Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Quy hoạch ngành thép: Sẽ thừa nếu vỡ quy hoạch

Quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 145/2007/QĐ-TTg ngày 4-9-2007. Sau hơn 3 năm thực hiện, những tưởng ngành thép đã đi vào khuôn khổ nhưng thực tế lại cho thấy tình trạng phá vỡ quy hoạch đã bắt đầu xuất hiện ở nhiều địa phương.

Kết quả thanh tra mới nhất của Bộ Công thương cho thấy, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có số dự án thép đăng ký đã lên tới 17 dự án, với công suất 3,75 triệu tấn thép luyện/năm và hơn 10 triệu tấn thép cán/năm. Con số này đặt ra vấn đề Bà Rịa - Vũng Tàu nằm ngoài quy hoạch tới 7 dự án thép. Công suất của các nhà máy thép tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã đứng trước nguy cơ dư thừa.

Và đây không phải là tỉnh duy nhất có số lượng dự án vượt quá quy hoạch ngành thép giai đoạn 2007-2015, có xét tới năm 2025. Số liệu kiểm tra cuối năm 2009 của Bộ Công thương cho biết, hiện nay có 32 dự án không thuộc danh mục quy hoạch đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, ngoài Bà Rịa - Vũng Tàu thì còn có Hải Phòng với 5 dự án, Thanh Hóa và Hải Dương với 4 dự án, Hà Tĩnh 3 dự án…  2 dự án đã đưa vào sản xuất là ở Quảng Ninh và Hà Nam và 3 dự án đang hoàn thiện ở Hải Phòng, Thanh Hóa.

Trong 32 dự án này có 3 dự án Nhà máy thép liên hợp quy mô lớn đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư, 5 dự án quy mô vừa đã được Bộ Công thương có ý kiến thỏa thuận. Nguyên nhân của việc dư thừa này một phần cũng do công tác quản lý. Bộ Công thương và ngành công thương các địa phương không nắm được việc cấp phép các dự án này, vì các dự án đều do Ban quản lý các khu công nghiệp kiểm soát.

Theo Luật Đầu tư thì địa phương có thể cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án thép với các dự án nhóm B và C có mức vốn nhỏ hơn 1.500 tỷ đồng mà không cần xin chủ trương của Chính phủ. Nhưng theo Luật Xây dựng và Nghị định 16/2005/NĐ - CP hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng thì đối với các dự án nhóm B chưa có trong Quy hoạch ngành thì trước khi lập dự án phải có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về quy hoạch.

Dư thừa như vậy nhưng trong khi đó, có những dự án sản xuất thép chất lượng cao phục vụ công nghiệp đóng tàu và những ngành công nghiệp nặng khác lại chưa triển khai xong. Nếu vì tình trạng vượt quá quy hoạch mà phải đình lại thì sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn cung thép chất lượng cao. Theo ông ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), quy hoạch phát triển ngành thép đến năm 2025 với tổng công suất 20 triệu tấn/năm, tuy nhiên tính đến thời điểm này, số lượng dự án thép được cấp phép trên cả nước đã có tổng công suất lên đến 40 triệu tấn/năm, vượt gấp đôi so với quy hoạch.

Ông Nghi cũng cho rằng: “Điều đáng lo ngại nhất là việc cấp phép dự án thép tràn lan đã vượt quá công suất trong quy hoạch ngành thép, thiếu sự nghiên cứu kỹ lưỡng kết hợp cân đối giữa sự phát triển của các ngành khác như điện, nước, cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, cảng biển”.

Phá vỡ quy hoạch thép có thể gây ra những hậu quả khó lường mà rõ rệt nhất là về môi trường. Để sản xuất được 1 tấn thép, môi trường lại phải chịu 2,9 tấn khí CO2. Xử lý xỉ thép thải ra trong quá trình sản xuất cũng là một vấn đề nan giải đối với ngành thép nước ta hiện nay. Ngoài ra, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì việc nhập khẩu công nghệ sản xuất thép có thể sẽ biến Việt Nam trở thành một bãi rác phế thải, và một thị trường nhập khẩu công nghệ bẩn.

Phá vỡ quy hoạch cũng khiến ngành thép phải đối mặt với một nguy cơ khác: thiếu nhân lực nghiêm trọng. Việc bùng nổ các dự án thép như hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa công suất mà từ cách đây vài năm, Hiệp hội Thép đã từng lên tiếng cảnh báo. Hiện tại, tổng công suất cán thép xây dựng vượt gần 2 lần công suất luyện, 80% sản lượng phôi thép hiện nay được sản xuất từ thép phế liệu.

Dư thừa công suất sản phẩm dài dẫn đến việc sử dụng công suất cán thép đạt khoảng 60-70%. Điều đáng nói, nhiều nhà đầu tư thép - kể cả chủ những dự án liên hợp lớn không phải là những nhà luyện kim có uy tín và kinh nghiệm trên thế giới, thậm chí có tập đoàn không chứng minh được năng lực tài chính hùng mạnh. Chưa kể, một số doanh nghiệp không chuyên về thép cũng đầu tư vào các dự án thép. Vì thế đã đến lúc cần xiết chặt việc thực hiện đúng quy hoạch để tránh lãng phí.

(ANTĐ)

ĐỌC THÊM