Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thương mại Việt Nam-Trung Quốc sụt giảm 2 tháng đầu năm

 Theo thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan, 2 tháng khởi đầu năm 2019, trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 14,63 tỷ USD, sụt giảm 1,1% so với cùng kỳ 2018.


Kim ngạch XK gạo sang Trung Quốc theo tháng của năm 2018 và 2 tháng đầu năm 2019. Biểu đồ: T.Bình

Lần đầu tiên sụt giảm trong 10 năm

Trong 10 năm trở lại đây (từ 2009), đây là lần đầu tiên kim ngạch thương mại song phương Việt Nam- Trung Quốc bị sụt giảm trong 2 tháng đầu năm. Việc sụt giảm chủ yếu do kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc giảm mạnh.

Đây là thông tin rất đáng chú ý về hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn đầu năm 2019 bởi Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch vượt mốc 100 tỷ USD vào năm ngoái.

Và dù kim ngạch bị sụt giảm nhưng 2 tháng đầu năm nay Trung Quốc vẫn duy trì vị thế là đối tác cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Việt Nam, chiếm tỷ trọng tới khoảng 28% trong tổng trị giá nhập khẩu của cả nước. Đồng thời, Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu đứng thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau thị trường Hoa Kỳ, chiếm tỷ trọng 17% trong tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của cả nước.

Cụ thể, 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 4,72 tỷ USD, giảm mạnh tới 16% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, một số mặt hàng chủ lực giảm rất mạnh như: Gạo giảm tới 95,5%; nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện giảm tới 75%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 18,5%; hàng rau quả giảm 14,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 8,6%...

Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch hết 2 tháng năm 2019 đạt hơn 9,9 tỷ USD, chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ 2018, thấp hơn nhiều so với con số 20% của cùng kỳ năm 2018 so với cùng kỳ 2017.

Đáng chú ý, hết tháng 2, số lượng nhóm hàng nhập khẩu từ quốc gia láng giềng này đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD chỉ còn 2 nhóm (máy móc thiết bị; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện), giảm 1 nhóm (điện thoại và linh kiện) so với cùng kỳ 2018. Tuy nhiên, 2 nhóm hàng duy trì kim ngạch “tỷ đô” có con số kim ngạch tăng thêm khá lớn.

Cụ thể, nhóm hàng máy móc thiết bị đạt hơn 2 tỷ USD, tăng khoảng 300 triệu USD, tương đương 18,5%. Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu lớn nhất nhóm hàng này.

Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,552 tỷ USD, tăng hơn 500 triệu USD, tương đương tăng 47,7%. Hiện Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, mặt hàng vải cũng đạt kim ngạch xấp xỉ 1 tỷ USD (999,9 triệu USD), tăng gần 10 triệu USD so với cùng kỳ năm 2018 và soán ngôi điện thoại trở thành nhóm hàng nhập khẩu lớn thứ 3 từ Trung Quốc.

Một mặt hàng nhập khẩu đáng chú ý khác từ thị trường Trung Quốc 2 tháng qua là ô tô nguyên chiếc với 448 xe được nhập về với tổng kim ngạch hơn 18 triệu USD. Số lượng xe nguyên chiếc nhập từ Trung Quốc tăng tới gần 30 lần so với con số 15 xe của cùng kỳ năm 2018.

Ngoài ra, Trung Quốc còn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với nhiều mặt hàng quan trọng của nền kinh tế nước ta như: Nguyên phụ liệu dệt may, da giày; sắt thép; hóa chất, sản phẩm hóa chất…

Tính hết tháng 2, nước ta đang bị nhập siêu gần 5,2 tỷ USD từ Trung Quốc.

Nguy cơ nới rộng nhập siêu

Nhiều năm qua, Việt Nam luôn thâm hụt thương mại lớn trong quan hệ giao thương với Trung Quốc. Tình hình được cải thiện hơn vào năm 2017 với con số thâm hụt gần 23,2 tỷ USD, giảm gần 5 tỷ USD so với năm 2016.

Tuy nhiên, đến năm 2018 khi xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng cao trở lại với gần 24,2 tỷ USD.

2 tháng đầu năm nay đã là gần 5,2 tỷ USD như đề cập ở trên. Riêng con số thâm hụt 2 tháng đầu năm 2019 đã lớn hơn 9,3% so với tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Điều đáng lưu ý, tháng khởi đầu năm 2019, thâm hụt thương mại Việt Nam - Trung Quốc lên đỉnh điểm, đạt con số kỷ lục với 3,75 tỷ USD/tháng. Trong khi đó, mức nhập siêu của từng tháng trước đây dao động trong khoảng từ 1 tỷ USD đến tối đa 3 tỷ USD, kể cả trong năm 2015 là năm đỉnh điểm của nhập siêu từ Trung Quốc.

Nguy cơ nới rộng nhập siêu không chỉ thể hiện qua những con số cụ thể nêu trên mà còn từ thực tế diễn biến xuất khẩu của Việt Nam đang sụt giảm mạnh ở thị trường này. Nhất là với nhóm hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp như gạo, rau quả đang gặp khó khi Trung Quốc đẩy mạnh vấn đề truy xuất nguồn gốc và đòi hỏi việc xuất khẩu (từ Việt Nam) thông qua hoạt động xuất khẩu chính ngạch.

Nguồn tin: Hải quan

ĐỌC THÊM