Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thắt chặt tín dụng là cần thiết

LTS: Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm ổn định thị trường tiền tệ, hạ lãi suất và đồng thời kiềm chế lạm phát. Các nhà quản lý ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam suy nghĩ về điều này như thế nào? Tổng giám đốc các ngân hàng HSBC, Standard Chartered, ANZ… chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị quan điểm của họ.

 

 
Theo các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, hạn chế tăng trưởng tín dụng là việc làm đúng của chính phủ Việt Nam để kìm chế lạm phát. Ảnh: TL SGTT

 

Xin cho biết quan điểm của ông về những chính sách tiền tệ mà ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang áp dụng, trong đó có việc áp dụng trần lãi suất huy động với đồng Việt Nam và đôla Mỹ, cũng như vấn đề hạ lãi suất.

 Ông Sumit Dutta, tổng giám đốc HSBC Việt Nam: Khi tôi bắt đầu làm việc ở Việt Nam từ tháng 8.2008, tỷ giá lúc bấy giờ là khoảng 16.000 đồng/ USD, trong vòng mấy năm qua tiền đồng đã mất giá rất nhiều. Nhưng kể từ đầu năm đến nay, tỷ giá chỉ mới trải qua một lần điều chỉnh và tỷ giá trong sáu tháng qua rất ổn định. Điều này chứng tỏ chính sách tiền tệ của Chính phủ đang có hiệu quả. Điều quan trọng nhất là củng cố lòng tin vào đồng nội tệ, và Chính phủ đang làm rất tốt điều này. Việc áp dụng trần lãi suất huy động tôi nghĩ nhằm mục tiêu hạ lãi suất nói chung xuống. Đây là hướng đi đúng. Tất nhiên, chính sách đúng chỉ có thể phát huy tác dụng khi việc thực thi tốt. Việc thực hiện có hiệu quả hay không thì còn là vấn đề phải xem xét.

Tôi cho là NHNN hiểu rõ việc này, và đang tìm cách để giải quyết nó. Những điều đang xảy ra trên thực tế (các ngân hàng huy động vượt trần – SGTT) không phải là bí mật gì. Tôi ấn tượng với những gì thống đốc mới đã nói là NHNN sẽ đối thoại với những ngân hàng vi phạm quy định, và sẽ có những thanh tra và xử phạt với những ngân hàng vi phạm.

Ông Louis Taylor, tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam:

Chúng tôi đồng ý với hướng chính sách tiền tệ hiện nay nhằm ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá. Lãi suất cao hiện nay có thể tạo ra những khó khăn, nhưng nó tạo sự ổn định trong tương lai. Cách để hạ lãi suất là giảm lạm phát. Một khi chỉ số lạm phát đi xuống rõ ràng thì lúc đó NHNN có thể giảm mức lãi suất chính sách. Ở thời điểm hiện nay, với mức lạm phát vẫn còn ở mức cao 23%, rất khó để NHNN có thể giảm lãi suất chính sách. Tôi cho rằng khi NHNN bắt đầu giảm lãi suất chính sách, họ phải thông tin cho thị trường tốt hơn. Vừa rồi, khi NHNN hạ 1% lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, thực chất là một động thái mang tính kỹ thuật, nhưng họ không thông tin rõ ràng khiến cho thị trường lúng túng, không biết là NHNN định nới lỏng chính sách tiền tệ hay không.

Ông Tared Muhmood, tổng giám đốc ANZ Việt Nam:

Chúng tôi hỗ trợ nỗ lực của Chính phủ và NHNN trong việc kiểm soát lạm phát và ổn định môi trường kinh tế vĩ mô. Điều này sẽ giúp cho tăng trưởng về trung và dài hạn của nền kinh tế. Các cơ quan nhà nước sẽ bỏ lãi suất trần khi họ cảm thấy phù hợp.

