Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Pomina- tiên phong trong ngành luyện thép

Ngày 17/10/2009, CTCP Thép Pomina sẽ chính thức khởi công xây dựng nhà máy luyện thép có công suất 1 triệu tấn/năm tại Khu công nghiệp Phú Mỹ, huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Tại lễ ký kết xây dựng nhà máy luyện thép nói trên giữa CTCP Thép Pomina với Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam- chi nhánh TP.HCM (VietinBank) - hai nhà cung cấp thiết bị SMS CONCAST và Tenova SpA, diễn ra tại TP.HCM ngày 12/9/2009, phóng viên Báo Đầu tư đã trao đổi với ông Đỗ Văn Khánh, Tổng giám đốc CTCP Thép Pomina về Dự án này.

Thưa ông, với một thị trường đang phụ thuộc nhiều vào nguồn thép nhập khẩu như Việt Nam, cơ hội dành cho những nhà đầu tư ở lĩnh vực này vẫn còn rất lớn?

Đúng vậy. Ngành thép chính là đòn bẩy tăng trưởng cho mỗi quốc gia. Tuy nhiên, ngành thép của Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu. Xét trên bình diện vĩ mô, đó là sự mất cân đối, nhưng ở góc độ vi mô, đây lại là những cơ hội tốt cho những nhà đầu tư. Pomina đang nỗ lực tận dụng tối đa những thời cơ vàng để mở rộng quy mô sản xuất và từng bước chiếm lĩnh thị trường.

Thực tế cho thấy, có không ít dự án thép sử dụng công nghệ lạc hậu nên đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về môi trường. Riêng với nhà máy này, nhà cung cấp thiết bị SMS Concast và Tenova SpA sẽ mang đến cho Pomina công nghệ gì?

ở nhà máy này, chúng tôi sẽ ứng dụng công nghệ Consteel-Techint, một trong những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới, có thể sử dụng nhiệt thoát ra để sấy phế liệu, giúp giảm giá thành sản xuất do tiêu hao về nguyên liệu thấp, đồng thời hạn chế khí thải. Đây sẽ là nhà máy thứ 20 trên thế giới ứng dụng công nghệ tiên tiến Consteel-Techint của Italia.

Được thành lập vào năm 1954, Concast đã có hơn 50 năm kinh nghiệm trong việc cung cấp thiết bị sản xuất thép. Concast đã tham gia vào nhiều dự án lớn của các công ty sản xuất thép hàng đầu trên thế giới như Nucor (Mỹ), ICDAS (Thổ Nhĩ Kì), Swiss Steel (Thụy Sỹ). Chúng tôi tin Concast sẽ mang lại những điều tốt đẹp nhất ở công nghệ này. Với bề dày kinh nghiệm từ năm 1945 đến nay, Tenova cũng là một nhàự cung cấp thiết bị và công nghệ hàng đầu châu Âu với hoạt động trải rộng khắp toàn cầu.

Với việc xây dựng nhà máy luyện thép công suất 1 triệu tấn/năm, Pomina sẽ nâng tổng công suất luyện thép lên 1,5 triệu tấn/năm và trở thành doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất cả nước. Điều này có giúp Pomina đủ sức để chiếm lĩnh thị trường trong nước và cạnh tranh ở thị trường quốc tế hay chưa?

Hiện Pomina là nhà sản xuất thép xây dựng hàng đầu của Việt Nam, với 92% sản lượng tiêu thụ nội địa và 8% dành để xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu chủ lực của Pomina là Campuchia, Lào, Các Tiểu vương quốc ả - rập thống nhất... Tuy nhiên, con số này còn quá nhỏ so với dự định sẽ dành 30% sản phẩm để xuất khẩu của chúng tôi. Mục tiêu chính của Pomina vẫn là cạnh tranh quốc tế. Với công nghệ này, Pomina sẽ có đủ cơ sở để bình ổn, phát triển theo chiến lược của mình.

Với đà này, trong vài năm tới, Việt Nam sẽ không còn phải trông chờ vào nguồn nguyên liệu thép nhập khẩu?

Sau khi nhà máy thép đi vào hoạt động, cùng với các nhà máy và dự án sản xuất phôi thép khác trên cả nước, Việt Nam hoàn toàn chủ động nguồn phôi thép cho sản xuất, mà không cần nhập khẩu. Ngành thép Việt Nam có thể tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định, tiết kiệm được nguồn ngoại tệ đáng kể từ việc ngừng nhập khẩu phôi thép.

Được biết, nhà máy này có vốn đầu tư 1.373 tỷ đồng, trong đó VietinBank cho vay 884 tỷ đồng, là một trong 3 hạng mục của dự án mà Pomina đang triển khai ở Phú Mỹ (với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD). Với các hạng mục còn lại, Pomina có triển khai song song với nhà máy trên không, thưa ông?

Ngoài nhà máy cán thép Pomina Phú Mỹ công suất 500.000 tấn/năm hoàn thành từ tháng 6/2009, Pomina còn xây dựng tại đây một nhà máy thép công suất 500.000 tấn/năm và một cảng biển có năng lực bốc dỡ đạt 3 triệu tấn/năm. Cảng này sẽ triển khai song song với nhà máy trên và hoàn thành dự kiến trong 3 năm để kịp thời phục vụ cho nhà máy của Pomina ở Phú Mỹ. Sau khi đưa cảng này vào khai thác, Pomina sẽ chủ động được việc vận chuyển và tạo lợi thế cạnh tranh riêng.

Pomina cho rằng, chiến lược phát triển của Công ty là dựa trên công nghệ tiên tiến và con người có năng lực. Tuy nhiên, trên hết, yếu tố con người mới đóng một vai trò quan trọng?

Chắc chắn là như vậy. Nhiều kỹ sư của Pomina hiện có đủ năng lực vận hành nhà máy luyện thép công suất 1 triệu tấn/năm sau khi vận hành thành công nhà máy có công suất 500.000 tấn/năm trước đây. Bởi lẽ, đội ngũ kỹ sư của Pomina đa phần đều được học tập thực tế từ các nhà máy ở châu Âu và được đào tạo tại chỗ với các chuyên gia nước ngoài. Chúng tôi kỳ vọng, dự án này sẽ mang lại doanh thu dự kiến 8.000 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho hơn 1.000 nhân công, chủ yếu là lao động tại địa phương.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, cái được lớn nhất của việc xây dựng nhà máy trên là gì?

Đầu tư vào dự án trong thời điểm hiện nay, Pomina đã tận dụng được ưu thế về giá thành đầu tư thấp do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mang lại. Có thể khẳng định rằng, Thép Pomina đã và đang đồng hành có ý thức với các doanh nghiệp thép trong cả nước để cùng nhau xây dựng và vun đắp cho sự phát triển bền vững của ngành thép Việt Nam.

(Đầu tư)

ĐỌC THÊM