Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thị trường ngoại qua kênh bán lẻ

 Không chỉ xuất khẩu trực tiếp cho đối tác nước ngoài, hàng Việt đang từng bước chiếm lĩnh thị trường các nước thông qua kênh bán lẻ hiện đại. Kết quả, sản lượng hàng Việt vào thị trường nước ngoài ngày càng tăng.

Nhờ kênh siêu thị, nông sản Việt Nam hướng đến thị trường các nước.

Nỗ lực chen chân

Nói đến xuất khẩu hàng hóa qua kênh bán lẻ không thể không nhắc đến các hệ thống siêu thị như Auchanm, Big C, Lotte… Ngoài lượng sản phẩm bày bán thường xuyên tại các hệ thống, một số siêu thị liên tục tổ chức tuần lễ hàng Việt tại các nước. Nhờ chính sách hỗ trợ của hệ thống siêu thị ngoại sản phẩm Việt sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường thế giới. Bên cạnh sự hỗ trợ của kênh bán lẻ hiện đại, nhiều đơn vị, tổ chức cùng nỗ lực phát triển hàng Việt ở thị trường ngoại.

Mới đây, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp chuỗi siêu thị GS25 tổ chức ngày hội đối tác chiến lược. Theo kế hoạch đặt ra, chuỗi siêu thị này kết nối 55 DN ngành hàng thực phẩm, đồ uống. Kết quả đáng kinh ngạc tại ngày hội, trong 10 ngày phở bò ăn liền của Vifon bán được 200.000 gói. Rất nhiều DN hy vọng sản phẩm “thai nghén” của họ có thể bày bán ở gần 13.000 điểm bán tại Hàn Quốc và Việt Nam trong thời gian tới.

Nói về kế hoạch phát triển sản phẩm Việt trong và ngoài nước, không ít DN khẳng định đang cố gắng “tìm đường” đưa sản phẩm đến người tiêu dùng các nước nhiều hơn. Không riêng chuỗi siêu thị GS25, hệ thống siêu thị Aeon của Nhật Bản cũng được hướng đến. Vừa qua có 16 DN được chọn tham gia trưng bày 140 sản phẩm tại hệ thống này. Đánh giá của phía đối tác, hầu hết sản phẩm đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí sản phẩm mà nhà phân phối đặt ra như: An toàn vệ sinh thực phẩm, hồ sơ công bố sản phẩm hợp lệ, các chứng nhận tiêu chuẩn của từng ngành hàng…

Trước đó, tháng 10-2017, trong chương trình kết nối, Aeon cũng đã chọn được 23 DN trong số 70 DN Việt Nam tham gia cung ứng hàng cho hệ thống siêu thị này. Ông Naohisa Saeki - Phó Tổng Giám đốc Khối thu mua và khối vận hành Công ty TNHH Aeon Việt Nam lưu ý DN Việt Nam: “Muốn phát triển hơn nữa để đưa hàng hóa vào các siêu thị nước ngoài, DN Việt Nam phải nâng chất lượng sản phẩm lên theo tiêu chuẩn quốc tế và luôn đảm bảo đúng tiêu chuẩn”.

Ông Hồ Xuân Lâm – Phó Giám đốc Trung Tâm Xúc tiến Thương mại TP. HCM cho rằng, cơ hội xuất khẩu hàng Việt ra thế giới thông qua hệ thống bán lẻ hiện đại rất lớn. Vấn đề cốt lõi vẫn là chất lượng, mẫu mã và giá cả. Đơn cử, nếu sản phẩm Việt đạt yêu cầu của nhà phân phối Aeon đề ra thì hàng Việt hy vọng có mặt tại Nhật Bản cùng nhiều nước như Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Kazakhstan, Philippines...

Liên kết phát triển

Thông qua hoạt động xúc tiến hàng Việt vào hệ thống siêu thị ngoại để từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước, đa phần nhà phân phối đánh giá cao hàng hóa “made in Vietnam”. Theo nhiều nhà phân phối, sản phẩm Việt có sự tiến bộ vượt bậc về chất lượng, mẫu mã. Bằng chứng, người tiêu dùng các nước đang lựa chọn và tin dùng. Đây chính là tín hiệu tích cực để DN Việt Nam có cơ hội vươn ra thị trường quốc tế.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao thông tin: “Một số nhà phân phối đến tận nơi chứng kiến mô hình sản xuất hàng hóa của doanh nghiệp Việt họ rất kinh ngạc. Có thể nói, rất nhiều sản phẩm của Việt Nam sẽ được người tiêu dùng say mê chứ không chỉ là ưa thích”. Theo bà Vũ Kim Hạnh, hàng hóa của Việt Nam có tiềm năng tại thị trường quốc tế, nhưng phần lớn DN Việt chưa tập trung cho chiến lược phát triển thị trường hoặc chưa biết cách khai thác.

Biết rõ cơ hội phát triển hàng Việt qua kênh bán lẻ hiện đại nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng kim ngạch, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án: “Thúc đẩy các DN Việt Nam trực tiếp tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến 2020”. Theo mục tiêu Đề án đưa ra, đến năm 2020 hàng hóa Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào tất cả các hệ thống phân phối lớn tại khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á, Đông Bắc Á.

Đặc biệt, hàng Việt sẽ phát triển mạnh tại các quốc gia mà ký hiệp định thương mại đơn phương và song phương với Việt Nam. Dự kiến, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp của các ngành hàng Việt Nam có lợi thế như: Thủy sản, nông sản, dệt may, giày dép,… tăng thêm 10 - 15%.

Để triển khai Đề án, yêu cầu đặt ra hiện nay là cần huy động sự tham gia tích cực cơ quan quản lý nhà nước, nhà phân phối nước ngoài, DN sản xuất - xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có sự tham gia từ phía các hiệp hội ngành hàng rất quan trọng. Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tổ chức tập huấn, đào tạo về kiến thức thị trường, thị hiếu người tiêu dùng cho DN hướng đến thâm nhập thị trường thuận lợi hơn.

Nguồn tin: Đại đoàn kết

ĐỌC THÊM