Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thái Lan tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với Thép Nam Kim, Tập đoàn Hoà Phát, Tập đoàn Hoa Sen

Thái Lan vừa quyết định tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép phủ màu của Thép Nam Kim, Tập đoàn Hoà Phát, Tập đoàn Hoa Sen và một số doanh nghiệp ngành thép khác của Việt Nam.

Thái Lan áp thuế chống bán phá giá thép phủ màu

Sản phẩm thép phủ màu của Thép Nam Kim, Tập đoàn Hoà Phát, Tập đoàn Hoa Sen và một số doanh nghiệp ngành thép khác của Việt Nam tiếp tục bị Thái Lan áp thuế chống bán phá giá từ 6,2% đến 40,49%.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết Cục Ngoại thương Thái Lan (DFT) ban hành kết luận cuối cùng trong 02 vụ việc rà soát cuối kỳ lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm: thép mạ hợp kim nhôm kẽm và thép phủ màu có xuất xứ từ Việt Nam.

Theo đó, Bộ Ngoại thương Thái Lan quyết định chấm dứt lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với thép mạ hợp kim nhôm kẽm và gia hạn biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép phủ màu trong thời hạn 5 năm sau quá trình rà soát.

Các vụ việc này được Bộ Ngoại thương Thái Lan thông báo khởi xướng điều tra rà soát cuối kỳ vào ngày 31/3/2022 để xem xét việc tiếp tục hoặc không tiếp tục áp dụng lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm nêu trên.

Với vụ việc thép mạ hợp kim nhôm kẽm, danh sách các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam được nêu tên bao gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (NKG), Công ty TNHH MTV Tôn Hòa Phát - đơn vị thành viên Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (HPG), Công ty Cổ phần Tôn Đông Á (GDA), Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (DTL), Công ty Cổ phần Tôn mạ Vnsteel Thăng Long, Công ty cổ phần Maruichi Sun Steel, Công ty TNHH NS BlueScope Việt Nam và Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam.

Với vụ việc thép phủ màu, danh sách các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam được nêu tên bao gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (NKG), Công ty TNHH MTV Tôn Hòa Phát, Công ty Cổ phần Tôn Đông Á (GDA), Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (DTL), Công ty Cổ phần Tôn mạ Vnsteel Thăng Long, Công ty Cổ phần Maruichi Sun Steel, Công ty TNHH NS BlueScope Việt Nam, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, và Công ty Cổ phần Tôn mạ màu Fujiton.

Trước đó, ngày 18/9/2015, Bộ Ngoại thương Thái Lan đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với hai sản phẩm thép mạ hợp kim nhôm kẽm và thép phủ màu của Việt Nam. Đến ngày 25/3/2017, cơ quan này ban hành quyết định cuối cùng, quyết định áp thuế chống bán phá giá từ 4,3% đến 60,26% đối với thép mạ hợp kim nhôm kẽm và từ 6,2% đến 40,49% đối với thép phủ màu nhập khẩu từ Việt Nam. Mức thuế chống bán phá giá sẽ có hiệu lực trong vòng 5 năm.

Về tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thép, theo tính toán của Chứng khoán KIS Việt Nam, tổng doanh thu trong quý 1/2023 của 24 doanh ngành thép đang niêm yết trên thị trường chứng khoán đã giảm 37,8% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tổng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Một số doanh nghiệp đã ghi nhận mức lợi nhuận dương trở lại.

Mặc dù mức lợi nhuận dương trở lại chủ yếu là do hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho, nhưng áp lực hàng tồn kho chi phí cao được Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định đã được giải phóng hoàn toàn. Do đó, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép được kỳ vọng tuy ở mức thấp nhưng sẽ khả quan hơn trong quý 2 này nhờ vào chi phí đầu vào thấp (quặng sắt, than luyện cốc, v.v.) bất chấp việc giá bán trung bình gần đây giảm.

Nguồn tin: Công thương

ĐỌC THÊM