Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thị trường xuất nhập khẩu Việt Nam: Cơ hội và thách thức

 Cùng với những nỗ lực của Chính phủ trong việc kí kết ngày càng nhiều Hiệp định tự do thương mại (FTA), thị trường tiêu thụ của các sản phẩm Việt Nam sẽ ngày càng mở rộng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại xuất - nhập khẩu.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng

Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình xuất khẩu tháng 11 vẫn tiếp tục đón nhận nhiều thông tin ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam.

Theo đó, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 10 xuất siêu 770 triệu USD. Tháng 11 ước tính nhập siêu 400 triệu USD. Tính chung 11 tháng xuất siêu 6,8 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 23,4 tỷ USD và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 30,2 tỷ USD.

Về xuất khẩu, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 11 ước tính đạt 21,60 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 5,89 tỷ USD, giảm 4,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 15,71 tỷ USD, giảm 4%.

Tính chung 11 tháng năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 223,63 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 63,24 tỷ USD, tăng 17,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 160,39 tỷ USD (chiếm 71,7% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 13,4%.


Ảnh minh họa

Về mặt hàng, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia cho biết, do tác động trực tiếp về tỷ giá USD/VND cùng với sự biến động của các thị trường xuất khẩu chính, giá cả và kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực có nhiều thay đổi.

Cụ thể, tác động tích cực tới các mặt hàng thuỷ hải sản và nông nghiệp, khi các mặt hàng này ít chịu phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu. Ngược lại là dệt may, sắt thép và các mặt hàng linh kiện điện tử,điện thoại lại bị điều chỉnh giảm do phụ thuộc nhiều vào thị trường nhập khẩu.

Về nhập khẩu, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Mười Một ước tính đạt 22,0 tỷ USD, tăng 1,1% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,8 tỷ USD, tăng 3,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 13,2 tỷ USD, giảm nhẹ 0,2%.

Tính chung 11 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 216,82 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 86,63 tỷ USD, tăng 12,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 130,19 tỷ USD, tăng 12,3%.

Như vậy, cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam vẫn tập trung chủ yếu vào các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất như máy móc, phụ tùng và thị trường nhập khẩu vẫn chưa có nhiều thay đổi.

FTA tạo ra nhiều cơ hội cho thị trường xuất nhập khẩu

Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia cho biết, kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại quan trọng đã được ký kết thời gian qua và chuẩn bị có hiệu lực.

“Với 16 hiệp định FTA đã và đang được đàm phán kí kết, 10 hiệp định FTA đã có hiệu lực, thị trường tiêu thụ của Việt Nam đang ngày càng mở rộng, tạo cơ hội gia tăng nhu cầu đối với hàng Việt Nam”, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia nhận định.

Thực tế cho thấy, các hiệp định tự do thương mại được kí kết đã tạo nhiều ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam, từ đó góp phần gia tăng kim ngạch thương mại của Việt Nam và mở cửa dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam. Do đó, cùng với những nỗ lực của chính phủ trong việc kí kết ngày càng nhiều hiệp định tự do thương mại FTA, thị trường tiêu thụ của các sản phẩm Việt Nam sẽ ngày càng mở rộng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại xuất – nhập khẩu.

Bên cạnh những cơ hội, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia cũng cho rằng, xu hướng bảo hộ thương mại và hàng rào phi thuế quan ngày càng gia tăng. Nhằm đảm bảo sự tăng trưởng của thị trường nội địa, nhiều quốc gia đang ngày càng có xu hướng bảo hộ thương mại và áp đặt nhiều hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói riêng và hoạt động sản xuất nói chung.

Bằng chứng, mới đây, ngày 7/6/2018, Indonesia đã quyết định áp thuế tôn màu của Việt Nam trong vòng 5 năm tới với mức thuế từ 12,01% - 28,49% trong khi Mỹ cũng đang áp thuế bán phá giá với mặt hàng cá phi-lê Việt và 2 mặt hàng thép xuất khẩu từ Việt Namvà Ủy ban châu Âu cũng đang áp thẻ vàng đối với hàng thủy sản Việt Nam.

Trước những trở ngại trên, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia cho rằng, trong thời gian tới, cần tiếp tục ứng dụng thương mại điện tử để thu thập, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn thông tin thị trường xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, cần có chế tài để kiểm soát chặt chẽ việc phát sinh các giấy phép con, thủ tục hành chính mới. Xây dựng quy định xác định trách nhiệm với thủ trưởng các đơn vị để phát sinh giấy phép con hoặc các thủ tục hành chính mới gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu của doanh nghiệp

Cần tiếp tục duy trì chính sách ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát đặc biệt là giá cả các mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào của doanh nghiệp và duy trì mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và các hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Nguồn tin: vnMedia

ĐỌC THÊM