Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thận trọng khi mua vật liệu xây dựng

- Thị trường vật liệu xây dựng hiện nay như trăm hoa đua nở, điều này giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn cho ngôi nhà của mình. Nhưng cũng có vô vàn hàng kém chất lượng gây nhiều thiệt hại cho người tiêu dùng

 

Anh Vũ Tiến Dũng ở số nhà 142 Thái Thịnh 1 (Hà Nội) kể: Vừa rồi anh đã mua tại đại lý Sơn Quỳnh ở đường Trường Chinh 2 thùng Dulux 18l sơn lót, 2 thùng 5l sơn ICI Dulux và 4 thùng sơn Vatex tổng cộng hết gần 4 triệu đồng. Sau khi trả trước một ít tiền, bà chủ bảo anh cứ về trước sẽ cho người chở ngay sơn tới nhà. Phải hơn 1 giờ đồng hồ sau, sơn mới được chở tới nhà anh. Sau khi nhận hàng và kiểm tra kỹ, anh thanh toán nốt số tiền còn lại. Hôm sau, thợ của anh khi kiểm tra sơn phát hiện một thùng ICI Dulux đã bị rút ruột, 1 thùng sơn 18 lít đã quá hạn sử dụng, sơn trong thùng đã bị vón cục, không thể sử dụng được nữa.

Anh Trần Mạnh Hùng ở tập thể Vĩnh Hồ (Hà Nội) bức xúc: Sau khi thỏa thuận mua thép Thái Nguyên với giá 450 nghìn đồng/cây tại cửa hàng Chung Lâm ở 510 đường Trường Chinh, anh được chủ cửa hàng đon đả: “Anh cứ về trước, sẽ có người chở thép đến cho anh ngay”. Một lúc sau có người chở hàng đến nhưng không phải thép Thái Nguyên như đã thỏa thuận mà là thép “TISSO” nhái thép Thái Nguyên. Anh gọi điện lại cho chủ cửa hàng thì được trả lời tỉnh bơ “tiền nào của nấy, nếu muốn lấy thép Thái Nguyên thì phải trả thêm 50.000 đồng cho mỗi cây”.

Một người kinh doanh lâu năm trong ngành vật liệu xây dựng (VLXD) cho biết: Do giá chênh lệch khá cao giữa các hãng sơn, một số cửa hàng bán sơn có “chiêu” đổi ruột, bằng cách đổ sơn nước loại rẻ tiền vào thùng sơn có nhãn hiệu giá cao. Người mua khó có thể phát hiện được. Chủ cửa hàng thu mua lại các thùng đã qua sử dụng từ nguồn công nhân thợ hồ, những người bán ve chai với giá khoảng 10.000 đồng/thùng.

Anh Trần Văn Cung, một thợ xây chuyên nghiệp khẳng định: Nếu mua nhầm sơn rẻ tiền, sau một thời gian sử dụng, sơn sẽ bị hiện tượng phấn hóa, chạm vào rất bẩn. Sơn cũng nhanh bị xỉn màu, lớp sơn mau bị bong, rộp... Sơn giả màu sẽ không đều, sơn bị lợn cợn do không được hòa tan giữa các chất, độ kết dính thấp, dễ bị bong tróc từng mảng lớn khi đã khô...

Ông Nguyễn Văn Bình, một chủ thầu xây dựng cho hay: Trên thị trường hiện nay có các loại thép giả Việt - úc có tên là “VUC”, “VUA”, thép giả Việt - Hàn là “VP” và “UP”, thép giả Thái Nguyên với nhãn hiệu “TISCO”, “TISSCO”. Về hình thức, thép giả bây giờ làm rất tinh vi, người không am hiểu sẽ rất khó phân biệt. Loại sắt thép gia công này hoàn toàn dùng phôi đúc sẵn, là nguyên liệu từ sắt thép phế liệu mà ra, khả năng chịu lực rất kém, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình... Để tránh mua phải hàng giả, NTD nên lấy trực tiếp tại cửa hàng và chở về ngay.

Theo một chuyên viên QLTT, hiện nay tình trạng VLXD bị làm giả, làm nhái tương đối phổ biến, lực lượng QLTT đã có nhiều đợt thanh kiểm tra nhưng không bắt được. “Chúng tôi kiểm tra tại các cửa hàng, đại lý không có thì chịu vì đại lý mua hàng giả thường chuyển về kho riêng cất giấu, nếu đi trinh sát chúng tôi chỉ phát hiện được sự gian lận về giá cả. Hơn nữa, lực lượng QLTT không có chức năng chặn xe, hay vào các công trường xây dựng để kiểm tra”, chuyên viên này cho biết. TS Nguyễn Ngọc Tuấn - Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD khẳng định, thời gian qua Hội chưa nhận được khiếu nại nào về lĩnh vực VLXD, nếu nhận được, Hội sẽ tiến hành giải quyết và nếu số tiền thiệt hại của NTD trên 100 triệu đồng thì thay mặt NTD, hội sẽ đứng ra khởi kiện./.

(VOV)

ĐỌC THÊM