Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thị trường thép Thái Nguyên ổn định trở lại

Vào thời điểm khó khăn nhất, một số đơn vị sản xuất thép chủ lực của Công ty Gang thép Thái Nguyên đã phải tạm dừng hoạt động, thép tồn kho lên tới hàng chục nghìn tấn. Tuy nhiên đến thời điểm này, thị trường thép Thái Nguyên đã ổn định trở lại.

Ðầu năm 2008, giá thép trên thị trường tăng đột biến, lúc cao điểm lên đến hơn 19 triệu đồng/tấn, nhưng vào đầu quý III giá thép lại rớt xuống còn khoảng 9 triệu đồng/tấn, thấp hơn giá phôi nguyên liệu nhập vào trước đó. Các nhà chuyên môn nhận định, đây là thời điểm thị trường thép bất ổn nhất từ trước đến nay, thép rớt giá cũng ở mức kỷ lục.

Ðể tránh thua lỗ lớn, giai đoạn này, Công ty Gang thép Thái Nguyên hạn chế đến mức cao nhất việc xuất hàng ra thị trường, nên trong kho luôn tồn khoảng 70 nghìn tấn thép cán.

Nhà máy luyện gang (Công ty Gang thép Thái Nguyên) hàng năm cung cấp khoảng 200 nghìn tấn gang phục vụ nhu cầu sản xuất thép cho công ty, thời điểm này cũng phải dừng xuất hàng, trong kho tồn khoảng năm nghìn tấn (trước đó, sản phẩm của nhà máy này sản xuất ra đến đâu đều tiêu thụ hết đến đó).

Nhà máy cán thép Lưu Xá có lúc tồn kho tới 35 nghìn tấn thép cán và tạm dừng sản xuất tới hai chục ngày. Các doanh nghiệp sản xuất thép tư nhân hoặc đơn vị kinh doanh thép lớn trong tỉnh như: Công ty CP thương mại Thái Hưng, Công ty kim khí Gia Sàng, HTX công nghiệp Toàn Diện... thời điểm khó khăn đó cũng rơi vào tình cảnh tương tự, hoặc tạm dừng sản xuất hoặc để tồn kho hàng trăm nghìn tấn. Tính riêng trong tháng 11, sản lượng thép cán toàn tỉnh giảm 64,4% so với cùng kỳ và 11 tháng của năm 2008 sản lượng giảm khoảng 5%.

Theo ước tính của các chuyên gia nghiên cứu thị trường thì các nhà sản xuất, kinh doanh thép ở Thái Nguyên thời gian qua phải mất hàng trăm tỷ đồng vì thép rớt giá. Doanh nghiệp thua lỗ ảnh hưởng trực tiếp tới việc làm và thu nhập của người lao động. Thí dụ, với Nhà máy cán thép Lưu Xá, mức thu nhập bình quân người lao động đang ở mức 3,5 triệu đồng/tháng, thì vào thời điểm khó khăn vừa qua, mức thu nhập đã giảm xuống còn 2,5 triệu đồng/người/tháng. Với các doanh nghiệp tư nhân, nhiều đơn vị cũng rơi vào hoàn cảnh  tương tự, một số đơn vị đã chọn giải pháp cắt giảm lao động để bớt gánh nặng tài chính.

Vào thời điểm giữa tháng 11 năm nay, thị trường thép đã khả quan hơn, giá thép đã bắt đầu nhích dần lên. Ðó là hiệu ứng tích cực từ phía Chính phủ sau khi Bộ Công thương trình các giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành thép như: Chính sách hạ lãi suất cho vay, giãn nợ cho doanh nghiệp... Và quan trọng nhất là tình hình lạm phát trong nước đã được cải thiện, nhiều dự án xây dựng cơ bản đã bắt đầu khởi động lại, nhu cầu thép xây dựng tăng dần.
Trong tháng 11-2008, giá thép đã tăng đáng kể, thép tròn phi 6 hiệu Tisco có giá trung bình khoảng 11.250  đồng/kg, thép đốt phi 8 hiệu Nasteel Vina giá trung bình là 11.625 đồng/kg. Hiện nay, tại Nhà máy cán thép Lưu Xá, Nhà máy cán thép Thái Nguyên giá thép xuất ra (chưa tính thuế VAT) là khoảng 11.100 đồng/kg; tại Công ty CP thương mại Thái Hưng đang bán với giá 11 triệu đồng/tấn (gồm cả thuế); tại một số cửa hàng bán lẻ, giá thép dao động từ 11.200 đồng đến 11.700 đồng/kg (chưa tính thuế).

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng Kế hoạch - Kinh doanh (Nhà máy cán thép Lưu Xá) cho biết: Từ giữa tháng 11 đến nay, thép xuất ra tại nhà máy đã qua ba lần nâng giá. Hiện tại, trong kho của nhà máy chỉ còn khoảng vài nghìn tấn.
Bà Nguyễn Thị Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP thương mại Thái Hưng, cũng cho biết: Doanh nghiệp đang xuất thép ra với giá thấp hơn thị trường để nhanh chóng giải phóng lượng hàng trong kho. Hiện trong kho của công ty chỉ còn khoảng 10 nghìn tấn và sẽ xuất hết trong tháng 12 này.

Hiện nay, mặc dù thị trường thép có dấu hiệu ổn định trở lại sau khi "đóng băng" nhưng các hoạt động sản xuất thép vẫn còn chừng mực bởi các doanh nghiệp đang tập trung giải quyết hết số thép còn tồn đọng. Hoạt động giao dịch nguyên liệu phục vụ sản xuất thép cơ bản vẫn chưa sôi động trở lại.

Theo Hiệp hội thép Việt Nam, thời điểm này giá phôi thép đang chào bán vào nước ta dao động từ 400 USD đến 450 USD/tấn, tăng khoảng 100 đến 150 USD so với giữa tháng trước, nhưng rất ít có giao dịch nào thành công. Riêng Công ty gang thép đã có thể chủ động được 70% lượng phôi thép phục vụ nhu cầu sản xuất của toàn đơn vị.

(ViệtStock)

ĐỌC THÊM