Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tập đoàn kinh tế tư nhân: Khát vọng của doanh nghiệp Việt

Tại cuộc hội thảo “Nhận diện mô hình và con đường tập đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam” do Bộ Kế hoạch & Đầu tư phối hợp với Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Mạnh Cường - Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết: CôngThương - Sau hơn 20 năm đổi mới, khu vực tư nhân đã chiếm tới 60% GDP, trong đó DN trẻ chiếm đến 25% với 8.000 DN.

Tháng 10/2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý về nguyên tắc đề xuất mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân. Theo đó, Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh, pháp luật, thủ tục hành chính để ngày càng có nhiều doanh nghiệp ra đời, phát triển bền vững, xây dựng được những tập đoàn kinh tế tư nhân với thương hiệu mạnh có sức cạnh tranh trên trường quốc tế.

Xu hướng tất yếu

Mặc dù, có nhiều doanh nghiệp (DN) đã tạo được những bước phát triển tích cực trong những năm qua, nhưng phần lớn DN tư nhân Việt Nam thường có quy mô nhỏ lẻ, sức cạnh tranh yếu… Do đó, phải hợp tác với nhau tập hợp sức mạnh để trở thành tập đoàn kinh tế tư nhân, bảo đảm tồn tại, phát triển bền vững trong hội nhập. Đây cũng là vấn đề xuyên suốt tại diễn đàn.

TS Nguyễn Đình Cung - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trao đổi với báo giới, ông cũng cho rằng: việc phát triển từ một DN nhỏ thành một DN lớn và đến một mức nào đó thành tập đoàn là một nhu cầu tất yếu, khách quan. Nó như một quy luật phát triển từ nhỏ đến lớn, mà nếu không lớn được thì sẽ thất bại.

Tuy nhiên, với một mô hình còn hoàn toàn mới, rất nhiều ý kiến còn băn khoăn về các bước đi cho doanh nghiệp, vì Việt Nam chưa có tiền lệ. Chúng ta phải học hỏi mô hình của nước ngoài. TS Nguyễn Mạnh Cường cho biết, mô hình tập đoàn trên thế giới rất đa dạng. Ở các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hay ở châu Âu, thông thường tập đoàn kinh tế tư nhân được hình thành thông qua quá trình sáp nhập hoặc mở rộng ra thành cấu trúc tập đoàn. Các nước Nhật Bản, Trung Quốc hay Hàn Quốc ra đời sau, nên rút được kinh nghiệm có sự dẫn dắt của nhà nước để đi đúng quy luật thị trường, do đó phát triển nhanh hơn. Việc áp dụng những mô hình đó vào Việt Nam phải đặt trong khung thể chế kinh tế và văn hóa cụ thể của nước ta.

Tập đoàn kinh tế: khát vọng vươn lên

Khát vọng vươn lên của các doanh nhân cũng như nhu cầu có được một sân chơi công bằng với các tập đoàn kinh tế nhà nước là điều bức xúc được nêu ra tại diễn đàn.

Trong khi một số ý kiến cho rằng, việc nhiều doanh nghiệp đặt hai chữ "tập đoàn" trước tên mình trong khi chưa đủ "tầm”, nhưng ông Lê Phước Vũ, Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen lại thẳng thắn bộc lộ: "Đó là một khát vọng”. Khát vọng này đã được rất nhiều doanh nhân hưởng ứng. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT bộc lộ quan điểm, câu chuyện về những “đại gia” như Huyndai, LG, Samsung của Hàn Quốc, Toyota, Honda của Nhật Bản… nhắc nhở chúng ta rằng: các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hoàn toàn có quyền khát vọng về một tập đoàn mang tầm vóc thế giới.

"Các doanh nghiệp muốn vươn lên thì nhất thiết phải có khát vọng vươn lên. Nếu dựa vào các tập đoàn nước ngoài thì đất nước ta được lợi rất ít mà lại rơi vào nguy cơ phụ thuộc kinh tế. Bởi vậy, nhất định phải phát triển các tập đoàn tư nhân, coi đó là tài sản chung của cả dân tộc, làm giàu cho dân tộc chứ không phải cho riêng ai"- ông Lê Phước Vũ nói. Ông Phạm Đình Đoàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam cho rằng, cần cởi mở hơn nữa trong quan điểm phát triển kinh tế, không nên phân biệt tập đoàn tư nhân hay tập đoàn nhà nước: "Các tập đoàn nhà nước chiếm tới 75% tài sản nền kinh tế, nhưng chỉ nộp ngân sách có 28,8%. Tập đoàn tư nhân phát triển chắc chắn sẽ là tấm gương phản chiếu tốt nhất cho các tập đoàn nhà nước". Đồng tình với ý kiến này, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên khẳng định: "Điều quan trọng là trao đồng vốn, trao trách nhiệm cho người xứng đáng. Chúng ta đang có cơ hội lấy được các nguồn lực từ bên ngoài để phát triển kinh tế đất nước, chúng ta phải tận dụng điều đó, nhưng lợi nhuận nhất định phải nằm lại Việt Nam".

baocongthuong

ĐỌC THÊM