh thuế môi trường rất cao hoặc thậm chí bị cấm. Đối với DN sử dụng lò điện, tái chế thép phế liệu, ngoài việc công nghệ này thân thiện với môi trường hơn, nó còn hỗ trợ cho sự phát triển của ngành công nghiệp cơ khí.

Ngay tại Trung Quốc những năm trở lại đây, vì đã nhìn thấy mối nguy từ các lò cao nên chính phủ nước này đang cho đóng cửa khá nhiều lò cao tại khu vực Thượng Hải và Bắc Kinh. Trở lại câu chuyện của Formosa, DN này sử dụng công nghệ lò cao. Cần nói thêm công nghệ lò cao của Trung Quốc hiện nay thường không đảm bảo, trước hết vì giá thành so với các công nghệ châu Âu chỉ bằng khoảng ¼. Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay lại đang dành ưu đãi bất hợp lý cho công nghệ lò cao này. Những gì Formosa gây ra đã quá rõ và nó chính là tiếng chuông cảnh tỉnh Việt Nam cần phải có những biện pháp mạnh tay hơn nữa trước những vấn đề liên quan đến môi trường. Chúng ta phải đi theo con đường của các nước tiên tiến, không chấp nhận đánh đổi môi trường lấy bất cứ dự án đầu tư nào. Có một thực tế, nếu nghèo mà chấp nhận đánh đổi sẽ càng nghèo hơn.

- Ông nói đến việc đi theo con đường của các nước tiên tiến, họ đang hạn chế cấp phép trong lĩnh vực thép còn Việt Nam vẫn cấp phép tràn lan?

- Ở nhiều nước trên thế giới vẫn cấp phép nhưng họ rất khắt khe. Chẳng hạn như Australia là nước điển hình có nguồn quặng sắt lớn nhất thế giới, rất phù hợp để đặt lò cao nhưng nước này không khuyến khích các hoạt động sản xuất thép sử dụng lò cao do những tác hại môi trường quá lớn lên sự phát triển kinh tế bền vững. DN nào muốn sử dụng công nghệ lò cao chính phủ sẽ buộc DN đó phải đến một vùng xa xôi hẻo lánh cách xa với người dân để đảm bảo môi trường và đương nhiên sẽ phải chịu các khoản phí môi trường cực cao. Điều này minh chứng cho việc họ không chấp nhận đánh đổi môi trường dù họ có nguồn nguyên liệu quặng sắt lớn. Hay như một nước trong khu vực là Thái Lan, họ cũng kêu gọi ngành luyện kim tiên tiến và chọn lựa rất kỹ lưỡng.

 

Nhìn lại Việt Nam, thời gian qua chúng ta đã đi ngược với xu thế của thế giới. Thế giới đi theo hướng tái tạo nguyên liệu, công nghệ hiện đại thì chúng ta đi hỗ trợ, ưu tiên cho DN sản xuất thép dùng quặng nhiều. Các quốc gia tiên tiến có nhiều quặng nhưng họ vẫn sản xuất thép từ các loại thép tái chế. Họ bán quặng qua Trung Quốc để gìn giữ môi trường. Trong khi đó, Việt Nam lại áp thuế xuất khẩu quặng rất cao, đến 40%. Điều này vô hình trung khuyến khích dùng quặng để sản xuất thép ngay trong nước, làm ảnh hưởng lớn đến môi trường. Hiện nay, lượng cung thép đang vượt cầu. Mức thuế xuất quặng phổ biến ở các nước cũng chỉ từ 5-15%.

- Vậy theo ông có nên quy hoạch lại ngành thép để đảm bảo sự phát triển bền vững cho Việt Nam?

- Theo tôi hãy để các DN phát triển theo quy luật của kinh tế thị trường, nhưng Nhà nước, các cơ quan chức năng cần có những rào cản về môi trường. Chúng ta phải có những tiêu chuẩn mang tính quốc tế và có những chuyên gia giàu kinh nghiệm. Những rào cản về môi trường này áp dụng chung cho cả DN trong và ngoài nước để tạo sự công bằng. DN nào cũng luôn muốn được kinh doanh trong môi trường cạnh tranh bình đẳng và công bằng, bởi đó chính là động lực giúp doanh nhân tin tưởng bước tới. Quay trở lại câu chuyện về các chuyên gia, những người có thể thẩm định các dự án, theo tôi chúng ta không hề thiếu. Thậm chí khi những cán bộ ngành môi trường không hiểu rõ có thể hỏi đến những người như ông Phạm Chí Cường, hiện là Chủ tịch Hội Đúc luyện kim Việt Nam. Ông Cường hiểu rất rõ ngành thép. Quan trọng hơn, những người như ông Cường ở Việt Nam không thiếu. Việt Nam cần có cơ chế giám sát tốt và cần những cán bộ làm việc công tâm. Nếu chúng ta cứ đánh đổi thì cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng và khi đó nền sản xuất cũng không phát triển được nữa.

Là một DN trong ngành thép, chúng tôi luôn ý thức lựa chọn hướng đi công nghệ xanh, bảo vệ môi trường trong việc đầu tư vào nhà máy luyện công suất 1 triệu tấn/năm. Đây là nhà máy luyện có công suất lớn với thiết bị hiện đại nhất châu Âu - luyện phôi thép qua việc sử dụng phế liệu tái chế và tái tạo nguồn năng lượng, nâng công suất luyện phôi của Pomina lên 1,5 triệu tấn/năm.

- Xin cảm ơn ông.

Nguồn tin: Đầu tư tài chính

ĐỌC THÊM