Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tăng giá dầu mỏ - "đòn chí tử" cho phục hồi kinh tế toàn cầu?

Sự phục hồi kinh tế năm 2009 đi liền với mức giá dầu chỉ ở khoảng 62 USD/thùng, không phải là 90 USD/thùng hay 100 USD/thùng như chúng ta có thể sẽ phải chứng kiến trong thời gian tới. Sự tăng lên quá cao của giá dầu như thời gian này sẽ là một đòn chí tử cho kinh tế toàn cầu, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang cố gắng hết sức để tránh nguy cơ bùng nổ thêm một cuộc khủng hoảng nữa. Trong tuần qua, giá dầu giao dịch trên thị trường có thời điểm đã lên tới 87 USD/thùng, ngưỡng cao nhất kể từ tháng 10/2008, và bắt đầu gây ra những lo ngại rằng mức giá 3 con số có thể sẽ lại một lần nữa xảy ra.

Theo nhận định của giới quan sát, sau 8 tháng liên tiếp được giao dịch trong ngưỡng giá 70 USD/thùng tới 80 USD/thùng - mức giá được cho là thỏa mãn cả người sản xuất và người tiêu dùng - thì sự tăng giá trong những ngày qua đã chứng minh thị trường ngày càng đặt lòng tin vào phục hồi kinh tế thế giới, mặc dù đa số các nhà đầu tư cũng như giới ngân hàng vẫn tỏ ra cẩn trọng về những yếu tố cung cầu cơ bản trên thị trường.

Mặc dù trong hai ngày cuối tuần, giá dầu có giảm nhẹ trước những lo ngại về tình hình tài chính Hy Lạp, tuy nhiên, phố Wall vẫn tin tưởng rằng giá dầu sẽ còn tăng cao hơn nữa, tiêu biểu, Barclays Capital dự đoán giá dầu sẽ tăng lên 97 USD/thùng trong năm tới, Goldman Sachs và Morgan Stanley lần lượt đưa ra các con số dự đoán là 110 USD/thùng và 100 USD/thùng.

Tuy nhiên, giá dầu càng tăng cao, sự lo ngại rằng nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng đồng thời tăng lên. Jeff Rubin, cựu chuyên gia kinh tế của CIBC, tác giá cuốn sách viết về dầu mỏ và sự toàn cầu hóa, khẳng định: "Mức giá dầu tăng lên tới 3 con số đang bắt đầu đe dọa tới phục hồi kinh tế thế giới."

Giá dầu mỏ cũng như một số mặt hàng chính, đặc biệt là quặng sắt và đồng, có thể tiếp tục tăng lên, kéo theo nguy cơ xảy ra lạm phát và buộc ngân hàng trung ương các nước phải tăng lãi suất cho vay cơ bản vốn đang được giữ ở mức quá thấp trong thời gian qua. Đồng thời, nó cũng giúp đẩy mạnh sự tăng giá cổ phiếu của các công ty trong lĩnh vực năng lượng trên các thị trường chứng khoán.

Giá dầu lần đầu tiên đạt mức 100 USD/thùng hồi tháng 1/2008 và tiếp tục tăng lên tới mức giá kỷ lục 147 USD/thùng vào tháng 7 cùng năm trước khi giảm xuống chỉ còn 32 USD/thùng trong tháng 12. Tuy nhiên, giá dầu đã dần dần hồi phục cùng với đà hồi phục của kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng. Hôm thứ Năm (07/04), giá dầu thế giới được giao dịch ở mức giá 85 USD/thùng.

Tuy nhiên, khác với năm ngoái khi sự tăng giá của dầu đi kèm với đồng đôla yếu, năm nay, cả giá dầu và và giá đôla cùng đồng loạt đi lên.

Một số chuyên gia kinh tế tin rằng, mức giá dầu được giao dịch ở 80 USD/thùng không gây đe đọa tới mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu 4% mà Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) đã dự đoán cho năm 2010. James Hamilton, chuyên gia kinh tế Đại học California, đã có bài viết về những tác động mà giá dầu cao kỷ lục hồi tháng 7/2008 đã gây ra cuộc khủng hoảng đối với các hộ gia đình trong thời gian đó. Lần này, ông cho rằng, người tiêu dùng đã được chuẩn bị tâm lý để đối phó với sự gia tăng của giá dầu.

Hussein Allidina, chiến lược gia hàng hóa của Morgan Stanley nhận định, mức giá dầu dự đoán 100 USD/thùng cho năm 2011 sẽ làm "gánh nặng dầu mỏ" của thế giới tăng từ con số 2,8% trong năm 2009 lên 4% cho năm sau. Bên cạnh đó, các nước phát triển sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các nền kinh tế mới nổi do các nền kinh tế mới nổi có sức tăng trưởng kinh tế mạnh hơn cũng như có đủ khả năng để trợ cấp nhiên liệu trong nước.

Mặc dù vậy, trong bất cứ trường hợp nào, sự gia tăng giá dầu mỏ cũng mang lại nhiều yếu tố tích cực hơn so với các tác động tiêu cực mà nó gây ra. Lutz Kilian, chuyên gia kinh tế thuộc Đại học Michigan, người đã nghiên cứu về tác động của những cơn sốc giá dầu đối với nền kinh tế cho biết: "Chúng ta không thể có được sự phục hồi toàn cầu mà không đi kèm với sự phục hồi giá dầu mỏ. Vì nhu cầu chi phối giá cả nên cách duy nhất để giữ giá dầu thấp đi là tiếp tục duy trì kinh tế trong khủng hoảng, một điều nghe có vẻ không hấp dẫn gì."

Song, viễn cảnh giá dầu tăng lên quá cao cũng khiến nhiều nhà phân tích lo ngại. Olivier Jakob, chuyên gia kinh tế thuộc công ty tư vấn Petromatrix khẳng định: "Sự phục hồi kinh tế năm 2009 đi liền với mức giá dầu chỉ ở khoảng 62 USD/thùng, không phải là 90 USD/thùng hay 100 USD/thùng như chúng ta có thể sẽ phải chứng kiến trong thời gian tới. Sự tăng lên quá cao của giá dầu như thời gian này sẽ là một nụ hôn tử thần với kinh tế toàn cầu, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang cố gắng hết sức để tránh nguy cơ bùng nổ thêm một cuộc khủng hoảng nữa."

FT

ĐỌC THÊM