Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

"Thép" lên tiếng phản đối "điện"

Trước những động thái của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất Thủ tướng Chính phủ sẽ không cung cấp điện cho các nhà máy thép có công suất sử dụng trên 100MVA trở lên, cũng như việc “kêu ca” ngành thép tiêu tốn điện năng lớn mà sản xuất lại không hiệu quả,  Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường đã có ý kiến phản đối.
 
Cần chấn chỉnh cấp giấy phép đầu tư ngành thép
                                                             Ảnh: HOÀNG LONG
 

EVN: Thép đang gây lãng phí một nguồn điện quá lớn ?
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, EVN cho rằng, hiện nay có nhiều nhà đầu tư nhà máy sản xuất thép với công suất lớn đòi hỏi nhu cầu điện rất lớn làm cho hệ thống điện quốc gia gặp nhiều khó khăn. Theo đó, nhiều nhà máy thép có công suất từ 100.000 tấn trở lên tiêu tốn một nguồn điện lớn. Mà theo EVN, để cấp điện cho những nhà máy thép như vậy, tập đoàn này đã phải đầu tư hàng trăm máy biến áp, công suất điện trên 1.200 MVA. Hàng năm, các nhà máy thép này tiêu thụ khoảng 3,5 tỷ kWh...

EVN nhận định rằng, việc nhiều doanh nghiệp đầu tư ồ ạt các dự án thép đã phá vỡ quy hoạch về điện do phải liên tục điều chỉnh, bổ sung lưới điện. Riêng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu từ năm 2006 đến nay đã 7 lần điều chỉnh. Đây là nguyên nhân khiến lưới điện bị phá nát, manh mún.

Theo đề xuất của EVN, hiện các nhà máy thép chỉ đạt 50% công suất thiết kế mà đã tiêu tốn mỗi năm 3,5 tỷ kWh nên việc phát triển thêm các dự án mới là điều cần phải xem xét lại. Bên cạnh đó, Tập đoàn còn cho rằng, giá bán điện cho thép của EVN còn thấp hơn giá điện mà các nước khác đầu tư cho công nghiệp rất nhiều. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tranh thủ giá điện rẻ ồ ạt đầu tư vào Việt Nam để xuất khẩu thép sang các nước khác. Bởi vậy, EVN kiến nghị các nhà máy thép có công suất sử dụng trên 100 MVA  trở lên phải tự làm lấy điện.
 
Thép: EVN tồn tại làm gì nếu thép phải tự làm điện?
Theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường, việc EVN đề xuất các nhà máy thép có công suất sử dụng trên 100 MVA  trở lên phải tự làm lấy điện là không hợp lý. Nếu cứ quy định thép phải tự làm lấy điện, xi măng tự làm lấy than... thì cũng không cần sự tồn tại của EVN nữa. Các nước kêu gọi đầu tư đều chuẩn bị 3  thông (Thông điện-thông nước-thông lộ) lúc ấy tổng đầu tư mới có hiệu quả. “Làm nhà máy thép mà đầu tư cả điện sẽ chẳng còn hiệu quả kinh tế nữa. Đây có thể coi là suy nghĩ quá giản đơn” – ông Cường nhận định.

Lãnh đạo Hiệp hội Thép bất bình: “Nếu nói do giá điện rẻ mới có nhiều dự án thép vào đầu tư là hoàn toàn sai. Bởi thực tế, các dự án của ngành thép thu hút được đầu tư đã phải kêu gọi từ rất lâu và phải mất 4 nhiệm kỳ Tổng bí thư mới kêu gọi được nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này”. 

Còn quan điểm phát triển thêm các dự án thép mới là không cần thiết, vì đó là ngành công nghiệp gây ô nhiễm, tiêu tốn năng lượng, không giải quyết được nhiều công ăn việc làm... “Tôi khẳng định thép là “lương thực” của ngành công nghiệp cơ khí. Ngành chế tạo ô tô, đóng tàu, giao thông, vận tải cũng rất cần tới thép. Nếu không đầu tư cho ngành thép, chúng ta sẽ phải đi nhập thép, như vậy nhập siêu sẽ vô cùng lớn”.

Chỉ đồng ý với quan điểm “đầu tư có chọn lọc”
Ông Cường chỉ đồng ý duy nhất với quan điểm của EVN về việc, Chính phủ cần sớm ban hành giá điện theo công suất đăng ký để nhà đầu tư đăng ký đúng nhu cầu điện, tránh lãng phí, tránh nhập khẩu các thiết bị lạc hậu có sức tiêu hao năng lượng cao. Vì trước đó, ông Cường cho biết, Hiệp hội Thép cũng đã có công văn gửi lên Thủ tướng Chính phủ về việc “Chấn chỉnh cấp giấy phép đầu tư ngành thép”.

Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt quy hoạch sản xuất cho 23 dự án, thì với kết quả rà soát của các tỉnh, thành phố (tính đến ngày 30-8-2009), có tới 65 dự án gang, thép, công suất từ 100.000 tấn/năm trở lên đã đi vào sản xuất, hoặc đang triển khai đầu tư. Trong đó, có tới 32 dự án địa phương tự ý cấp phép. Theo ông Cường, thực tế là việc các địa phương cấp phép tràn lan cho các dự án thép đã dẫn đến dư thừa công suất với những sản phẩm thép có sẵn như ống thép, thép xây dựng... gây ảnh hướng tới tiêu hao nhiên liệu, ô nhiễm môi trường và lãng phí. “Chúng tôi đã có kiến nghị lên Thủ tướng rà soát lại các giấy phép của các địa phương cấp trong thời gian gần đây, nếu không thực hiện như chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ, và Bộ quản lý thì yêu cầu địa phương phải chỉnh sửa lại”- Chủ tịch Hiệp hội Thép khẳng định.
 
 
Nguồn: daidoanket

ĐỌC THÊM