Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thép lại vào chu kỳ tăng giá

So với mức đáy thiết lập hồi tháng 4 - 5/2010, giá thép cuộn bán ra trên thị trường đã tăng trung bình 3 - 4 triệu đồng/tấn, hiện dao động trong khoảng 15 - 15,5 triệu đồng/tấn. Giá thép được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm do nguồn nguyên liệu đầu vào tăng giá và các nhà đầu tư đẩy mạnh tiến độ các công trình xây dựng.

Theo dự báo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), đến cuối tháng 8, giá thép mới tăng nhẹ, nhưng thực tế, trong tháng 7 - 8, giá thép đã được điều chỉnh mạnh. Riêng tháng 7, Tổng công ty Thép đã 4 lần tăng giá bán, tháng 8 điều chỉnh 3 lần (lần gần nhất vào ngày 23/8).

 

Tăng giá do nhập khẩu

Trước đó, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đưa ra dự báo, do ảnh hưởng của mưa bão, ước tính lượng thép tiêu thụ trong tháng 8 sẽ giảm hơn so với tháng 7, chỉ ở mức 350.000 - 400.000 tấn, thấp hơn 50.000 tấn so với tháng 7, nên giá bán của mặt hàng này dự kiến ít biến động. Theo các chuyên gia thì đến tháng 9 thị trường thép mới có khả năng tăng giá.

Nguyên nhân khiến thép tăng giá mạnh được Hiệp hội Thép giải thích dựa trên nhiều yếu tố. Thứ nhất, trên thị trường thế giới, giá chào phôi thép 15 ngày đầu tháng 8/2010 tăng khá cao, nhất là các hợp đồng giao ngay do các nhà máy tăng cường việc mua vào. Giá chào phôi thép ở mức 600 - 620 USD/tấn, tăng khoảng 90 USD/tấn so với cùng kỳ tháng 7; tại thị trường Đông Nam Á, giá chào phôi thép phổ biến ở mức 580 -590 USD/tấn, tăng 50 USD/tấn so cùng kỳ tháng 7.

Thép phế cũng lên mức 420 - 430 USD mỗi tấn. Thứ hai, tỷ giá USD trong vòng một tháng trở lại đây đã tăng 500 đồng, 70% lượng thép cán trong nước dùng nguyên liệu nhập khẩu, giá tăng là lẽ đương nhiên. Thứ ba, lượng thép tồn kho của các nhà phân phối sang tháng 7 đã cạn dần, buộc các DN phải nhập hàng khiến nhu cầu tăng lên, cùng với đó, giá thép đã tăng theo.

Việc tăng giá thép, theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Tổng thư ký Hiệp hội Thép, là diễn biến bình thường. Trong năm nay, diễn biến giá của mặt hàng này có thể chia thành hai giai đoạn. Cuối năm 2009 đến giữa tháng 4/2010, thép xây dựng tại thị trường trong nước liên tục tăng cao cả về lượng tiêu thụ và giá. Giá cả có thể thay đổi từng tuần. Trước tình hình đó, đã có hai đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương vào cuộc. Tuy nhiên, kết quả đều cho rằng việc tăng giá thép không có gì bất hợp lý. Thực tế, vào thời gian đó, giá phôi thép trên thế giới ở mức khá cao, khoảng 670 - 690 USD/tấn, thép phế 480 - 500 USD/tấn. Cộng thêm với việc tăng giá điện, giá xăng dầu đã khiến giá thép tăng mạnh.

Sang quý II, lượng tiêu thụ thép đột ngột giảm mạnh đã làm cho giá thép liên tục đi xuống. Đến tháng 6, nhiều doanh nghiệp vì lý do tài chính buộc phải bán thép dưới giá thành sản xuất từ 1 - 1,3 triệu đồng tấn (giá thành sản xuất bình quân khoảng 12,5 triệu đồng/tấn).

 

Doanh nghiệp được lợi

Về triển vọng thị trường thế giới thời gian tới, các nhà phân tích cho rằng, giá phôi và thép sẽ hồi phục trở lại sau tháng 9, khi tháng Ramadan của người đạo Hồi kết thúc và các hoạt động kinh tế khu vực năng động nhất trên thế giới tăng trở lại.

"Thị trường thép rất đặc biệt. Khi giá tăng luôn tăng rất mạnh và ngược lại. Hiện tình hình giá phôi, thép phế và USD biến động, không chỉ thị trường trong nước mà ngay cả trên thế giới, diễn biến giá cả thị trường thép do vậy sẽ rất khó lường", ông Nghi nhận định.

Nghịch lý trên thị trường thép là giá tăng thường kích thích nhu cầu mua và tâm lý đầu cơ của hệ thống đại lý vốn phân phối theo phương thức "mua đứt bán đoạn". Như vậy, diễn biến của thị trường hiện nay sẽ cải thiện đáng kể biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép. Ngoài ra, hạng mục hàng tồn kho của các nhà máy với giá thành sản xuất trung bình khoảng 12 triệu đồng/tấn vốn là gánh nặng của doanh nghiệp, thậm chí phải trích dự phòng giảm giá vào cuối quý II giờ lại thành "món lợi". Điểm qua báo cáo của một số doanh nghiệp ngành thép niêm yết, khoản mục này khá lớn (tính đến cuối quý II). Chẳng hạn, Thép Việt Đức hàng tồn kho ở mức 350 tỷ đồng, Thép Tiến Lên 368 tỷ đồng, Thép Việt Ý 282 tỷ đồng.

Giá thép tăng đến mức nào khó dự đoán và phụ thuộc chủ yếu vào giá thế giới, vì 70% lượng phôi thép và 47% lượng thép phế phải nhập khẩu. Do đó, nếu giá thế giới có biến động mạnh thì giá trong nước cũng sẽ điều chỉnh theo. Tuy vậy, mức giá kỷ lục mà thép đã từng lập khi đạt tới 21 triệu đồng/tấn được nhận định khó lặp lại, bởi khi đó giá phôi trên thế giới ở mức 1.150 USD/tấn.

Nguồn: ĐTCK-online

ĐỌC THÊM