Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thép giảm thêm 500.000 đồng/tấn

Chỉ trong 3 ngày đầu tuần, giá thép xây dựng lại tiếp tục giảm mạnh, từ 200.000 -500.000 đồng/tấn.

Trao đổi với PV VietNamNet chiều 19/5, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, đây là đợt giảm giá thứ hai của các doanh nghiệp thành viên kể từ đầu tháng 5 tới nay. Mức giảm giá trên cũng tương đương mức giảm giá thép ở tuần đầu tháng 5.

Trong đó, các doanh nghiệp thép phía Bắc giảm mạnh nhất, từ 300.000-  500.000 đồng/tấn, chưa kể mức chiết khấu cho đại lý. Phía Nam, các nhà máy giảm nhẹ hơn với mức 200.000 đồng/tấn.

Mô tả ảnh.
Giá thép đang đi xuống (ảnh: VNN)

 

Tính chung lại, giá thép tại các nhà máy đã giảm tới cao nhất là 1 triệu đồng/tấn và thấp nhất là 600.000 đồng/tấn trong 20 ngày qua.

Hiện nay, mức giá giao dịch tại các nhà máy, chưa gồm VAT dao động trong khoảng từ 13,2- 13,8 triệu đồng/tấn.

Trên thị trường bán lẻ, ghi nhận của PV. VietNamNet tại một số cửa hàng thép khu vực đường Láng cho thấy, giá bán lẻ cũng đang nhanh chóng hạ nhiệt.

Nhãn hiệu thép Việt Úc, hôm Chủ nhật, 16/5, giá thép ở mức 15 triệu đồng/tấn, đến hôm 19/5, chỉ còn 14,8 triệu đồng/tấn (gồm cả VAT).

Các đại lý thép của thép Thái Nguyên cũng cho hay, giá thép đã hạ đáng kể, từ 15,4 triệu đồng/tấn hiện chỉ còn 14,817 triệu đồng/tấn.

So với thời kỳ đỉnh điểm giữa tháng 4, khi giá thép leo lên tới mức 16,3- 17 triệu đồng/tấn thì tới nay, giá thép bán lẻ đã giảm nhiệt tới 2 triệu đồng/tấn.

Các chủ cửa hàng bán lẻ đều đánh giá, dù vậy, việc giảm giá thép vẫn diễn ra chậm hơn so với lúc tăng giá trước kia.

Ngoài ra, giá mua thép từ các nhà thương mại hiện nay, còn thấp hơn từ 100.000 – 300.000 đồng/tấn so với giá mua tại nhà máy.

Lý giải về sự đi xuống của giá thép, ông Nguyễn Tiến Nghi cho rằng, vẫn là do tình hình tiêu thụ thép quá chậm của các nhà máy. Tiêu thụ thép tháng 5 còn giảm thấp hơn so với con số 299.000 tấn thép trong tháng 4 và chắc chắn, thua xa so với sản lượng tiêu thụ tới 568.000 tấn thép hồi tháng 3.

Bên cạnh đó, giá phôi trên thế giới cũng chững lại trong suốt gần một tháng nay và  có vẻ đi xuống, từ 670 USD/tấn chỉ còn 610- 630 USD/tấn.

Trước tình trạng này, các doanh nghiệp đều phải tính toán lại. Nếu để lượng hàng tồn kho quá lớn thì khoản lãi phải trả cho ngân hàng, còn cao hơn so  với việc giảm giá để đẩy hàng.

Do đó, nhiều doanh nghiệp đang phải cắn răng chịu lỗ, hạ giá. Vì với mức giá phôi là 640 USD/tấn trước đây, chưa tính chi phí gia công, giá thành của thép đã lên tới khoảng 13 triệu đồng/tấn. Đồng thời, tạm thời ngừng nhập phôi, chờ tín hiệu giá tiếp tục xuống mới mua.

Bên cạnh đó, giữa các nhà máy cũng đang phải “ganh” nhau về mức chiết khấu để cạnh tranh. Vì thế, dù giá niêm yết công khai, nhưng thực tế, các cửa hàng bán lẻ hay nguời tiêu dùng mua số lượng lớn, có thể còn được mua với giá ưu đãi hơn nhiều.

Các cửa hàng bán lẻ cũng đang lo ngại về khả năng bị lỗ khi giá thép giảm theo ngày, bởi nếu nhập hàng và chưa bán xong, giá lại hạ ngay sau đó thì cửa hàng bán lẻ cũng lỗ.

Vietnamnet 

ĐỌC THÊM