Một trong những biện pháp kiềm chế lạm phát mà NHNN đang áp dụng là hạn chế phát triển tín dụng ở mức 20% năm. Chính sách này ảnh hưởng thế nào đến hoạt động của ngân hàng?

Ông Sumit Dutta: Hạn chế tăng trưởng tín dụng là việc làm đúng. Trong vòng vài năm qua, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam hàng năm rất cao, ở mức từ 30% đến 50%, và tổng mức tín dụng hiện đã đạt 118% GDP rồi. Vấn đề là thực hiện thế nào? Hiện nay NHNN áp dụng đồng loạt cho tất cả các ngân hàng. Điều này cũng ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng của chúng tôi… Tầm nhìn của HSBC ở Việt Nam rất dài hạn. Lợi nhuận trong một năm 2011 hay 2012 không phải điều quan trọng nhất đối với chúng tôi. Quan trọng là chúng tôi xây dựng một nền tảng phát triển lâu dài. Với vấn đề cho vay phi sản xuất, tôi nghĩ có lẽ nên nghiên cứu xem xét đối tượng của khoản vay. Hiện tại cho vay mua nhà bị coi là phi sản xuất. Nhưng có rất nhiều người có tài chính mạnh khoẻ và có nhu cầu thiết thực về nhà ở. Tôi cho rằng cần phải phân biệt rõ những người mua nhà để ở và những người mua nhà để đầu cơ.

Ông Louis Taylor: Chúng tôi ủng hộ việc hạn chế tăng trưởng tín dụng. Nhưng có cách tốt hơn để áp dụng chính sách này cho toàn nền kinh tế. Đối với những ngân hàng mạnh về vốn, quyết toán tài chính lành mạnh, tỷ lệ nợ xấu thấp, chủ yếu là cho vay trong khu vực sản xuất và có quy trình quản lý tốt, thì nên được phép tăng trưởng tín dụng cao hơn những ngân hàng yếu kém.

Liệu NHNN có nên nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng lên so với hiện nay?

Ông Louis Taylor: Tỷ lệ dự trữ bắt buộc với tiền đồng hiện nay chỉ là 3%; với ngoại tệ thì cao hơn. Tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc là một chính sách tiền tệ khác mà NHNN có thể sử dụng để thắt chắt tiền tệ. Một số nước đang áp dụng biện pháp này, chẳng hạn như Trung Quốc. Chúng tôi thấy cần phải thắt chặt tiền tệ ở Việt Nam, nhưng ở thời điểm hiện nay chính sách đã khá chặt rồi, có thể nếu áp dụng thêm một biện pháp thắt chặt nữa thì lại là quá chặt!

Ông nhận định thế nào về triển vọng tình hình tỷ giá từ nay đến cuối năm?

Ông Dutta: Tiền đồng trong sáu tháng qua khá ổn định. Chúng tôi ủng hộ xu hướng ổn định của tiền đồng. Chính phủ đã và đang giữ ổn định tỷ giá rất tốt. Nếu làm cho người dân tin tưởng tiền đồng là một tiền tệ ổn định và giữ tiền đồng thay vì đầu tư vào USD hay vàng thì đây là một xu hướng tốt cho nền kinh tế.

Ông Taylor: Chúng tôi đã từng dự đoán về khả năng phá giá tiền đồng, nhưng thời gian qua tỷ giá khá ổn định và chúng tôi đã thay đổi quan điểm của mình. Tôi cho rằng nếu NHNN tiếp tục chính sách hiện nay thì tỷ giá sẽ thay đổi. Mặc dù vậy, nếu nhìn vào tăng trưởng tín dụng USD ở mức trên 20% trong khi tăng trưởng tín dụng tiền đồng chỉ hơn 2% trong thời gian, thì chúng ta cần phải cẩn trọng về tác động của thị trường khi những người vay USD đến đáo hạn, và cuối năm khi nhu cầu nhập khẩu tăng lên.

Nguồn tin: SGTT