Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

THỊ TRƯỜNG THÉP THẾ GIỚI 2 THÁNG ĐẦU NĂM 2009

Năm 2008, ngành thép thế giới bị tác động nặng nề bởi sự suy giảm mạnh của nền kinh tế kể từ khi cuộc khủng hoàng tài chính hoành hành. Trong 2 tháng đầu năm nay, xu hướng đi xuống của thị trường thép vẫn thể hiện rõ nét, ngoại trừ thị trường Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi nhờ gói kích cầu của chính phủ.

Giá:       

Giá thép trên thị trường thế giới bắt đầu sụt giảm mạnh kể từ giữa năm 2008 do khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu của lĩnh vực xây dựng và ôtô giảm. Xu hướng sụt giảm tiếp tục diễn ra trong những tháng đầu năm nay ở hầu hết các thị trường. Giá thép cuốn nóng (HRC) trung bình trên thị trường thế giới tháng 2/09 đạt 527 USD/tấn, giảm 6,7% so với mức 565 USD/tấn trung bình của tháng 12/08. Còn giá thép thanh đứng ở 526 USD/tấn, giảm 10,8% so với 590 USD/tấn trong tháng  cuối cùng của năm ngoái.

Trung Quốc là thị trường lớn duy nhất chứng kiến sự hồi phục của giá thép khi chi phí vận chuyển, giá nguyên liệu thô và nhu cầu tăng. Hiện giá thép thanh dùng trong xây dựng của Trung Quốc đứng ở 3.710 NDT/tấn, tăng 8,2% so với 3.405 NDT/tấn hồi đầu tháng 1/09 và tăng 15% so với 3.100 NDT/tấn hồi tháng 12/08. Giá thép tấm dùng trong ngành ôtô và đóng tàu cũng được giao dịch ở mức 3.800 NDT/tấn, tăng 13,5% so với tháng 12 năm ngoái và tăng 2,4% so với đầu tháng 1/09. Giá thép cuốn nóng trong khi đó tăng 25% so với tháng 11/08 và đang ở 575 USD/tấn.  Các nhà phân tích nhận định, nhu cầu thép tăng trở lại ở nước sản xuất và tiêu thụ nhiều nhất thế giới chứng tỏ gói kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỷ NDT, trong đó dành cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng là 2.000 NDT mà chính phủ Trung Quốc đưa ra đã bắt đầu phát huy tác dụng.

Cung:       

Năm ngoái, cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến nhu cầu của các lĩnh vực sử dụng nhiều thép như ôtô và xây dựng trên khắp thế giới sụt giảm, buộc hàng loạt các nhà máy cán thép phải tạm dừng sản xuất, cắt giảm sản lượng và giảm lao động, đặc biệt là trong giai đoạn nửa cuối năm. Xu hướng này vẫn tiếp diễn trong những tháng đầu năm nay do người ta chưa mấy tin tưởng vào sự phục hồi của nhu cầu và giá cả. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thép Thế giới, sản lượng thép toàn cầu trong tháng 1/09 chỉ đạt 86 triệu tấn, giảm 24% so với cùng tháng năm ngoái, trong đó ngoại trừ Trung Quốc đạt mức tăng 2,4%, sản lượng của hầu hết các quốc gia đầu ngành đều sụt giảm ở hai con số.

Dù nguồn cung giảm mạnh thời gian qua song các nhà sản xuất thép hàng đầu vẫn duy trì việc cắt giảm sản lượng. Mới đây, nhà sản xuất thép số 1 thế giới là ArceloMittal đã quyết định cắt giảm sản lượng 45%, chỉ duy trì công suất hoạt động ở 50-55% trong quý I/09, thấp hơn nhiều so với mức 90% khi nhu cầu cao và dự kiến sẽ nâng công suất dần lên trong nửa cuối năm - thời điểm kinh tế toàn cầu được dự báo bắt đầu hồi phục. Hãng thép Nippon lớn thứ 2 thế giới cũng kế hoạch cắt giảm sản lượng 40% xuống mức thấp kỷ lục 5 triệu tấn trong quý I năm nay do những khách hàng như Toyota và Honda đang bị thua lỗ do suy thoái kinh tế lan rộng. Một hãng khác là JFE, nhà sản xuất thép đứng thứ 3 thế giới đã tạm dừng một lò nung kể từ 14/2 để cắt giảm sản lượng. Hãng thép POSCO của Hàn Quốc cũng thông báo cắt giảm sản lượng lên tới 200.000 tấn trong tháng 2, tương đương 7,3% sản lượng trung bình hàng tháng trong năm 2008. Còn Trung Quốc thông báo sẽ giảm sản lượng 500 tấn thép/năm nhằm cơ cấu lại ngành thép do lo ngại việc tăng sản lượng quá mức sẽ đe doạ tới khả năng phục hồi của giá.

Cầu:       

Ngoại trừ Trung Quốc, nhu cầu thép trên thị trường thế giới vẫn chưa có dấu hiệu tăng trở lại, thậm chí tại các nước công nghiệp lớn nhu cầu còn sụt giảm mạnh hơn.

Tại Nhật Bản, theo Liên đoàn Sắt Thép, nhu cầu của lĩnh vực ôtô và các ngành sử dụng nhiều thép khác giảm mạnh khiến cho sản lượng thép của nước này trong tháng 1 đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/1969. Nhu cầu cũng giảm mạnh tại các nước khu vực EU khiến sản lượng của các nước Italia, Pháp, Anh giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức sụt giảm về nhu cầu cũng diễn ra tương tự tại các nước châu Mỹ và châu Á Thái Bình Dương.

Dự báo:

Trong tháng 3, giá thép trên thị trường thế giới tiếp tục giao động ở mức thấp như hiện tại, đặc biệt là khi công suất sản xuất tại Trung Quốc – nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới – tăng. Ngoài ra, việc cắt giảm sản lượng của các nhà máy thép sẽ đẩy nguyên liệu thô rơi vào tình trạng dư thừa cũng sẽ làm cho giá thép khó tăng.

Nguồn cung trong tháng tới dự đoán vẫn tiếp tục sụt giảm do các nhà máy cắt giảm sản lượng, nhu cầu chưa thể phục hồi trong quý I do thể trạng của nền kinh tế toàn cầu ngày càng xấu hơn.

(Vinanet)

ĐỌC THÊM