Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Sản xuất kinh doanh thép khả quan

  Mặc dù có sự trồi sụt với biên độ khá cao từ đầu năm tới nay, song tính đến hết 6 tháng đầu năm, kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thép trong nước vẫn đạt mức tăng trưởng khả quan.

Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ông  Phạm Chí Cường-Ảnh: Chinphu.vn

Sản suất và tiêu thụ tăng trưởng khá

Sau khi tăng cả về lượng và giá trong 3 tháng đầu năm, sang tháng 4 sự suy giảm về tiêu thụ cũng như giá bán thép không chỉ xảy ra ở trong nước mà tất cả các nước trong khu vực cũng phải đối mặt với tình trạng trên đến đầu tháng 7.

Mặc dù vậy, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), về tổng thể, kết quả sản xuất và kinh doanh trong 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp là khá khả quan. Riêng đối với sản phẩm thép xây dựng, sản xuất tăng 23,15% và bán hàng tăng 12,2% là kết quả rất đáng khích lệ.

Cụ thể, sản xuất thép thành phẩm (thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu) của cả nước trong 7 tháng đầu năm đạt 4,6 triệu tấn, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 38,5%, riêng tháng 7 sản xuất đạt gần 500.000 tấn.

Nhà máy thép cán nguội với công suất 1,2 triệu tấn/năm của Công ty POSCO Việt Nam đã đi vào sản xuất từ tháng 10/2009 đã khiến sản lượng thép cán nguội có sự gia tăng đột biến ở mức 312%. Sản xuất phôi thép của cả nước đạt 1,5 triệu tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.

Về tình hình tiêu thụ 7 tháng đầu năm đạt 2,7 triệu tấn. Trong đó, các sản phẩm thép dài tiêu thụ tăng 18%; tiêu thụ các loại thép khác (thép không gỉ, ống thép hàn, ống thép không hàn, thép chế tạo…) cũng tăng 25%. Riêng sản phẩm dẹt (HRC, CRC, HR sheet, CR sheet và các loại khác) chỉ bằng 84% của cùng kỳ năm 2009.

Do có sự giảm sút tiêu thụ các sản phẩm dẹt nên tổng tiêu thụ thép trong 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt mức tăng trưởng 4%, tương đương với 5 triệu tấn. Trong đó sản phẩm thép dài là 2,9 triệu tấn tăng 118%, sản phẩm dẹt đạt 1,8 triệu tấn tăng 84%, các loại thép khác gần 400.000 tấn tăng 125% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 7, do nhu cầu thị trường tăng trở lại, giá thép cũng tăng theo từ 13 triệu đồng lên 13,5-14 triệu đồng/tấn. Sản lượng tiêu thụ tháng 7 cũng tăng vượt trội đạt gần 500.000 tấn (tháng 6 chỉ đạt 315.000 tấn).

Thách thức trong những tháng cuối năm

Theo phân tích của VSA, ước sang những tháng cuối năm, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, GDP bình quân của 6 tháng còn lại phải ở mức 6,8%. Do đó, chúng ta phải đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu và dịch vụ. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong các tháng cuối năm.

Mặt khác, việc giải ngân các nguồn vốn FDI và ODA cho các dự án công nghiệp và hạ tầng cơ sở cải thiện rõ rệt trong năm nay cũng là dấu hiệu tích cực tác động đến cho ngành Thép.

Những tháng đầu năm 2010, tuy nền kinh tế thế giới đã phục hồi, song cũng còn tiềm ẩn nhiều bất ổn. Mặc dù các nhà sản xuất thép chấp nhận giá quặng sắt tăng 23% cho quý III, song điều này chưa hoàn toàn đồng nghĩa giá sẽ tăng ổn định trong thời gian tới. Do đó, chỉ khi nào Trung Quốc thực hiện thành công việc tiết giảm sản lượng ở các nhà máy nhằm hạn chế nguồn cung thì khi đó giá bán sẽ phục hồi và tương đối ổn định bởi những thay đổi trong chính sách đầu tư, thương mại của Trung Quốc có ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường thép thế giới và khu vực.

Trước những khó khăn và thuận lợi nêu trên, sản xuất và tiêu thụ của ngành Thép có thể đạt mức tăng trưởng 10-12% trong năm nay, song VSA cho rằng để mức tiêu thụ thép (gồm sản xuất trong nước, nhập khẩu, xuất khẩu ) đạt được tốc độ tăng trưởng 10-12% năm sẽ là một thách thức rất lớn.

Trước hết là do việc nhập khẩu các sản phẩm thép ngoại vào thị trường Việt Nam đang có xu hướng tăng đang gây sức ép cho sản phẩm cùng loại sản suất trong nước. Chẳng hạn, nhập khẩu thép thành phẩm trong 6 tháng đầu năm 2010 so với cùng kỳ năm ngoái tăng 6%; nhập khẩu thép cuộn vẫn ở mức cao 245.000 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2009; các mặt hàng ống thép hàn, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu nhập khẩu có mức tăng cao nhất là 54% và 36% so với cùng kỳ...

Bên cạnh đó, do tình hình đầu tư tràn lan, cung đã vượt xa cầu đối với các sản phẩm thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép hàn, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu sẽ ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ và giá sản phẩm.

Hiệp hội Thép Việt Nam tiếp tục đề nghị Chính phủ tạm dừng cấp giấy phép đầu tư cho các sản phẩm nêu trên và có biện pháp hữu hiệu kiểm soát việc cấp giấy phép đầu tư ở các địa phương; đề nghị các cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cần có những chính sách thương mại, thuế linh hoạt phù hợp nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, VSA cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước có biện pháp hạ lãi suất cho vay và tăng nguồn cung để kích thích sản xuất trong nước phát triển.

Về phía doanh nghiệp, ngoài việc nâng cao năng lực cạnh tranh cũng cần có chính sách thị trường hợp lý, chuẩn hóa mạng lưới tiêu thụ, đồng thời chuẩn bị nguồn nguyên liệu tốt với những chiến lược dự báo dài hạn. Tránh tình trạng lúc thừa lúc thiếu nguyên liệu dẫn đến thừa thiếu sản phẩm gây sức ép tiêu cực về giá cũng như ảnh hưởng tới việc đảm bảo nhu cầu thép cho thị trường trong nước.

                                                                                             Phạm Chí Cường (Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam) Nguồn Chinhphu

ĐỌC THÊM