Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thép nội tăng giá, mở đường cho thép ngoại giá rẻ

Theo nhận định mới đây của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), các đại lý thép trong nước kêu thiếu hàng để tăng giá trong khi sức mua giảm sút đang là hiện tượng bất thường trên thị trường thép nước ta.

 

Thị trường này có biểu hiện găm hàng để tăng giá, và nếu tình trạng đó kéo dài có thể khiến doanh nghiệp (DN) trong nước để mất thị phần vào tay thép ngoại giá rẻ.

 

Thứ trưởng Bộ Công thương Bùi Xuân Khu đánh giá, thép là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề từ suy giảm kinh tế, với lượng tồn kho đầu năm nay rất lớn (220.000 tấn thép thành phẩm và 380.000 tấn phôi vào cuối quý I/2009). Song, nhờ các biện pháp kích cầu của Chính phủ, mấy tháng gần đây ngành thép đã dần phục hồi, chủ yếu do nhu cầu tăng trở lại khi mùa xây dựng bắt đầu, các công trình được vay vốn ưu đãi của Nhà nước đẩy nhanh tiến độ, nông dân cũng được hỗ trợ 4% lãi suất cho vay để xây dựng nhà ở, các công ty thương mại tăng lượng hàng mua vào. Vì vậy, từ đầu tháng 4, đa số nhà máy thép đã hoạt động trở lại, một số đơn vị còn tăng công suất để đáp ứng nhu cầu. Sản lượng thép tròn của toàn ngành 6 tháng đầu năm đạt 2,17 triệu tấn, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng lượng thép tiêu thụ đã gần cân bằng với cùng kỳ năm 2008, lượng thép tồn kho cũng giảm mạnh. Tuy nhiên, “lượng thép bán ra tăng mạnh cũng là thời điểm để các DN trong nước tăng giá bán sản phẩm, chính điều này tạo cơ hội để thép ngoại giá rẻ tràn vào, gây khó khăn cho các DN sản xuất trong nước” - ông Khu nhấn mạnh.

 

Theo VSA, hiện giá bán thép xây dựng đã tăng 800.000 - 1 triệu đồng/tấn so với tháng 4, trong đó giá tại nhà máy ở mức 10,6 - 10,8 triệu đồng/tấn thép cuộn phi 6, phi 8; và 10,9 - 11,3 triệu đồng/tấn thép cây (chưa có thuế GTGT). Ngoài thị trường không xảy ra hiện tượng “cháy hàng” nhưng nhiều đại lý, cửa hàng bán lẻ thép kêu thiếu nguồn cung cũng đã tăng thêm 2 - 3 triệu đồng/tấn, lên mức 14 đến 15 triệu đồng/tấn, tùy loại và tùy đại lý. Cơ sở để tăng giá thép được các đại lý, DN sản xuất đưa ra là do chưa bù đắp được chi phí sản xuất, giá xăng tăng làm tăng chi phí vận chuyển. VSA cũng thừa nhận, do suy giảm kinh tế, các DN thép trong nước đã phải hạ giá sản phẩm để kích cầu, nay gói kích cầu đã phát huy hiệu quả cùng với giá phôi nhập khẩu (NK) tăng 20 - 30 USD/tấn, giá thép phế NK tăng 15 - 20 USD/tấn, thuế NK phôi tăng thêm 3% và chênh lệch tỷ giá USD và VND, nên việc tăng giá bán sản phẩm hiện nay là điều khó tránh khỏi.

 

Mặc dù vậy, khi giá phôi thép thế giới vừa mới nhích lên, nhu cầu thép trong nước vừa tăng, việc một số DN vội điều chỉnh tăng giá bán liên tục đã gây bất ổn cho thị trường. Với mức giá bán thép hiện nay tại các nhà máy, thép cuộn NK từ các nước Đông Nam Á đang rẻ hơn thép cuộn cùng loại trong nước từ 500.000 - 700.000 đồng/tấn. Một số DN thương mại vì tư lợi đã ồ ạt NK thép ngoại về bán rẻ, đẩy các DN sản xuất thép trong nước vào tình thế khó khăn.

 

Cụ thể từ đầu năm đến nay, cả nước đã nhập trên 200.000 tấn thép cuộn xây dựng, trong đó thép từ các nước ASEAN chiếm trên 70%, với mức thuế NK 0%, được tiêu thụ ở các tỉnh thành phía Nam với giá khoảng 9,9 triệu đồng/tấn, trong khi giá thép xuất xưởng của các DN trong nước đang dao động ở mức 10,3 - 10,8 triệu đồng/tấn (chưa có thuế GTGT). Riêng từ đầu tháng 6 đến nay, nhiều DN kinh doanh sắt thép Trung Quốc đang tiếp cận với một số đối tác Việt Nam để chào bán khoảng 30 chủng loại thép, trong đó 1/3 là thép xây dựng với giá trung bình 3.680 NDT/tấn (tương đương 538 USD). Theo tính toán, thép nhập từ Trung Quốc vào có giá khoảng 9,8 triệu đồng/tấn, nếu cộng thêm thuế NK, cước vận chuyển, VAT, lãi suất vay vốn, lợi nhuận… chắc chắn không cạnh tranh được với thép nội chứ chưa nói đến chất lượng. Tuy nhiên, việc các loại thép gia công sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đã giảm giá từ 7 - 10% so với đầu quý I/2009 và quốc gia này đang tìm cách giảm thuế, giảm giá để đẩy mạnh xuất khẩu trong khi các DN Việt Nam tăng giá bán sản phẩm thì trong thời gian tới, thép Trung Quốc cũng sẽ là đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất.

 

Trước tình trạng này, VSA khuyến cáo DN không nên nâng giá thép cuộn lên cao nữa, bởi như thế sẽ tạo điều kiện cho thép ASEAN nhập vào Việt Nam. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA cho rằng, các cơ quan chức năng cần kiểm tra chặt chẽ xuất xứ các lô hàng khi NK, phải đạt mức nội địa hóa 40% trở lên, đủ công nghệ hai bước (luyện phôi - cán thép) mới được hưởng thuế ưu đãi. Nếu thép cuộn vẫn ồ ạt tràn vào làm đình trệ sản xuất trong nước, VSA sẽ cân nhắc đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, tăng cường kiểm soát, chỉ cho NK số lượng thép cuộn theo “hạn ngạch” và vẫn có thể áp mức thuế cao hơn khi sản xuất thép trong nước bị đe dọa.

 

KTĐT


ĐỌC THÊM