Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thừa thép, thị trường tự thanh lọc

- “Nhiều người giàu lắm, họ sẵn sàng bỏ ra vài trăm tỉ để đầu tư vào nhà máy thép. Một bà buôn bán sắt thép phế liệu cũng xây dựng nhà máy sản xuất thép với công suất 300 ngàn tấn, to đùng. Có tiền thì họ đầu tư, mặc dù không biết gì về thép”, ông Phạm Chí Cường, chủ tịch hiệp hội Thép Việt Nam nêu lên thực trạng ứ đọng thép xây dựng tại thị trường Việt Nam.

Trong thời kỳ suy giảm kinh tế, tiêu dùng thép tăng nhờ gói kích cầu của Chính phủ. Ảnh: Lê Quang Nhật

Trả lời Sài Gòn Tiếp Thị, ông Phạm Chí Cường cho biết, thống kê cho đến hết năm nay tổng công suất sản xuất thép xây dựng đã gần 8 triệu tấn, đương nhiên sẽ gây nên tình trạng dư thừa, trong khi tổng nhu cầu tiêu thụ trong nước khoảng 5 triệu tấn...

Vì sao có tình trạng dư thừa nhiều như vậy, thưa ông?

Mặc dù nền kinh tế có suy giảm, nhưng vì các gói kích cầu cho xây dựng, đầu tư xây dựng đường sá, cầu cảng, nhà cho người thu nhập thấp… tất cả đều phải sử dụng thép. Những nhà sản xuất nghĩ rằng với số lượng thép bình quân đầu người là 100kg thì còn ít lắm. Theo đánh giá của chúng tôi, ngành thép không thể tiến một mình được mà phải tiến cùng với nền kinh tế. Mỗi một năm nên tăng sản lượng 10 – 15% tương ứng với nhu cầu, chứ không thể nào có bước nhảy vọt. Ngay thời điểm này sản lượng thép đã tăng gần gấp đôi nhu cầu là vô lý, không thể nào tiêu thụ hết trong khi xuất khẩu cũng được rất ít do cạnh tranh.

Sau một năm đi vào hoạt động thì bao giờ nhà máy cũng phải vận hành hết công suất. Nhưng cung và cầu chênh nhau quá lớn, nên các doanh nghiệp chỉ vận hành được từ 60 – 70% công suất thiết kế, rất lãng phí, giảm năng lực cạnh tranh. Sẽ có nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa vì không có tính cạnh tranh, hoặc phải bán lại nhà máy cho đối tác khác. Hiện đã có hiện tượng bán nhà máy rồi đấy!

Thưa ông, chúng ta đã có quy hoạch nhưng vì sao lại có chuyện “bùng nổ” sản lượng như vậy?

Mình làm quy hoạch rồi, trong quy hoạch này cũng có cân đối hết cả, mỗi một năm cũng chỉ tăng 10% sản lượng. Quy hoạch cũng vạch ra từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2025 đều có cân đối cả. Nhưng thực tế cân đối đã bị phá sản...

Việc để cho các địa phương được quyền cấp phép cũng là nguyên nhân?

Việc giao quyền cho các địa phương cấp phép có hai mặt. Nếu đã phân cấp thì lãnh đạo địa phương phải rất hiểu quy hoạch và sự cân đối của nhà nước, đủ trình độ để đánh giá, lựa chọn đối tác và tiềm năng của địa phương. Nếu quản lý tốt thì giao quyền như vậy là được, nhưng mình đang giao quyền thoáng khi năng lực cán bộ  bất cập. Nếu phân cấp và địa phương chỉ muốn có dự án lấy thành tích thì... chết.

Ông Phạm Chí Cường

Nếu là lãnh đạo địa phương thì tôi cũng muốn trong nhiệm kỳ của mình có dự án thép, thì tôi có thành tích rồi! Nếu quy định dự án 1.500 tỉ phải xin phép cấp trên thì tôi rút xuống 1.400 tỉ gì đó, để khỏi phải xin phép. Một số tỉnh cũng có mỏ quặng, dù chưa thăm dò, thấy một ít nổi lên bề mặt đào bới được, thế là cho xây dựng dự án thép. Điều đó cho thấy cơ sở nguyên liệu cũng không vững vàng, cơ sở năng lượng cũng rất thiếu, giao thông vận tải cũng kém đồng bộ… Những cái này làm cho phát triển luyện kim sẽ không bền vững. Ngoài ra, đầu tư cho những dự án thép cũng tuỳ thuộc vào quy mô, và sau này mở rộng dự án thì cũng chẳng cần xin phép mà tỉnh tự quyết. Do đó quản lý của mình cũng không chặt lắm. Trong hai năm sau khi có quy hoạch, đã có đến 32 công trình nằm ngoài quy hoạch, có những công trình to đùng, trong đó có 24 dự án địa phương cấp sai thẩm quyền.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư những dự án thép lớn 7,5 triệu tấn/ năm, 15 triệu tấn/năm, 10 tỉ đôla, mười mấy tỉ đôla… nhưng toàn là những anh luyện kim không có tiếng gì cả. Có doanh nghiệp làm dầu khí cũng nhảy vào đầu tư thép ở Việt Nam.

Tôi tin rằng thị trường tự nó sẽ thanh lọc, vì dư thừa thì nhiều nhà máy phải đóng cửa, phải sáp nhập, thậm chí phải cơ cấu lại.

Phải lên tiếng cảnh tỉnh cho các ông ấy phải tính toán lại. Bây giờ có những anh mới xây dựng nhà máy với mấy triệu tấn nữa chứ không đơn giản. Tổng công ty Thép cũng có dự án 500 ngàn tấn/năm sắp triển khai, Thép Việt cũng đang có kế hoạch 500 ngàn tấn. Cái thừa mấy triệu tấn là mình thấy rồi, nhưng sang năm 2010 nhiều dự án đi vào sản xuất, sản lượng thép sẽ còn nhiều nữa.

(sgtt)

ĐỌC THÊM