Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thép thừa, thép thiếu

Trước thực tế cung đang vượt cầu, lại chịu cạnh tranh mạnh bởi thép ngoại nhập; nhưng đến nay cả nước vẫn có tới 32 dự án thép nằm ngoài quy hoạch, cho thấy ngành này đang đi vào vết xe đổ của xi măng, mía đường, bia... khi tiếp tục thực hiện đầu tư theo phong trào.
 
Tràn lan ngoài kế hoạch
Trung tuần tháng 7 vừa qua, Dự án Nhà máy Cán thép Thái Trung công suất 500.000 tấn chính thức khởi công tại Thái Nguyên sau khi đã ký hợp đồng tổng thầu EPC trước đó với nhà thầu Danieli.
Đáng nói là dự án này không nằm trong quy hoạch phát triển ngành thép đã được phê duyệt tại Quyết định 145/2007/QĐ-TTg, thậm chí còn không được liệt kê trong cả danh sách 32 dự án ngoài quy hoạch mà Bộ Công thương đã báo cáo Chính phủ vào đầu năm 2009.
Tại Hải Dương, ngoài dự án Nhà máy luyện phôi thép Kansai Vinashin của Công ty cổ phần thép Kansai Vinashin mới bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư do không thực hiện đúng cam kết, tỉnh này còn 4 dự án thép khác đang có hiệu lực là: Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát, Nhà máy luyện và cán thép tâm Kinh Môn, Nhà máy sản xuất phôi thép vuông và Nhà máy sản xuất các loại thép dây, thép thanh.
Điều đáng nói, cũng giống như dự án nhà máy thép khởi công tại Thái Nguyên, tất cả các dự án thép trên đều nằm ngoài quy hoạch phát triển ngành thép giai đoạn 2007- 2015 có xét đến 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trường hợp các dự án thép nằm ngoài quy hoạch như kể trên còn khá phổ biến ở nhiều địa phương khác.
Số liệu thống kê từ Vụ Công nghiệp năng (Bộ Công thương) cho thấy, trong số 32 dự án sản xuất gang, thép nằm ngoài quy hoạch, có tới 24 dự án đã được các địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư. Cụ thể, 8 dự án tại Bà Rịa- Vũng Tàu, 5 dự án tại Hải Phòng, 4 dự án tại Thanh Hoá...
Tất nhiên, những dự án này chưa có ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến thoả thuận của Bộ Công thương.
Trước tình thế “tiền trảm” của các địa phương, Bộ Công thương đã “mở đường sống” khi trong văn bản đề nghị các địa phương rà soát lại các dự án thép, Bộ này cho biết, những dự án thép nằm ngoài quy hoạch nhưng có khả năng tiếp tục triển khai tốt, sẽ đề nghị Thủ tướng bổ su vào quy hoạch.
Với cách làm này, các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, việc quy hoạch ngành thép bị phá vỡ có phần trách nhiệm của cơ quan xây dựng quy hoạch, không hoàn toàn là trách nhiệm của địa phương.
Theo các chuyên gia, sự bùng nổ của 32 dự án thép, trong đó nhiều dự án công suất nhỏ, công nghệ lạc hậu... chính là hệ quả của việc quản lý nửa vời, không dự báo được hướng phát triển.
Trước thực tế trên, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã kiến nghị Bộ Công thương ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ cho các dự án luyện kim đầu tư mới ở Việt Nam.
Theo VSA, việc thẩm định và cấp giấy phép cho các dự án thép không thể toàn quyền cho địa phương, mà phải tuân thủ quy chế chặt chẽ, có sự tham vấn của chuyên gia để bảo đảm chọn đúng đối tác tiềm năng tài chính, công nghệ, có đủ kinh nghiệm khai thác; đặc biệt là phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế.
Ngày càng nở rộ các dự án ngoài quy hoạch.
Thừa thép
Theo tính toán của Bộ Công thương, với các dự án đã được cấp phép thời gian qua, tổng công suất các dự án khi đi vào hoạt động đã lên tới 60 triệu tấn. Còn nếu tất cả những dự án đăng ký đi vào sản xuất, đến năm 2015, công suất của toàn ngành thép Việt Nam có thể lên tới 28 triệu tấn/năm, trong khi đó, riêng sản xuất thép cán phục vụ nhu cầu xây dựng hiện nay đã đã có công suất 6-7 triệu tấn/năm, nhưng nhu cầu thị trường nội địa chỉ cần 4-5 triệu tấn/năm.
Tương tự, theo tính toán của các cơ quan chức năng, nhu cầu thép thành phẩm của Việt Nam dự kiến năm 2010 đạt khoảng 10- 11 triệu tấn, năm 2015 khoảng 15- 16 triệu tấn, năm 2020 khoảng 20- 21 triệu tấn.
Hiện, tổng công suất cán thép xây dựng vượt gần 2 lần công suất, trong đó 80% phôi thép được sản xuất từ thép phế liệu. Trong khi đó, ngành thép vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu, bán thành phẩm nhập khẩu (gần 80% thép tấm lá, gần 50% nhu cầu phôi thép, trên 60% lượng thép phế cho lò điện). Do vậy, sản xuất thường bị động vào thị trường bên ngoài.
Các chuyên gia kinh tế phân tích, ngay ở thời điểm hiện tại nhu cầu nội địa đã thấp hơn so với khả năng sản xuất của ngành thép nước nhà. Vì vậy, trong cả trước mắt lẫn lâu dài việc tính đến khả năng xuất khẩu là rất rõ.
Thép Việt Nam rất khó cạnh tranh bởi giá cả, công nghệ.
Tuy nhiên, với việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nước ngoài, rõ ràng việc cạnh tranh với các sản phẩm thép của các nước, đặc biệt là thép từ Trung Quốc, ASEAN không dễ dàng, bởi ngay tại thị trường trong nước thép Việt chỉ được “cứu” nhờ rào chắn của thuế, nói gì đến xuất khẩu?
“Hiện các cường quốc thép như Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan, Hàn Quốc đã chiếm hầu hết các thị trường lớn trên thế giới, các doanh nghiệp thép Việt Nam rất khó cạnh tranh bởi giá cả, công nghệ, vì thế thép Việt Nam chỉ có thể vào những thị trường nhỏ như Lào, Campuchia mà thôi”- ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam nhận định.
Tổ Quốc

ĐỌC THÊM